Trẻ có thể bị sang chấn tâm lý sau vụ cây đổ
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội, cho rằng sự việc có thể gây sang chấn tâm lý không chỉ với các bé bị thương, mà còn với những học sinh chứng kiến hoặc nghe kể lại. Người lớn, đặc biệt là người thân của các học sinh bị nạn, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng tâm lý, cần được hỗ trợ để không có những hành vi ngoài tầm kiểm soát.
Theo tiến sĩ Nam, hiện tại một số người chưa có biểu hiện tâm lý gì. Sau một vài tuần có thể xuất hiện các phản ứng tổn thương như cảm giác lo lắng tăng lên, buồn bã và thu mình, thậm chí cảm thấy có lỗi, tự trách bản thân hoặc gặp những vấn đề về giấc ngủ như ác mộng. Một vài người xuất hiện các vấn đề về chú ý và trí nhớ.
"Nếu những biểu hiện này không được nhận ra và quan tâm kịp thời, một số ít có thể phát triển thành rối loạn stress sau sang chấn, phản ứng đặc trưng là bị ám ảnh, né tránh hoặc nhạy cảm quá mức với những kích thích gợi nhớ sự kiện", tiến sĩ Nam nói.
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận, giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, ngoài những sang chấn về tâm lý, học sinh dễ rơi vào trạng thái lo âu, liên tưởng, hồi hộp. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm, rối loạn ám ảnh xã hội với cây xanh, khiến trẻ không dám nhìn, hay đến gần cây cối.
Do đó, việc cần làm ngay là tham vấn tâm lý cho học sinh toàn trường, nhất là với học sinh cùng lớp trẻ gặp nạn và những em đang điều trị trong bệnh viện. Cần chú ý đặc biệt đến bạn thân của học sinh đã tử vong.
"Việc ổn định tâm lý, sàng lọc và phân loại chấn thương tâm lý các cháu phải thực hiện sớm nhất để có phương thức phù hợp", tiến sĩ Thuận nói.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng nhà trường cần lập tức lên kế hoạch và thực hiện tất cả hành động để giúp học sinh cảm thấy bình tĩnh và đi học trở lại.
"Nên hướng dẫn các con phán đoán tình hình, giải thích cho con đây chỉ là một tai nạn hy hữu, xác suất xảy ra rất thấp", tiến sĩ Nam đề nghị.
Bố mẹ và nhà trường cần bình thường hóa những biểu hiện khó khăn tâm lý của con nếu có. Không nên ép buộc trẻ, chỉ cần ở bên, thể hiện sự lắng nghe và thấu hiểu khi con có những cảm xúc tiêu cực để bé không bị lạc lõng. Nội dung trao đổi phải phù hợp, giúp bé cảm thấy an toàn và thoải mái hơn.
Trẻ nếu có các biểu hiện nặng hơn của tình trạng rối loạn stress sau sang chấn, cần đưa đến bác sĩ tâm lý để hỗ trợ kịp thời.
6h20 sáng 26/5, cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng, quận 3, bất ngờ bật gốc, đổ đè 18 học sinh. Một em tử vong khi chuyển đến bệnh viện. Bảy em chấn thương nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Sài Gòn ITO. Các em khác bị xây xát, sau cấp cứu đã ra viện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục kiểm tra, xử lý cây trong sân trường.
Thùy An - Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội