Sản phụ đẻ rơi một bé ở nhà, một bé tại bệnh viện
Ngày 22/2, bác sĩ chuyên khoa 1 Huỳnh Thị Đào, phó trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết đây là một ca sinh nở hy hữu.
Sản phụ mang song thai khoảng 35 tuần. Trong thai kỳ, chị không đi khám thai đầy đủ nên không nhớ ngày dự sinh. Ngày 18/2, đang ở nhà thì chị đau bụng, đẻ rơi một bé gái. Người chồng kịp thời phát hiện, gọi xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.
Nhận được thông tin, ê kíp gồm bác sĩ cấp cứu ngoại viện, bác sĩ sản phụ khoa lên đường ngay, có mặt ở nhà sản phụ chỉ sau 10 phút. Lúc này, sản phụ và gia đình khá hoảng loạn. Nhân viên trạm y tế gần nhà sản phụ đã có mặt sơ cứu cho mẹ và cắt dây rốn, giữ ấm cho bé gái chào đời trước. Bé cân nặng 2,3 kg.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định thai nhi thứ hai vẫn còn sống trong bụng mẹ. Tim thai đập 134 lần mỗi phút, ngôi thai khó xác định, túi ối còn. Ê kíp cấp cứu vừa cầm máu, lấy băng ca vận chuyển người mẹ lên xe cứu thương, vừa kích hoạt quy trình báo động đỏ tại bệnh viện.
Rất nhanh, sản phụ được đưa vào phòng sinh bệnh viện. Hình ảnh siêu âm cho thấy trong bụng mẹ em bé còn sống, lưng quay về phía dưới tử cung, đầu bé ở hông bên trái tử cung.
"Lúc ấy chỉ có cách xoay thai ngoài mới giúp em bé sinh thường qua ngả âm đạo được. Nếu không, bắt buộc phải mổ lấy thai", bác sĩ Đào nhớ lại.
Theo bác sĩ Đào, phương pháp ngoại xoay thai là một kỹ thuật khó, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng giữa nhóm ba bác sĩ sản khoa. Cụ thể, một bác sĩ kiểm tra ngôi thai dưới siêu âm, một bác sĩ đỡ sinh, một bác sĩ dùng hai tay trực tiếp xoay lại vị trí thai nhi qua thành bụng sản phụ.
Thủ thuật ngoại xoay thai diễn ra nhanh chóng, đầu thai nhi được xoay đúng hướng về khung chậu và giữ cố định. Lúc này bác sĩ làm vỡ màng ối, để nước ối thoát ra ngoài, cùng với cơn gò tử cung và sức rặn của sản phụ đã sinh thường thành công bé gái thứ hai, nặng 2,4 kg. Bé hồng hào, khóc to.
Bác sĩ cho biết trẻ sinh non (khi chưa đủ 39-40 tuần thai) có nguy cơ suy hô hấp khi sinh, xuất huyết não, hạ thân nhiệt, vàng da sớm, dễ nhiễm trùng... Ba mẹ con đang tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
Qua trường hợp sinh song thai hy hữu này, bác sĩ Đào khuyên các mẹ bầu trong thai kỳ cần đến bệnh viện thăm khám, theo dõi kỹ. Đặc biệt, ở thai kỳ nguy cơ cao như song thai, sản phụ và gia đình cần chú trọng theo dõi các biểu hiện nguy hiểm hay dấu hiệu sinh non.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 30/09/2024
Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?