PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: NVCC
- Bà đánh giá thế nào về việc sử dụng gia vị trong chế biến thức ăn cho trẻ hiện nay?
- Về cơ bản, thêm gia vị giúp món ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, phần lớn các loại gia vị đều có thành phần là muối (natri), nếu ăn nhiều muối hơn so với nhu cầu của cơ thể sẽ không tốt cho sức khỏe. Mỗi độ tuổi cần một lượng muối nhất định. Trẻ em sẽ có nhu cầu muối thấp hơn người lớn. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu muối càng ít. Với trẻ dưới một tuổi, nhu cầu muối hay gia vị gần như bằng không.
Trẻ ăn mặn từ nhỏ không chỉ gây nên các vấn đề sức khỏe trước mắt, mà về lâu dài hình thành khẩu vị ăn mặn. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến các nguy cơ về bệnh tim mạch và đột quỵ. Tổ chức Y tế Thế giới - WHO khuyến nghị mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn ít hơn 5g muối mỗi ngày để giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch. Theo nghiên cứu điều tra của Bộ Y tế năm 2015, người Việt ăn trung bình 9,4 g muối mỗi ngày, gấp 2 lần so với mức cần thiết. Thực trạng người Việt ăn mặn đang rất phổ biến, nhưng do quen với khẩu vị nên mọi người xem đây là chuyện bình thường. Đây cũng là lý do khiến hiện nay, nhiều trẻ bị ăn mặn thụ động. Đa phần trẻ thường được ăn theo khẩu vị của người lớn và gia đình chưa hiểu rõ tác hại của ăn mặn.
Theo Nhu cầu khuyến nghị natri của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) phát hành năm 2016, ở mỗi độ tuổi chỉ cần bổ sung một lượng muối nhất định. Ví dụ trẻ từ 0-5 tháng chỉ nên tiêu thụ 100 mg natri (tương đương 0,3g muối ăn NaCl). Nếu trẻ bú sữa mẹ, chúng sẽ nhận được lượng khoáng chất thích hợp, bao gồm cả natri từ sữa mẹ. Trẻ 6-11 tháng chỉ nên tiêu thụ 600 mg natri (1,5 g muối ăn)... Nhóm sau 11 tuổi mức tương đương người trưởng thành dưới 2.000 mg natri (dưới 5 g muối ăn). Không có ý thức giảm mặn khi nấu ăn cho trẻ có thể khiến cơ thể của trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm.
- Ăn mặn hơn so với nhu cầu cơ thể gây những tác hại nào cho trẻ?
- Thực tế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ cần một lượng muối rất nhỏ trong chế độ ăn uống. Trong thực phẩm như bột ăn dặm, bánh mì, bánh quy, sữa, sữa chua, phô mai... đã có một lượng muối nhất định nên trẻ ăn vào rất dễ vượt quá lượng muối phù hợp.
Với trẻ dưới 1 tuổi, cho muối vào bột, cháo có thể ảnh hưởng đến thận của trẻ. Thận trẻ dưới 1 tuổi chỉ có độ lọc bằng 1/3 người lớn, không đáp ứng được lượng muối quá lớn nên có thể dẫn tới tổn thương.
Ăn mặn khiến trẻ khát nước, uống nước nhiều hơn dẫn tới đi tiểu cũng nhiều hơn để thải lượng muối đó ra ngoài. Đáng tiếc là quá trình này cũng thải luôn cả các ion quan trọng khác, trong đó có canxi. Đây là nguyên nhân gây mất canxi ở trẻ nhỏ, làm suy yếu chất lượng xương, gây nên chứng còi xương, thấp còi ở trẻ em Việt khi trưởng thành.
Ăn mặn khi nhỏ vô tình tạo cho con thói quen ăn mặn khi lớn hơn khiến trẻ dễ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tim mạch...
- Nên sử dụng gia vị cho trẻ như thế nào thì phù hợp, thưa bác sĩ?
- Ăn giảm mặn bản chất là giảm lượng natri vào cơ thể, nhưng cần hiểu bao quát hơn: chế độ ăn giảm mặn không chỉ là giảm muối mà còn là giảm mặn trong mọi loại gia vị và đồ ăn cho trẻ. Căn cứ vào mục tiêu giảm mặn theo khuyến cáo của WHO, khi nấu nướng, sử dụng gia vị mặn để chế biến món ăn cho trẻ em trong gia đình, cần chú ý:
Đối với trẻ dưới 12 tháng, không cần nêm thêm gia vị vì lượng NaCl này đã có sẵn trong bột ăn dặm, sữa công thức hay trái cây... chỉ cần chế biến và giữ nguyên các hương vị sẵn có của món ăn. Trong thịt, cá, rau củ cũng đã có sẵn lượng gia vị nhất định để cung cấp cho cơ thể trẻ. Việc nêm muối chỉ làm thận trẻ trở nên quá tải và phải tăng thải muối ra ngoài qua nước tiểu.
Với trẻ ở độ tuổi từ 1-2, có thể thêm gia vị cho các bé nhưng cần nhớ là độ tuổi này, các bé vẫn chưa ăn được theo lượng nêm nếm của người lớn. Lượng muối thích hợp với bột gạo hoặc cháo xay là từ 0,5 đến 1g mỗi ngày (chỉ bằng 1/5 nhu cầu của người lớn). Với những loại bột đóng hộp hoặc thức ăn dặm đóng hộp, chúng ta nên chú ý thành phần được các nhãn hàng công bố trên bao bì. Nếu những loại đồ ăn này đã có sẵn muối thì không nên cho thêm. Khi chế biến đồ ăn dặm cho bé, nên lưu ý cho muối vào trước dầu ăn và rau.
Khi lên 3-5 tuổi, trẻ đã quen thuộc với đồ ăn được nêm gia vị nhưng để đảm bảo sức khỏe cho thận và hệ tiêu hóa của trẻ, chúng ta nên chú ý độ mặn các món ăn của trẻ chỉ bằng khoảng 50% so với người trưởng thành.
Độ mặn các món ăn của trẻ có thể tăng lên dần - tầm 2/3 của người lớn, khi trẻ lên 6-7 tuổi vì giai đoạn này thận của bé đã khá hoàn chỉnh và có thể đào thải lượng muối ra ngoài cơ thể tốt hơn.
Nhóm trẻ 8-9 tuổi thì nêm nếm độ mặn của món ăn thấp hơn người trưởng thành một chút là được. Khi trẻ từ 10 tuổi trở đi, vị giác đã phát triển hoàn toàn, chúng ta có thể cho trẻ ăn cùng chế độ nêm nếm của cả gia đình với lượng muối theo mức khuyến nghị của WHO.
Tuy nhiên, cần lưu ý rất rõ là các gia đình người Việt hiện đa số ăn mặn gấp đôi so với chuẩn của WHO. Do đó, cần điều chỉnh việc sử dụng gia vị hằng ngày của cả gia đình.
Với trẻ dưới 1 tuổi, có thể không cần nêm gia vị vào cháo hay bột. Ảnh: Unicef
- Bác sĩ có thể gợi ý vài cách để giảm lượng muối dư thừa?
- Đầu tiên, các gia đình có thể giảm muối khi chế biến thực phẩm. Khi nấu ăn cho bớt lượng muối nêm vẫn thường dùng (giảm từ từ tiến tới giảm một nửa lượng muối). Nên chủ động nấu ăn tại nhà nhiều hơn, để điều chỉnh giảm mặn trong mọi gia vị và thức ăn. Việc nêm nếm thức ăn cho trẻ nhỏ cũng cần tiết chế, giúp trẻ có một khẩu vị vừa phải tốt cho sức khỏe. Có thể thay thế các loại gia vị thông thường bằng gia vị giảm mặn để giữ hương vị đậm đà của món ăn, mà vẫn tốt cho sức khỏe. Hiện nay trên thị trường đã có các sản phẩm giảm mặn, ví dụ nước mắm cũng đã có sản phẩm với công thức giảm mặn, người tiêu dùng có thể nhận biết bằng logo hoặc thông tin trên nhãn.
Nhìn chung, cần áp dụng chế độ ăn giảm mặn lâu dài, bền bỉ suốt cuộc đời và có lộ trình giảm mặn phù hợp tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình.
Diệp Chi