Khám chữa bệnh từ xa sẽ được thanh toán BHYT
Trước hiệu quả mang lại nhờ dịch vụ y tế khám chữa bệnh từ xa, kết nối các bệnh viện tuyến Trung ương với tuyến dưới, Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn để thực hiện thanh toán BHYT đối với các hoạt động khám chữa bệnh này.
Khi kỹ thuật cao hiện thực hóa ở tuyến dưới
BS. Phạm Đắc Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, vừa qua cơ sở đã cấp cứu và điều trị thành công cho một sản phụ ở huyện Văn Yên mắc hội chứng thuyên tắc ối đe dọa tính mạng.
Sau khi nhận được thông tin của bệnh nhân, bệnh viện ngay lập tức cử một ê-kíp tới nơi sản phụ đang cần trợ giúp, một kíp khác nhanh chóng kết nối trực tuyến với các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai để nhờ hỗ trợ.
Nhờ vậy, ngay sau khi tiếp cận được bệnh nhân, việc điều trị ngay lập tức được thực hiện, giảm thời gian vận chuyển bệnh nhân mà vẫn xử trí cấp cứu kịp thời.
Theo BS. Trần Văn Lâm, Đơn vị Tim mạch thuộc Khoa Nội AB, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, trước năm 2020 (khi chưa có máy DSA), 100% các ca bệnh có biểu hiện đau ngực và tổn thương mạch vành đều phải chuyển tuyến lên Hà Nội, quá trình di chuyển mất khoảng 3 - 5 giờ đồng hồ, đặt ra rất nhiều nguy cơ cho bệnh nhân.
Nhưng hai năm nay, nhờ được các chuyên gia hàng đầu từ Bệnh viện Bạch Mai “cầm tay, chỉ việc”, các bác sĩ của khoa đã làm chủ được kỹ thuật can thiệp mạch trên máy DSA, mỗi tháng can thiệp mạch từ 30 - 40 bệnh nhân, đặt stent từ 10 - 15 ca. Thời gian cho mỗi ca can thiệp (như nhồi máu cơ tim cấp) rút ngắn chỉ còn 20 phút.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, cũng nhờ triển khai khám chữa bệnh từ xa, cũng như làm chủ được một số kỹ thuật do tuyến trên hướng dẫn mà tỷ lệ chuyển tuyến tại đây có xu hướng giảm.
Mới đây, các các sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã phối hợp với PGS.TS. Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành phẫu thuật cho 4 bệnh nhân bằng kỹ thuật “tán sỏi qua da” ngay tại bệnh viện.
Ưu điểm của kỹ thuật mới này là bệnh nhân chỉ cần gây tê tủy sống; sau mổ bệnh nhân không đau, vết mổ chỉ khoảng 0,5cm. Những ca như thế này, trước đây thường bệnh nhân chỉ có thể về Hà Nội mới được điều trị bằng kỹ thuật này.
BS. Hoàng Ngọc Trinh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình chia sẻ, cách đây ít ngày, y bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật cứu sống một cháu bé 12 tuổi bị đa chấn thương.
Nếu trước kia chưa có Telemedicine thì bệnh viện không thể thực hiện ca phẫu thuật vì bệnh nhi vừa chấn thương sọ não và tổn thương nhiều bộ phận khác.
Tuy nhiên, với việc kết nối “cầm tay, chỉ việc” như hiện nay, chúng tôi đã mạnh dạn tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân ngay tại bệnh viện và kết quả rất tốt.
Tối đa hóa hiệu quả của khám chữa bệnh từ xa
BS. Trần Quang Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, Trưởng khoa Ngoại cho biết, hiện nay, hàng tuần, bệnh viện có 2 buổi hội chẩn, tư vấn y học trực tuyến qua hệ thống Telehealth và Telemedicine kết nối với bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y… để được hướng dẫn, chỉ bảo các vấn đề chuyên môn. Nhờ vậy, nhiều kỹ thuật khó như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật khớp háng… đều đã được hiện thực hóa ở bệnh viện.
Nói về hiệu quả của Telehealth, BS. Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cũng cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã chú trọng triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Cụ thể, về lĩnh vực tim mạch, bệnh viện được trang bị và đã làm chủ được các kỹ thuật can thiệp mạch trên máy DSA, nút mạch điều trị u gan, chấn thương lách, điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới bằng lasez; đặt máy tạo nhịp, holter huyết áp, điện tim… cùng nhiều kỹ thuật cao khác.
Tuy nhiên, dù là cơ sở y tế đang làm khá tốt Telehealth, song theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn có khó khăn khi triển khai hệ thống Telehealth.
“Việt Nam chưa xây dựng được nền tảng kỹ thuật số để thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn để triển khai mô hình một cách cụ thể. Đơn cử, chưa có hướng dẫn thanh toán khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT cho bệnh nhân, chi trả chi phí cho bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa, thanh toán chi phí đường truyền...”, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu nói.
Còn theo TS.BS. Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, về mặt công nghệ, bệnh viện đã hoàn toàn kết nối rất tốt với hàng trăm cơ sở y tế.
Tuy nhiên, muốn người bệnh dễ dàng tiếp cận bác sĩ thì còn phải qua chặng đường khá dài. Muốn phát triển bền vững khám, chữa bệnh từ xa thì phải có nền tảng về pháp lý, công nghệ, tài chính.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, hiệu quả của khám, chữa bệnh phối hợp đào tạo cán bộ y tế theo phương thức “cầm tay, chỉ việc” từ xa đã mang lại hiệu quả rõ nét, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.
Để duy trì hiệu quả đó, hiện Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn để thanh toán BHYT trong lĩnh vực này, nhằm giải quyết các bài toán về quyền lợi bệnh nhân, về chi trả chi phí y tế thế nào, quỹ BHYT thanh toán ra sao.
Đồng thời, khi các bác sĩ tuyến trên bỏ thời gian, chất xám để đào tạo, hướng dẫn thì quyền lợi ra sao để hoạt động này duy trì được lâu dài; trách nhiệm ràng buộc giữa các bệnh viện trong hoạt động khám, chữa bệnh cũng cần đặt ra…
“Xác định khám, chữa bệnh từ xa là một loại dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả tương tự như hội chẩn trực tiếp đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Giá dịch vụ sẽ được tính đúng tính đủ, nhân công, công nghệ, khấu hao đều được tính vào giá, danh mục được thanh toán.
Việc tính giá này có thể thực hiện theo 2 cách, theo ca hoặc theo thời gian ca hội chẩn cùng một số quy định chuyên môn để tuyến trên, tuyến dưới cùng phối hợp triển khai”, ông Khoa nói.
Vũ Vũ
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Có được khám BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT không?
BHYT & BHXH - 01/02/2024
Có được khám BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT không?
Giá khám, chữa bệnh BHYT tăng khoảng 10%
BHYT & BHXH - 22/11/2023
Giá khám, chữa bệnh BHYT tăng khoảng 10%
5 điểm mới gỡ các "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
BHYT & BHXH - 17/11/2023
5 điểm mới gỡ các "nút thắt" trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Người dân hưởng lợi gì khi có thêm bảo hiểm y tế bổ sung?
BHYT & BHXH - 10/10/2023
Người dân hưởng lợi gì khi có thêm bảo hiểm y tế bổ sung?
Đề xuất khám sàng lọc 5 nhóm bệnh được bảo hiểm y tế chi trả
BHYT & BHXH - 08/09/2023
Đề xuất khám sàng lọc 5 nhóm bệnh được bảo hiểm y tế chi trả