Tranh cãi bài thơ "Bắt nạt" trong SGK Ngữ văn 6: Sâu sắc hay mẫu giáo?
Đắn đo trước khi đưa bài thơ vào sách
Năm học mới 2021- 2022 là năm đầu tiên lứa học sinh lớp 2, lớp 6 sẽ học sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018). Có 3 bộ sách: Cánh Diều, Chân trời sáng tạo và bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho các tỉnh, thành lựa chọn và sử dụng.
Dù chưa chính thức bước vào năm học mới song đã có một số tranh luận liên quan đến nội dung của những bộ sách giáo khoa mới này.
Trong đó, đáng chú ý là bài thơ "Bắt nạt" nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa (SGK) "Kết nối tri thức với cuộc sống" do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Bài thơ được trích từ tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Trong đó, một bộ phận độc giả cho rằng bài thơ ngây ngô, không phù hợp với lứa tuổi. Một bộ phận khác cho rằng "Bắt nạt" là một bài thơ hay khi sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, trong sáng và ẩn chứa một thông điệp nhân văn, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ.
Trả lời báo Giao thông, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh cho biết, anh đón nhận khen, chê như những luồng năng lượng khác biệt, những độc giả mới đến với mình. Cách đón nhận của anh cũng có phần theo thái độ của "khách".
Nói về cơ duyên đưa "Bắt nạt" đến với học sinh THCS, nhà thờ bộc bạch, năm ngoái anh được Nhóm biên soạn bộ sách liên hệ với mong muốn đưa bài thơ vào sách “Ngữ văn 6”. Ban đầu, anh cũng hơi đắn đo vì bài thơ này, anh viết cho tập thơ thiếu nhi “Ra vườn nhặt nắng” - hướng đến lứa tuổi nhỏ hơn và tập thơ cũng có những bài thơ mộng hơn để chọn.
"Tuy nhiên, sau khi được giải thích là bài thơ có thể giúp ích cho các bạn học sinh vừa bước sang cấp II, nơi tình trạng bắt nạt bắt đầu “dữ dội” hơn, tôi thấy trong lựa chọn của Nhóm biên soạn ẩn chứa nhiều sự sâu sắc. Và tôi tin vào cảm nhận của sự sâu sắc đó.
Bên cạnh đó, tất cả các bài thơ trong tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” đều được chọn lọc trên tiêu chí rất cao về chất lượng. Tôi sẽ không chọn một bài thơ mình thấy chưa đủ hay cho tập thơ của mình, nhất là với dòng thơ đòi hỏi thẩm mỹ, trí tuệ và trách nhiệm cao như thơ cho thiếu nhi.
Về mặt khách quan, nhiều nhà phê bình và độc giả đánh giá tập thơ là “trong veo”, không “giả nai” hay “cưa sừng làm nghé”. Độc giả có thể tìm đọc bài phê bình để đời của thầy Chu Văn Sơn. Có nhiều em lớp 6 đã thích thú đọc bài thơ trong tập thơ nên tôi nghĩ cũng không khó khăn để cảm nhận khi bài thơ xuất hiện ở một cuốn sách khác", nhà thơ Hoàng Linh tâm sự.
Bài thơ như một công cụ hỗ trợ về tư tưởng, cảm thức nghệ thuật
Nhà thơ Hoàng Linh đánh giá, những câu hỏi ở cuối bài đọc trong SGK cho thấy người làm sách rất hiểu về bài thơ và đã có cách đưa cho các em học sinh mà không áp đặt, khiên cưỡng. Với cách hiểu này, Nhóm biên soạn sẽ có những tư vấn, tập huấn hiệu quả cho giáo viên.
Nhà thơ cho rằng, chính việc cho các em thảo luận tự do và thuyết phục được các em bằng hiểu biết của thầy cô sẽ làm các bạn có xu hướng bắt nạt không bị ấm ức, không cảm thấy bị bắt nạt. Làm cho bạn bắt nạt hào hứng chia sẻ và thân thiện hơn có lẽ là một chìa khoá cho việc hoá giải vấn đề.
"Bài thơ chỉ như một công cụ hỗ trợ về tư tưởng và cảm thức nghệ thuật. Hiệu quả của nó phụ thuộc nhiều vào cách tương tác, lương tâm của giáo viên, bạn bè và gia đình, xã hội. Khiến cho sau bài học, bài thơ vẫn là bài thơ du dương trong đầu, như một bức thư thân thiện với tất cả các bạn chính là thước đo thành công về dạy văn của các thầy cô", tác giả "Bắt nạt" bày tỏ.
Nhà thơ cho rằng, thông điệp rõ ràng của bài thơ là “bắt nạt rất hôi”, là hành vi không sạch sẽ, làm giảm giá trị bản thân. Điều này khơi gợi lòng tự trọng của các em. Tuy nhiên, khi viết mỗi bài thơ, nhất là thơ thiếu nhi, mỹ cảm rất quan trọng, anh không để thông điệp chủ đạo hơi lộ như vậy.
"Thông điệp của bài thơ không hoàn toàn chỉ là các cụm từ khoá “bắt nạt là xấu lắm” hay “bắt nạt rất hôi”. Nó còn là sự gửi gắm về tính quân tử. Tính quân tử được gửi gắm từ việc bạn bắt nạt thay vì bắt nạt kẻ yếu, hãy đối diện với thử thách cho bản thân, như hình ảnh ẩn dụ là “mù tạt”. “Mù tạt” còn là ẩn dụ của kẻ mạnh. Nếu nghĩ mình là kẻ mạnh thì hãy đương đầu với kẻ mạnh.
Tôi cũng mong có sự trợ giúp lan toả ý thức, luôn rèn luyện để mạnh mẽ hơn nhưng không bắt nạt của toàn xã hội. Đó là cách để tăng cường văn hoá bảo vệ trẻ em. Khi đất nước đạt được cả hai yếu tố vừa mạnh vừa văn minh, thế giới sẽ tôn trọng Việt Nam một cách tự nhiên.
"Bắt nạt" hồn nhiên mà vẫn sâu sắc
Bà Nguyễn Thanh Mai - giáo viên trường THCS CHu Văn An (Thái Nguyên) cho rằng, bài thơ "Bắt nạt" hồn nhiên mà vẫn sâu sắc, tươi tắn mà vẫn mang đầy ý nghĩa triết lý nhân văn. Đây hoàn toàn không phải là một bài thơ quá trẻ con, “chỉ hợp với tuổi mẫu giáo”.
"Nhiều người băn khoăn cười nhạo chuyện “Bắt nạt rất hôi” mà không nhận ra, đó mới chính là nhân vật “tớ”, một bạn nhỏ. Nói như nhà phê bình Chu Văn Sơn, tác giả đã đem một thứ gọi là “mỹ học ấu nhi” vào thơ để nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ, ngây ngô mà đầy ý vị.
Giữa một thế giới còn đầy rẫy những Thiện - Ác, Chính - Tà, Tốt - Xấu; những kỳ thị và định kiến, những chuyện “bắt nạt” vẫn đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, thì “giọt sương thơ ấu”của Hoàng Linh lại mang đến cho ta một cái nhìn sâu đằng sau mỗi hiện tượng", cô giáo Thanh Mai phân tích.
Ở góc độ xã hội học, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) bày tỏ: "Các thầy cô đã chọn bài này vào phổ thông, xin cho đứa trẻ từng bị bắt nạt là tôi một lời cảm ơn. Với tư cách một phụ huynh, tôi thêm 1 lời cảm ơn sâu sắc nữa.
Với tư cách là một nhà hoạt động xã hội về lĩnh vực phòng chống bạo lực/ ủng hộ bình đẳng và nhiều năm làm với trường phổ thông về bắt nạt, tôi hoàn toàn ủng hộ và thấy thật may mắn khi có thêm các bài học giản dị và sâu sắc trong hình thức hấp dẫn thế này cho con trẻ".
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982. Anh từng là sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Năm thứ 3 đại học, anh đã xuất thần sáng tác một loạt thơ và tuỳ ký. Ngoài ra Nguyễn Thế Hoàng Linh còn là tác giả của tiểu thuyết “Chuyện của thiên tài” gây nhiều tiếng vang trên văn đàn và công chúng yêu văn học.
Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng đã có 7 tập thơ và khoảng 10.000 sáng tác thơ, truyện ngắn, tranh, ảnh, tản văn, bình luận, chơi chữ… trên internet. Tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" được xuất bản lần đầu năm 2015, là tập thơ mới nhất của anh.
Dung Nguyễn
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội