Mang bầu 6 tháng nhưng không có thai nhi
Đây là trường hợp đặc biệt mà bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, khoa Phụ 2, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, vừa tiếp nhận xử lý.
Chị Ngân là lao động tự do, suốt thai kỳ chưa từng đi khám thai. Chị vào viện do ra máu âm đạo, toàn thân phù nề có biểu hiện nhiễm độc. Mổ cấp cứu, bác sĩ phát hiện trong bụng bệnh nhân không có thai nhi mà là khối thai trứng toàn phần, 100% bánh nhau là tổ hợp bọng nước. Thể tích tổ hợp bọng nước lên tới hai lít. Bệnh nhân được chẩn đoán là chửa trứng, chỉ định nạo thai trứng.
Bác sĩ Vân Anh cho biết chửa trứng là do sự phát triển bất thường của nhau thai. Nguyên bào nuôi của gai nhau phát triển quá nhanh, các tổ chức liên kết và mạch máu trong gai nhau phát triển không kịp, do vậy các gai nhau sẽ thoái hóa thành các bọng nước.
Chửa trứng thường gặp ở phụ nữ trước tuổi 20 và sau 40. Chửa trứng có hai dạng là chửa trứng toàn phần (không có thai nhi) và chửa trứng bán phần (có thai nhi hoặc một phần thai nhi). Đa số trường hợp là lành tính. Tuy nhiên nếu không theo dõi và điều trị đúng, 10-30% ca chửa trứng có thể thành ác tính.
Chửa trứng ác tính khi lớp đơn bào ở trong xâm lấn ra ngoài, tràn vào niêm mạc tử cung, ăn sâu vào lớp cơ tử cung gây biến chứng nguy hiểm như thủng lớp cơ tử cung, chảy máu trong ổ bụng, thậm chí tiến triển thành ung thư tế bào nuôi.
Khi chửa trứng, bệnh nhân vẫn có dấu hiệu mang thai như tắt kinh, nghén, vú căng. Tuy nhiên nghén nặng hơn và bụng to nhanh hơn bình thường.
Ra máu âm đạo là triệu chứng quan trọng đầu tiên. Ra máu sớm vào khoảng tháng thứ 2 đến tháng thứ 4, máu màu đen, đỏ, ít và dai dẳng. Tình trạng đau bụng xảy đến khi sắp sảy thai trứng hoặc có biến chứng.
Khi bị chửa trứng, người bệnh thường mệt mỏi, thiếu máu, có thể nhiễm độc thai nghén, đôi khi vàng da, nước tiểu vàng. Trường hợp nặng có thể bị cường giáp khiến nhịp tim nhanh, da nóng ẩm, run tay, tuyến giáp to.
Người mang thai trứng, khi siêu âm sẽ không thấy hoạt động của tim thai, không thấy túi ối, âm vang thai. Điển hình, siêu âm sẽ thấy buồng tử cung sáng, có hình ảnh nhiều nang nước nhỏ lỗ rỗ như tổ ong, vết rỗ khí của ruột bánh mì, có thể thấy hình ảnh túi ối/bào thai nếu chửa trứng bán phần.
Bệnh nhân chửa trứng được bác sĩ điều trị lấy khối trứng ra ngoài tử cung bằng cách nong nạo hay hút nạo. Nếu thai trứng xâm lấn làm thủng tử cung, bác sĩ phẫu thuật cắt tử cung toàn phần.
Người bệnh được xét nghiệm định lượng beta hCG hai tuần một lần trong ba tháng đầu rồi sáu tháng một lần cho đến hết 12 tháng. Tuyệt đối tránh mang thai trong vòng 18 tháng sau hút nạo.
Bác sĩ Vân Anh cho biết tình trạng thai trứng không ảnh hưởng đến khả năng mang thai tiếp tục của người mẹ, không làm tăng nguy cơ thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, sinh non, hoặc các biến chứng khác. Tỷ lệ mắc thai trứng tái phát chỉ 1-2%.
Các thai phụ cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm chửa trứng cũng như các bất thường.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội