Người cấy ốc tai điện tử cho trẻ khiếm thính

HÀ NỘI - Trước ca mổ cho bệnh nhi 3 tuổi ống tai dị dạng, bác sĩ Thành vừa trấn an gia đình vừa động viên đồng nghiệp bởi ca phẫu thuật có thể thất bại.

Bệnh nhi bị dị dạng ốc tai hiếm gặp, chiều dài ốc tai khoảng 11-12 mm, trong khi ốc tai một người bình thường khoảng 31-32 mm. Em còn bị dị dạng động mạch, tĩnh mạch, tiền đình, ống bán khuyên, thành sau ống tai... rất khó can thiệp. Theo bác sĩ, chiều dài ốc tai quá ngắn gây khó khăn khi đi tìm cửa sổ tròn, nơi để luồn dây điện cực vào. Nếu thao tác không cẩn thận, người bệnh có thể bị thủng tĩnh mạch và tử vong bất cứ lúc nào.

Cùng với bác sĩ trong khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Thành quyết định mổ nội soi thay vì phẫu thuật trên kính hiển vi như trước. Bác sĩ phải thực hiện các thao tác tỉ mẩn, khéo léo trong suốt 4 tiếng. Mãi cho đến khi đặt điện cực vào bên trong tai, mọi người mới được thở phào.

"Đây là ca bệnh khó nhất trong sự nghiệp cầm dao mổ của tôi, tưởng như phải dừng lại vì quá khắc nghiệt. Thật may là mọi thứ diễn ra tốt đẹp ngoài mong đợi", bác sĩ Thành nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Minh Thành, 55 tuổi, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội. Bác sĩ là một trong những người đầu tiên tại miền Bắc thực hiện thành công phương pháp cấy ốc tai điện tử. Đến nay, bác sĩ đã thực hiện hơn 250 ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử thành công, với tỷ lệ 100% không gây ra biến chứng.

Bác sĩ Cao Minh Thành (ngoài cùng bên trái) đang thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử bằng công nghệ nội soi 3D Exo scope. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bác sĩ Cao Minh Thành (ngoài cùng bên trái) đang thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử bằng công nghệ nội soi 3D Exo scope. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Cao Minh Thành tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1994 và chọn ngành Tai Mũi Họng để theo đuổi. Với anh, nỗi trăn trở mang âm thanh đến cho trẻ em khiếm thính đã thôi thúc từ ngày ngồi giảng đường. Thời điểm đó, chuyên ngành này chưa được nhiều người quan tâm. Mãi đến năm 1998, các chuyên gia nước ngoài đến bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM thực hiện cấy ốc tai điện tử, gây tiếng vang lớn cho ngành. Kể từ đó, nhiều đứa trẻ điếc bẩm sinh có thêm cơ hội phẫu thuật và lắng nghe âm thanh cuộc sống.

Là bác sĩ tiên phong trong ngành cấy ốc tai điện tử, bác sĩ Thành được cử đi học Đài Loan, Đức và được các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Đến năm 2010, bác sĩ đã có thể độc lập tiến hành phẫu thuật. Khi đó, cấy ốc tai điện tử đa kênh đã ứng dụng, ưu việt và hiệu quả hơn.

Cấy ốc tai điện tử đa kênh là phẫu thuật tai thuộc loại nâng cao và khó thực hiện, phải đặt đúng vị trí thì hiệu quả nghe mới tốt, giúp bệnh nhân có được cơ hội phát triển ngôn ngữ như người bình thường.

Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử phải thực hiện sớm từ 12- 72 tháng tuổi. Từ 8 - 10 tuổi hiệu quả cấy giảm, sau đó không còn tác dụng nữa. Riêng trường hợp "điếc sau ngôn ngữ", tức là có thể nghe nói nhưng bỗng nhiên không còn nghe nói được nữa thì có thể cấy ở bất cứ độ tuổi nào.

Tuy nhiên, để đào tạo bác sĩ phẫu thuật tai mất rất nhiều thời gian, nhất là bác sĩ phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. Cả nước hiện trên dưới 10 người thực hiện được phương pháp này.

Bác sĩ Thành cho biết, cấu tạo tai rất phức tạp. Riêng ống tai chỉ dài từ 0,9 đến 1,1 cm nên phải dùng dụng cụ vi phẫu trên kính hiển vi hoặc nội soi. Trong không gian chật hẹp, bác sĩ không thể mổ bằng mắt thường, nếu không cẩn thận có thể làm thủng màng nhĩ hoặc tử vong. Bác sĩ muốn phẫu thuật cấy ốc tai điện tử mất rất nhiều thời gian thực hành, khoảng từ 4-6 năm sau đại học để học hỏi, thực hành.

"Công việc này tôi luyện cho tôi tính cẩn trọng và tỉ mỉ, chính xác đến từng mm. Chỉ cần lệch đi một chút, ca phẫu thuật sẽ thất bại, thậm chí người bệnh tử vong", bác sĩ bộc bạch.

Ngoài ra, sự phục hồi sau phẫu thuật cấy điện ốc tai thường khác nhau ở từng người. Mức độ hồi phục tùy thuộc vào kỹ thuật mổ của bác sĩ, thời điểm bị điếc trước hay sau khi biết nói, sự nỗ lực của bệnh nhân và cả sự hỗ trợ của gia đình.

Cấy ốc tai điện tử có thể gây méo miệng do liệt dây thần kinh số 7 hoặc nói ngọng, nói không được tròn vành rõ chứ. Do đó, thành công của phẫu thuật cấy ốc tai điện tử phải cho đến khi trẻ nói được, phát triển ngôn ngữ gần như người bình thường.

Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Thùy An
Phó giáo sư, tiến sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Thùy An

Gần 30 năm trong nghề, bác sĩ tâm niệm, công việc của mình là "mang âm thanh, tặng cuộc sống". Sau mỗi ca phẫu thuật, anh luôn lưu lại thông tin, số liên lạc của các bệnh nhân. Niềm vui nhân lên khi nhận được cuộc gọi người nhà, nhắn con đã cất tiếng gọi mẹ, gọi bố. Nhiều em nay đã khôn lớn, đi học và có cuộc sống tốt như những đứa trẻ bình thường. Thế nhưng, nỗi lo trong anh chưa bao giờ ngưng khi có nhiều bệnh nhi vì kinh phí mà bỏ dở điều trị.

Trung bình, chi phí cấy ốc tai ở Việt Nam 400-600 triệu đồng một bên tai nên lượng bệnh nhân không nhiều. Nhiều gia đình phải chia thành hai lần cấy vì không đủ kinh phí chi trả, thậm chí bán cả gia tài.

Tại Việt Nam, cứ 1,2 triệu đến 1,3 triệu trẻ em sinh ra thì có 6.000 trẻ nghe kém và điếc bẩm sinh. Trong đó 75% trẻ cần được cấy ốc tai điện tử, tương đương với 3.500 đến 4.000 trẻ cần phẫu thuật mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng trẻ được cấy mỗi năm chưa đến 1.000 ca.

Với anh, điều thú vị của công việc này là biến một người tàn tật thành người không tàn tật. "Mình dùng từ không tàn tật chứ không phải người bình thường vì thực tế, người ta có khiếm khuyết cần được điều trị. Trẻ khiếm thính sẽ không phải sống câm lặng cả đời hay chỉ có thể vào trường khuyết tật và học giao tiếp bằng tay, bằng miệng mà được nghe bằng tai, nói bằng miệng của mình như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác", bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Thùy An

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?

Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?

Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024

Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới