Mòn mỏi chờ quy chuẩn về Sữa học đường
Doanh nghiệp “trở tay” không kịp nếu Thông tư ban hành chậm
Tháng 4-2018, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đăng tải công khai trên website về Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Để hoàn chỉnh Dự thảo, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý về quy chuẩn đối với sữa tươi tham gia Chương trình Sữa học đường. Mới nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo quy định này. Ngày 9-7, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Dự thảo Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12-7.
Ngay sau khi nhận được công văn hỏa tốc của Bộ Y tế, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn số 64 gửi ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Y tế với nội dung:
“Đến nay, thời gian lấy ý kiến cuối cùng về Dự thảo Thông tư đã kết thúc nhưng cơ quan biên soạn vẫn chưa chính thức ký ban hành Thông tư. Trong khi năm học mới 2019-2020 sắp đến, việc triển khai Chương trình Sữa học đường tại các địa phương sẽ thuận lợi hơn nếu Thông tư nói trên được ban hành vì đây là một trong những căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp, các địa phương triển khai các gói thầu”. Vì vậy, các doanh nghiệp rất mong muốn Thông tư về Sữa học đường sớm được ban hành.
PGS, TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, vì chưa có Thông tư nên ngành giáo dục tại các địa phương, các doanh nghiệp sữa đang loay hoay không biết lấy căn cứ nào để đấu thầu.
“Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Nếu Thông tư Sữa học đường được ban hành kịp thời thì sẽ có căn cứ pháp lý, có sân chơi công bằng, minh bạch để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu hợp lý. Hiện nay, khi chưa có Thông tư mà các đơn vị lại căn cứ vào quy định cũ sẽ phải hủy kết quả đấu thầu này làm lại khi có Thông tư mới, khó cho ngành giáo dục các địa phương và các doanh nghiệp”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, với quy trình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp sữa hiện nay, họ sẽ “trở tay” không kịp nếu như Thông tư ban hành sát nút năm học mới. “Các nhà máy sản xuất phải căn cứ vào quy chuẩn Sữa học đường mà Thông tư ban hành gồm cả về bổ sung bao nhiêu vi chất, mẫu mã, bao bì, thiết kế nhãn như thế nào để bảo đảm sản xuất theo đúng quy chuẩn về nguyên liệu, công thức. Sữa học đường cũng cần phải được nghiên cứu và thử nhiều lần trước khi đưa vào chương trình, mất thời gian cả tháng”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, việc bổ sung vi chất vào Sữa học đường là rất cần thiết, phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Theo đó, bổ sung 21 vi chất là hết sức cần thiết.
Bộ Y tế đang chỉ đạo khẩn trương
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử về nội dung chậm trễ này, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, sau khi lấy ý kiến góp ý của nhiều doanh nghiệp sữa, Vụ đang làm việc khẩn trương và xin lịch làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế.
Trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ mời Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên môi trường để cùng thống nhất về nội dung trong Thông tư này.
Với tư cách là cơ quan đầu mối xây dựng Thông tư, ông Vinh cho biết, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, sẽ đề xuất với Chính phủ, sau khi kết thúc Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 theo Quyết định 1340/QĐ-TTg sẽ chuyển Chương trình này cho các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thường quy.
“Quan điểm của Bộ Y tế là công khai, minh bạch và sẽ sớm ban hành Hướng dẫn tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình Sữa học đường, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp, với mục đích cuối cùng là nâng cao tầm vóc thể lực của trẻ em Việt Nam”, ông Vinh nói.
Theo THIÊN LAM - NDĐT
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội