Nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nặng 500g của bà mẹ có tiền sử tiền sản giật
PGS, TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, đây là trường hợp đặc biệt, ca bệnh rất phức tạp và khó của cả mẹ và bé. Người mẹ không sống ở Việt Nam, nhưng quay lại Việt Nam và có duyên sinh con ra tại quê nhà.
Từ một em bé trai sinh non chỉ nặng 500g đến nay bé đã phát triển bình thường theo đúng độ tuổi, nặng 2.000g.
Bà mẹ là Bùi Ngọc Dung (34 tuổi) là người Việt Nam nhưng hiện đang sinh sống tại quê chồng ở Canada. Chị Dung có tiền sử 1 lần sẩy thai, 3 lần thai lưu ở tuần 20-22. Lần mang thai này, chị Dung quyết định về Việt Nam khi bé được 12 tuần.
Trước khi tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị Dung đã điều trị tại một số bệnh viện liên quan bệnh lý tăng huyết áp. Khi thai được 24 tuần, sản phụ vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương điều trị và được tiên lượng khó cứu sống trẻ.
Các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Trung ương nhận định, đây là trường hợp khó, mẹ bị tiền sản giật xuất hiện khi có thai, trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng suy thai mạn tính. Đáng chú ý, tiền sản giật là một trong 5 tai biến của sản khoa.
Sản phụ nhập viện trong tình trạng tiền sản giật, phù to. Các bác sĩ đã động viên bà mẹ, cố theo dõi, nếu để được đến 28-29 tuần thai thì tốt vì khả năng sống của trẻ tăng lên 3%/ngày nếu nằm trong bụng mẹ. Các bác sĩ đã theo dõi thai nhi hết sức chặt chẽ, đến khi trẻ được 25 tuần 6 ngày thì không thể cố được, nên mổ bắt thai.
Sau khi trẻ ra đời, cháu bé được chuyển Trung tâm Chăm sóc và điều trị trẻ Sơ sinh để chăm sóc đặc biệt.
TS, BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trẻ chào đời nặng 500g được xác định nguy cơ cao viêm ruột hoại tử, khó khăn nuôi dưỡng, dễ mắc nhiễm trùng. Cho nên, các bác sĩ đã áp dụng thành công chiến lược nuôi các bé sơ sinh cực kỳ nhẹ cân như đặt nội khí quản ngay từ đầu, massage sớm, cho ăn sớm… Trẻ được ăn sữa mẹ ngay từ đầu và ăn hoàn toàn đường tiêu hóa vào ngày thứ 12... Ban đầu, các nhân viên y tế cho trẻ ăn từng giọt sữa một, mỗi lần ăn 10 giọt, ngày đầu tiên trẻ ăn 16 bữa. Cứ thế tỷ lệ sữa được điều chỉnh dần mỗi ngày.
Đến nay, cháu bé đã 97 ngày tuổi (gần 40 tuần thai), nặng 2.000g, có phản xạ bú tốt, siêu âm tim, siêu âm qua thóp chưa phát hiện bất thường. Trẻ đã biết tự cười, massage thể hiện sự dễ chịu, mẹ được hướng dẫn chăm sóc theo phương pháp Kangaroo từ khi bé 76 ngày tuổi.
PGS, TS Trần Danh Cường cho rằng, thành công này không chỉ là kết quả của việc chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh hết sức ngặt nghèo, chặt chẽ của bác sĩ sản khoa, nhi khoa. Những nỗ lực của chúng tôi mang lại niềm vui của gia đình cũng như y học của đất nước, đặc biệt trong ngành sản khoa.
Đón con từ tay PGS, TS Trần Danh Cường, chị Dung không giấu nổi xúc động. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, chị và chồng được làm cha, làm mẹ, được ôm ấp niềm hạnh phúc bé nhỏ kết tinh từ tình yêu của anh chị.
Nói lời cảm ơn các y bác sĩ, chị Dung bảo: "Gia đình em thật sự không biết bày tỏ thế nào. Chúng em cảm ơn y bác sĩ nhiều lắm lắm". Tết này, Dung và chồng ở lại Việt Nam để sức khỏe của con trai thêm ổn định.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội