Chiều muộn ngày Tết Độc lập… Sau cả ngày đi cơ sở kiểm tra trường, lớp chuẩn bị cho năm học mới, Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân (thường gọi Năm Luân), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cũng về đến nhà. Bên ngoài, trời nhá nhem tối…
Nỗi niềm mùa tựu trường
Bên ly trà nhạt sau cơn mưa lất phất, anh Luân trầm ngâm trăn trở, vẻ mặt lo toan. Năm trước, cũng thời điểm này, miệt sông nước Cà Mau rôm rả phụ huynh nộp hồ sơ, đưa con em đến nhận lớp, nhận trường. Còn năm nay, khung cảnh yên tĩnh quá. Mọi thứ đều được thu nhận online hoặc qua đường bưu chính.
Có lẽ, anh Năm Luân biết rõ, đang trong giãn cách xã hội, các cơ sở trường học ở địa phương không thể làm khác hơn, tránh tụ tập đông người có thể tạo cơ hội dịch bệnh xâm nhập học đường. Cũng nhờ vậy, thầy cô có thêm thời gian để dọn dẹp vệ sinh trường lớp, khử khuẩn kỹ càng đồ dùng giảng dạy cho năm học mới. Thầy cô còn kết nối zalo tới phụ huynh để cập nhật tình hình sức khỏe của học sinh; hỗ trợ cài đặt phần mềm khai báo y tế, tuyên truyền biện phòng dịch mới “5T” cho phụ huynh vùng sâu, vùng xa.
Qua nhiều ngày đi cơ sở, Năm Luân nhận thấy mọi thứ đang thích nghi dần với giãn cách. Từ đôi dép, cái áo, cái quần cho đến tập vở, cặp sách…, hầu như đều được mua sắm trực tuyến. Đơn hàng chỉ cần cung cấp thông tin học sinh lớp mấy, trường nào, đơn vị tiếp nhận sẽ chuẩn bị bộ “phụ tùng” học tập phù hợp với quy định của trường, rồi bao vở, dán nhãn, ghi tên và điều động shipper (người giao hàng) giao đến tận nhà. Với cách làm như vậy, phụ huynh chỉ cần ngồi tại nhà cũng có đủ bộ đồ dùng học tập cho con mình, tiết kiệm được mớ thời gian để dành cho việc ôn tập, giúp con mình củng cố kiến thức, tập làm quen với máy tính, điện thoại thông minh và cả bộ sách giáo khoa mới.
Ngẫm nghĩ cách làm trên, anh Năm Luân nhẹ nhõm trong bụng, vì phụ huynh Cà Mau cũng đang trong tâm thế “sống chung với dịch” như ngành giáo dục. Nhất là trong tình huống dịch bệnh phức tạp, giãn cách kéo dài phải dạy và học online, thì các kỹ năng sử dụng điện thoại và máy tính sẽ vô cùng hữu ích, giúp trẻ bắt nhịp và thích nghi nhanh hơn, không để việc học bị gián đoạn.
Mừng vậy nhưng lo vẫn cứ lo. Qua rà soát từ cơ sở, toàn tỉnh Cà Mau hiện còn hơn 10.000 học sinh gặp khó khăn về thiết bị, phương tiện học như cặp sách, phương tiện đi lại, đường truyền internet... Trong số đó, có khoảng 500 em đặc biệt khó khăn về điều kiện học trực tuyến.
Để các học sinh khó khăn bảo đảm duy trì việc học, những ngày qua, ngành giáo dục Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá việc hỗ trợ học sinh trong năm học mới. Ngoài tập, vở, xe đạp, học bổng, đơn vị của anh Năm Luân cũng vừa xã hội hoá được 500 điện thoại thông minh để hỗ trợ học trực tuyến cho các em học sinh đặc biệt khó khăn. Tranh thủ những ngày nghỉ lễ, ban lãnh đạo giáo dục tỉnh tiếp tục chia nhau đến tận nơi trao số điện thoại nêu trên, quyết không để bất kỳ cháu học sinh nào bỏ học.
Dịch bệnh thì học online
Giữa tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt 3 kịch bản cho trong năm 2021-2022. Cụ thể, trong điều kiện bình thường sẽ chỉ đạo dạy trực tiếp 100%; trong điều kiện có dịch bệnh thì các nhà trường tối thiểu 30% dạy trực tuyến, còn lại 70% dạy trực tiếp; nếu tình hình dịch bệnh diễn ra phải thực hiện giãn cách xã hội thì chỉ đạo các cơ sở giáo dục dạy trực tuyến 100% để đảm bảo nội dung chương trình.
Các tình huống dạy học cho các hoàn cảnh dịch bệnh khác nhau như trên cho thấy, việc học của các em được lãnh đạo tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Trong sáng 1/9, lãnh đạo tỉnh này tiếp tục họp trực tuyến để bàn giải pháp ứng phó dịch bệnh trong tình hình mới. Qua phân tích tại cuộc họp về các yếu tố dịch tễ liên quan cho thấy, tỉnh vẫn trong nhóm “nguy cơ” dịch bệnh khi có tới 2/9 huyện, thành phố trong diện “nguy cơ”; 15/101 xã, phường, thị trấn trong nhóm “nguy cơ cao” và “nguy cơ” về dịch bệnh.
Từ cơ sở nêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị áp dụng trực tiếp đối với những nơi đủ điều kiện, ngược lại phải tổ chức dạy và học trực tuyến. Người đứng đầu cấp ủy Cà Mau cũng nhất trí với đề xuất của ngành giáo dục và UBND tỉnh về phương án cho năm học mới. Theo đó, việc khai giảng năm học mới trong tỉnh được ấn định vào 13/9. Vào ngày này, các “vùng xanh” trong tỉnh sẽ khai giảng trực tiếp dưới sân trường nhưng giới hạn số lượng người tham gia và rút gọn về hình thức. Còn “vùng vàng và đỏ” sẽ khai giảng trực tuyến.
Việc tựu trường, học tập của học sinh Cà Mau cũng được uyển chuyển phù hợp với tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh. Trong đó, khối mầm non được chủ trương sẽ tạm dừng đến trường đến khi có thông báo mới. Nhà trường có hình thức hướng dẫn phụ huynh dạy cho trẻ mầm non tại nhà bằng các chuyên đề, video clip qua phương tiện zalo, facebook,… Đối với hệ phổ thông, từ 5-11/9, sẽ ổn định tổ chức trường, lớp học; hình thành các lớp học online và tổ chức tập huấn cho giáo viên và học sinh thực hành làm quen với cách học trên môi trường mạng. Từ ngày 13/9, các “vùng xanh” trong tỉnh sẽ tổ chức dạy và học theo hình thức trực tiếp trên lớp; còn “vùng vàng, đỏ” sẽ tổ chức dạy học hình thức trực tuyến qua Internet trên các nền tảng công nghệ của Viettel, VNPT…
Phương án dạy học được lãnh đạo tỉnh Cà Mau thông qua là cơ sở để lãnh đạo quản lí giáo dục tại địa phương có những hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị giáo dục trực thuộc trong tỉnh làm theo, phục vụ năm học mới 2021-2022. Trong tình huống dạy trực tuyến, ngành giáo dục Cà Mau sẽ căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh mà quyết định áp dụng trên phạm vi cả tỉnh hoặc một số địa phương cụ thể. Trong đó, sẽ đặc biệt lưu ý xây dựng bài dạy, chuyên đề nhằm giúp học sinh ôn luyện và củng cố kiến thức đã học. Đồng thời, rà soát, xây dựng chương trình môn học, bài giảng theo hướng tinh giản, tích hợp để phù hợp nhất với năng lực của học sinh nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.
Năm học mới 2021-2022, toàn tỉnh Cà Mau có 510 điểm trường với khoảng 245.000 học sinh. Đến đầu tháng 9 vừa qua, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục hoàn thiện sắp xếp lớp học, phân công giáo viên phù hợp và chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh làm quen với việc học tập trên môi trường mạng.
Với các giáo viên mắc kẹt ngoài tỉnh chưa về kịp, chủ trương của tỉnh sẽ bố trí giáo viên khác dạy thay. Còn học sinh đang ngoài tỉnh thì làm việc với địa phương ngoài tỉnh để các em này được học. Tương tự như vậy, học sinh ngoài tỉnh chưa về kịp thì tạo điều kiện để các em này được học tạm ở Cà Mau - Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau cho biết.