Nối thành công cánh tay đứt lìa cho bé trai
Sau gần một tháng con trai xảy ra tai nạn, anh Nguyễn Văn Lợi, 35 tuổi, "vẫn chưa tin vào sự thật". "Tôi cứ nghĩ con trai phải mang thương tật suốt đời, mất hẳn cánh tay thuận", anh nói.
Ông bố kể lại chiều 7/11, bé lén lấy chìa khóa chạy xe ra ngoài. Một lúc sau, anh họ chở bé về báo bị tai nạn mất cánh tay. Bố lấy khăn quấn chặt vết thương rồi đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hậu Nghĩa. Phần tay đứt lìa được người dân gần nơi xảy ra tai nạn đặt trong thùng đá lạnh mang đến bệnh viện.
Sau khi sơ cứu, bệnh nhi cùng cánh tay đứt rời được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM). Các bác sĩ mổ nối tay trong đêm, sau hơn nửa tiếng nhập viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà, phẫu thuật viên chính, cho biết bệnh nhi đến bệnh viện khoảng giờ thứ ba sau tai nạn. Bất lợi lớn là vết thương đứt nham nhở, mô dập nát rất nhiều, vị trí đứt lìa nằm dưới nếp khuỷu tay, ngay vùng khớp nên vấn đề cố định xương rất khó khăn.
Vết thương có nhiều dị vật đất cát, kíp mổ phải cắt lọc sạch, thám sát dưới kính vi phẫu thấy xương trụ và xương quay gãy ba mảnh. Các bác sĩ tốn khoảng một giờ kết hợp xương bằng dụng cụ. Sau đó ê kíp tìm và nối được một nhánh động mạch, hai tĩnh mạch đi kèm.
Sau nối mạch máu, phần cẳng tay bên dưới hồng, tín hiệu máu lưu thông tốt. "Đến phần thần kinh, gân, cơ, do dập nát, mất đoạn quá nhiều, sinh hiệu bé lúc này bất ổn nên ê kíp quyết định chỉ nối những thần kinh cơ bản, thuận lợi rồi dừng lại", bác sĩ Ngà chia sẻ.
Trải qua ba tuần hậu phẫu, khi vết thương ổn, tay bắt đầu có chức năng, bệnh nhi được phẫu thuật nối thần kinh vào ngày 30/11. Trưa 2/12, bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt tại khoa Bỏng - Chỉnh trực, chiếu đèn. Siêu âm kiểm tra tín hiệu mạch máu nối cho kết quả tốt.
Theo bác sĩ Ngà, trường hợp này người dân sơ cứu sai, để phần chi đứt rời trực tiếp trong thùng đá lạnh rồi mang đến viện. May mắn bé đến bệnh viện địa phương sớm, thời gian ngâm đá không quá dài, được điều chỉnh sơ cứu kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều.
Bác sĩ Lê Phước Tân, Trưởng Khoa Bỏng - Chỉnh trực, cho biết sắp tới bé được tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng cẳng tay. "Nếu tập luyện tốt, chức năng tay của bé có thể hồi phục 70%", bác sĩ Tân nói.
Bác sĩ khuyến cáo người dân sơ cứu ban đầu phần chi đứt rời bằng cách rửa sạch nhẹ nhàng, quấn vào băng sạch, đặt vào bịch nilon rồi mới bỏ vào thùng đá lạnh. Nếu đặt trực tiếp vào đá có thể gây bỏng lạnh, khiến những cơ quan quý là mạch máu, thần kinh, cơ, có thể bị tổn thương, hủy hoại, sau nối có thể gây tắc, ảnh hưởng chức năng.
Bác sĩ Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, nhận định vi phẫu ở trẻ em đòi hỏi kỹ thuật rất cao, đòi hỏi sự tinh vi, khéo léo, kiên trì. Vi phẫu nối chi ở trẻ không chỉ mang lại chức năng cuộc sống bình thường, đảm bảo thẩm mỹ mà còn giúp ổn định về tâm lý vì việc mất chi ảnh hưởng tâm lý rất lớn.
Nhi đồng 2 là bệnh viện nhi duy nhất ở TP HCM triển khai vi phẫu nối chi, đến nay thực hiện khoảng 100 trường hợp.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội