Ung thư buồng trứng – những điều cần biết

Buồng trứng bao gồm những tế bào mầm để tạo trứng, nếu các tế bào mầm này bị ung thư thì gọi là ung thư tế bào mầm của buồng trứng.

null

Chúng ta hãy nghe bà X., một bệnh nhân ung thư buồng trứng kể lại diễn tiến bệnh: “Lúc đầu thấy bụng ngày càng bự ra, nghĩ là mình mập nên không lo lắng gì hết. Hai tháng sau bụng to hơn nhiều, cứ nghĩ mình có thai nên xấu hổ không dám ra đường vì mình đã 55 tuổi rồi mà có thai, kỳ quá !”.

Nhưng rồi bụng căng quá mức, bà X. không chịu nổi nên mới đến bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bà X. bị ung thư buồng trứng. Môi phụ nữ đều có hai buồng trứng nằm hai bên tử cung, ở vùng chậu. Buồng trứng có hình dạng và kích thước giống như hạt chôm chôm. Mỗi buông trứng có chứa hàng triệu tế bào để tạo ra trứng. Đến ngày rụng trứng, thường là giữa kỳ kinh, trứng rụng sẽ theo vòi trứng di chuyển đến tử cung để sẵn sàng thụ thai.

null

Ung thư buồng trứng là gì ?

Buồng trứng bao gồm những tế bào mầm để tạo trứng, nếu các tế bào mầm này bị ung thư thì gọi là ung thư tế bào mầm của buồng trứng.

Bao bọc buồng trứng là một lớp tế bào biểu mô, nếu các tế bào này bị ung thư thì gọi là ung thư biểu mô buồng trứng.

Vì ung thư tế bào mầm buồng trứng hiếm gặp nên khi nói ung thư buồng trứng thường được hiểu là ung thư biểu mô buồng trứng.

null

Diễn tiến và triệu chứng của ung thư buồng trứng

Khi khối u chỉ vài centimet, bệnh nhân sẽ không có triệu chứng gì cả.

Khi khối u lớn đáng kể có thể sẽ gây đau hoặc nặng vùng dưới rốn, cũng có khi bệnh nhân tự sờ thấy một khối u ở bụng.

Nếu u chèn ép vào các cơ quan vùng chậu sẽ gây triệu chứng của các cơ quan đó: chèn ép vào ruột làm bệnh nhân đầy bụng hoặc đi cầu khó khăn; chèn ép vào bọng đái gây tiểu nhiều lần hoặc tiểu khó. Các tế bào ung thư buồng trứng có thể rời khỏi buồng trứng để gieo rắc lên màng bụng rồi kích thích màng bụng tiết dịch. Dịch tiết ra nhiều và nhanh khiến bụng to lên giống như có thai trong trường hợp của bà X.

Ung thư buồng trứng cũng có thể di căn đến gan, phổi, xương và thể hiện triệu chứng ở những cơ quan này.

Điều không may là khi có triệu chứng thì bướu đã khá lớn và những triệu chứng của ung thư buồng trứng là triệu chứng của những cơ quan khác nên ung thu buồng trứng hiếm khi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

null

Chẩn đoán ung thư buồng trứng

Có khối u buồng trứng thì cũng chưa chắc là ung thư buồng trứng. Đôi khi chỉ là u nang, tức là một bọc ở buồng trứng, bên trong có chứa dịch hoặc có khi là nang chức năng tức là những khối lành tính của buồng trứng thay đổi kích thước theo chu kỳ kinh nguyệt. Khi nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư buồng trứng bác sĩ sẽ lần lượt thực hiện các bước chẩn đoán gồm khám vùng bụng, vùng chậu, siêu âm, đo nồng độ CA125 trong máu hoặc chụp CT Scan, MRI.

Chất CA125 thường tăng trong máu ở người bị ung thư buồng trứng.

Để chụp CT Scan, bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang nên hình ảnh mạch máu sẽ hiện rõ trên hình chụp. Các khối u ung thư thường có nhiều mạch máu nuôi nên sẽ hiện lên rất rõ khi được chụp CT có tiêm thuốc cản quang.

Cũng như CT scan, MRI cũng tạo được hình ảnh cắt lớp cơ thể và cũng dùng chất cản tia bơm vào mạch máu để làm rõ khối u. MRI sử dụng từ trường chứ không phải tia X nên ít gây hại cho bệnh nhân.

Khám lâm sàng, thử máu xác định đồng độ CA125, siêu âm, chụp CT Scan, chụp MRI iúp bác sĩ có nhiều bằng chứng nghi ngờ ung thư buồng trứng nhưng không thể xác định chắc chắn ung thư buồng trứng. Muốn xác định chắc chắn ung thư buồng trứng thì phải sinh thiết khối u, nhưng vì khối u lại nằm trong ổ bụng nên muốn sinh thiết thì phải mổ bụng, vì vậy, phẫu thuật ung thư buồng trứng gồm cả mục đích chẩn đoán lẫn điều trị.

null

Các giai đoạn của ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng chia làm 4 giai đoạn

- Giai đoạn 1: Bướu chỉ ở buồng trứng.

- Giai đoạn 2: Bướu lan tràn vùng chậu.

- Giai đoạn 3: Bướu lan tràn khắp bụng.

- Giai đoạn 4: Bướu buồng trứng di căn đến những cơ quan khác.

null

Điều trị ung thư buồng trứng

Phẫu thuật và hóa trị là hai phương pháp điều trị chủ yếu của ung thư buồng trứng.

Phẫu thuật

Phẫu thuật ung thư buồng trứng rất “ mạnh tay ”, toàn bộ tử cung, hai buồng trứng sẽ được cắt bỏ. Mạc nối lớn ở vùng bụng trên cũng được cắt bỏ để ngăn ngừa tái phát.

Đối với những trường hợp nặng, bướu lan tràn ổ bụng với nhiều u nhỏ, bác sĩ phải cố gắng lấy càng nhiều càng tốt.

Hóa trị

Các tế bào ung thư sinh sản rất nhanh bằng cách phân đôi tế bào, gọi là nguyên phân. Các thuốc hóa trị ngăn cản tế bào phân chia nên có thể đẩy lùi sự phát triển của tế bào ung thư.

Hầu hết các trường hợp ung thư buồng trứng tuy đã được mổ lấy hết bướu vẫn cần phải hóa trị sau mổ để ngăn ngừa tái phát.

Những trường hợp bướu không thể mổ ngay, hóa trị trước khi mổ vài đợt, mỗi đợt cách nhau 3 – 4 tuần sẽ làm khối bướu nhỏ lại giúp mổ dễ hơn.

Thuốc hóa trị đa số được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Thuốc hóa trị chủ yếu của ung thư buồng trứng là carboplatin hoặc cisplatin, các thuốc này phải được phối hợp với các thuốc khác như paclitaxel docetaxel... để tăng hiệu quả.

Khoảng năm năm trở lại đây, việc bổ sung thuốc chống sinh mạch bevacizumab làm cho hiệu quả của hóa trị tăng lên rõ rệt.

Có thể tầm soát để phát hiện sớm ung thư buồng trứng hay không ?

Với mong muốn phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm để giúp bệnh nhân được chữa trị hiệu quả và sống lâu hơn, người ta đã tiến hành các chương trình tầm soát cho phụ nữ trên 50 tuổi, gồm: khám vùng chậu, siêu âm, CA125. Tuy nhiên, chương trình này chưa chứng tỏ lợi ích. Lý do là vì đã có nhiều trường hợp nhầm lẫn giữa bướu lành và bướu ác nếu chỉ dựa vào các phương tiện chẩn đoán kể trên.

null

Tại sao lại bị ung thư buồng trứng ?

Một số yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ dễ mắc bệnh ung thư buồng trứng hơn những người khác:

- Phụ nữ nào đã từng bị ung thư vú sẽ dễ mắc thêm bệnh ung thư buồng trứng.

- Phụ nữ có mẹ hoặc chị, em gái mắc bệnh ung thư buồng trứng.

- Phụ nữ dùng hormon để điều trị.

- Mang gen BRCA1, BRCA2.

Nhưng lại có một số yếu tố giúp cho phụ nữ khó mắc bệnh ung thư buồng trứng hơn những người khác:

- Dùng thuốc ngừa thai.

- Thắt ống dẫn trứng.

- Đã từng sinh đẻ.

- Có cho con bú.

Phòng ngừa ung thư buồng trứng

Cách đây hai năm, diễn viên điện ảnh nổi tiếng Angielina Jolie tự nguyện để bác sĩ cắt bỏ hai buồng trứng để ngăn ngừa ung thư. Các chuyên gia trong lãnh vực ung thư phụ khoa đã cho Angelina Jolie biết là xét nghiệm chứng tỏ cô mang gen BRCA - 1 bị đột biến và điều này đồng nghĩa với nguy cơ bị ung thư buồng trứng là 50 % và ung thư vú là 87 %. Về tiền sử bệnh lý gia đình của cô cũng làm cho các chuyên gia lo lắng: mẹ của cô đã chết vì ung thư buồng trứng lúc 49 tuổi, bà ngoại cũng chết vì ung thư buồng trứng, dì của cô thì lại chết vì ung thư vú.

Gen BRCA là gì ? 

BRCA viết tắt của chữ Breast Cancer ( ung thư vú ). Hai gen BRCA - 1 và BRCA - 2 là những gen có ích của cơ thể. Trong cơ thể của người bình thường thì hai gen này tạo ra các loại protein để sửa chữa những tổn thương DNA của những tế bào khác. Những tổn thương DNA của tế bào rất đa dạng, một số tổn thương làm cho tế bào trở thành tế bào ung thư. Do vậy nói cho dễ hiểu thì gen BRCA - 1 và BRCA - 2 là gen ngắn ngừa ung thư. Khi một trong hai gen này bị đột biến (như trường hợp của Angelina Jolie ) thì rất dễ mắc bệnh ung thư vú và buồng trứng.

Những dấu hiệu nghi ngờ ung thư buồng trứng?

Ở những phụ nữ trên 40 tuổi, nếu thấy những dấu hiệu sau đây thì nên đi khám bệnh:

 - Bụng to dần.

– Đau hoặc cảm giác nặng vùng bụng dưới ốn.

 - Đầy bụng, táo bón kéo dài.

 - Tự sờ thấy khối u ở bụng.

Nguồn: Tạp chí Thuốc và Sức khoẻ

 

 

 

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Vì sao tuyệt đối không nóng lòng bế thốc nạn nhân TNGT đi cấp cứu?

Vì sao tuyệt đối không nóng lòng bế thốc nạn nhân TNGT đi cấp cứu?

Bác sĩ trả lời - 23/12/2022

Vì sao tuyệt đối không nóng lòng bế thốc nạn nhân TNGT đi cấp cứu?

Lưu ý 3 dấu hiệu nhận diện đột quỵ

Lưu ý 3 dấu hiệu nhận diện đột quỵ

Bác sĩ trả lời - 08/11/2022

Lưu ý 3 dấu hiệu nhận diện đột quỵ

Mắc sốt xuất huyết, làm gì để tránh biến chứng?

Mắc sốt xuất huyết, làm gì để tránh biến chứng?

Bác sĩ trả lời - 27/10/2022

Mắc sốt xuất huyết, làm gì để tránh biến chứng?

Viêm kết mạc hậu Covid-19 ở trẻ có nguy hiểm không?

Viêm kết mạc hậu Covid-19 ở trẻ có nguy hiểm không?

Bác sĩ trả lời - 24/05/2022

Viêm kết mạc hậu Covid-19 ở trẻ có nguy hiểm không?

Sau tiêm vaccine Covid-19 nên ăn uống như thế nào?

Sau tiêm vaccine Covid-19 nên ăn uống như thế nào?

Bác sĩ trả lời - 05/06/2021

Sau tiêm vaccine Covid-19 nên ăn uống như thế nào?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới