Gừng vàng

Gừng là cây thảo sống lâu năm cao 40 – 80cm. Thân rễ nạc, mọc bò ngang, phân nhiều nhánh. Lá mọc so le thành 2 dãy, lá hình mác thuôn đầu nhọn, thắt lại ở gốc, dài 15 – 20cm, rộng 2cm, không cuống. Cụm hoa dài 5cm mọc từ gốc trên một cán dài 20cm do nhiều vảy lợp hình thành, vảy dưới ngắn càng lên trên càng dài rộng hơn; lá bắc hình trái soan, màu lục nhạt, mép viền vàng,...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Gừng còn có tên Khương, tên khoa học Zingiber officinale Roscoe, họ Gừng (Zingiberaceae). Gừng là cây thảo sống lâu năm cao 40 – 80cm. Thân rễ nạc, mọc bò ngang, phân nhiều nhánh. Lá mọc so le thành 2 dãy, lá hình mác thuôn đầu nhọn, thắt lại ở gốc, dài 15 – 20cm, rộng 2cm, không cuống. Cụm hoa dài 5cm mọc từ gốc trên một cán dài 20cm do nhiều vảy lợp hình thành, vảy dưới ngắn càng lên trên càng dài rộng hơn; lá bắc hình trái soan, màu lục nhạt, mép viền vàng; đài có 3 răng ngắn; tràng có ống dài gấp đôi đài, 3 thùy bằng nhau, hẹp; 1 nhị (nhị lép không có hoặc tạo thành thùy bên của cánh môi), cánh môi màu vàng có viền tía ở mép, dài 2cm, rộng 1,5cm, chia thành 3 thùy tròn, các thùy bên ngắn và hẹp hơn, bầu nhẵn (cây trồng thường có hoa vào năm thứ hai. Rất ít gặp quả (nang) và hạt. Do thu hoạch hàng năm nên ta ít thấy hoa Gừng. Toàn cây nhất là thân rễ có mùi thơm, vị cay nóng.

Ở nước ta, Gừng được trồng ở mọi miền đất nước từ vùng núi cao đến đồng bằng, hải đảo. Gừng trồng có nhiều giống như:

– Gừng trâu có thân to củ to, thường để làm mứt, kẹo.

– Gừng gié có thân, củ nhỏ nhưng rất thơm, vỏ mỏng, có thể dùng dao cạo sạch (loài này có 2 giống: giống củ non có màu hồng tía chịu được khí hậu lạnh kéo dài trong mùa Đông, được đồng bào dân tộc vùng cao như người H’mông trồng trên nương rẫy, khi du canh đi nơi khác Gừng phát triển thành rừng. Giống gừng củ nhỏ màu vàng ngà được trồng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng, trung du). Chi Zingiber Boehmer ở châu Á có khoảng 45 loài, trong đó Việt Nam có 11 loài. Gừng là loại cây gia vị được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản là những nước trồng nhiều Gừng nhất thế giới.

Bộ phận dùng

Thân rễ thường gọi là củ (Rhizoma Zingiberis) thu hái vào Thu Đông, dùng tươi gọi là Sinh khương; phơi sấy khô gọi là Can khương. Gừng tươi đem nướng hoặc lùi gọi là Ổi khương, Gừng khô thái lát dày sao cháy đen tồn tính (bẻ ra trong lòng màu nâu vàng) gọi là Thán khương, Gừng khô thái lát dày sao sém vàng, đang nóng vẩy vào ít nước sôi nguội, đậy kín để nguội gọi là Tiêu khương.

Tinh dầu Gừng (thân rễ Gừng gié tươi cất được 3,01% tinh dầu, thân rễ Gừng gié khô (5% nước) cất được 2,7% tinh dầu).

Vỏ củ Gừng: Khương bì.

Tính vị, công năng

– Gừng tươi vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào các kinh: phế, tỳ, vị, thận. Tác dụng: tán hàn, giải biểu, ôn trung, cầm nôn, chỉ ho, lợi mật, giảm đau, giải độc.

– Gừng khô vị cay, tính nóng, vào các kinh: tâm, phế, tỳ, vị, đại tràng. Tác dụng: ôn trung, tán hàn, hồi dương, thông mạch, táo thấp, tiêu đàm.

Bài thuốc có Gừng

Gừng tươi có tác dụng chống say sóng khi đi tàu thuyền, chống nôn khi đi tàu xe, chống nôn do tác dụng phụ của hóa dược trị ung thư, chống nhiễm lạnh khi ra ngoài trời rét, hay phải ngâm mình dưới nước lâu; chống khô miệng: thái Gừng thành lát mỏng (để trong túi PE sạch) mỗi lần ngậm 1 lát Gừng hoặc chế thành nước Gừng để dùng dần.

Cách chế nước Gừng (cho người sợ nhai Gừng): Gừng tươi cạo sạch vỏ, rửa sạch 10g nghiền nát, thêm 500ml nước sôi, cho vào lọ sạch có nút tốt, bảo quản trong tủ lạnh. Khi dùng rót ra 50ml nước Gừng để uống (trẻ em 12ml).

– Chữa say bia, rượu: cho uống 50ml nước Gừng.

– Hỗ trợ giảm dị ứng do cua cá: uống 50ml nước Gừng hòa với 20ml nước sôi còn 800C.

– Trị nôn do thai nghén: mỗi lần uống 20ml nước Gừng hòa với 30ml nước nóng, mỗi ngày uống 4 lần.

– Trị ho: lấy 5ml mật ong (1 thìa cà phê) cho vào 50ml nước Gừng rồi nhấp từng ít đến hết, ngày dùng 4 lần.

– Chữa cảm mạo phong hàn: bạc hà, kinh giới, tía tô mỗi thứ 10g; bạch chỉ, địa liền, vỏ quýt mỗi thứ 6g, Gừng tươi 3g lát mỏng. Sắc uống ngày 1 thang trong 3 ngày.

Gừng lùi (Ổi khương) chữa thượng thổ hạ tả do lạnh, rửa sạch củ Gừng tươi khoảng 20g, bọc 3 lớp giấy rồi vùi vào than củi hoặc hơ trên lửa cho chín, bỏ hết giấy rồi giã nát và vắt lấy nước Gừng thêm 50ml nước nóng cho người bệnh uống. Bã gừng đem xát vào lòng bàn chân, bàn tay người bệnh.           

Gừng khô (can khương):

– Chữa nhức đầu, lạnh bụng, nôn oẹ: Gừng khô 10g, chích cam thảo 4g, sắc nước còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày.

– Chữa đau bụng, đầy bụng, đi tiêu phân loãng: Gừng sấy khô tán nhỏ, dùng nước cơm chiêu thuốc, mỗi lần uống 2 – 4g.

– Chữa cảm hàn rét run, đi tiêu toé ra nước: Gừng khô 15g, riềng ấm 20g. Sắc uống.

Kiêng kỵ

– Không dùng Gừng cho người nội nhiệt, say nắng, sốt cao, bệnh gan, bệnh trĩ, biểu hư (ra nhiều mồ hôi) mất máu nhiều, trước và sau phẫu thuật. Gừng tương kỵ với thuốc chống đông máu, thuốc chẹn kênh calci trị tăng huyết áp (amlodipin...).

– Không dùng Gừng bị dập nát hoặc chuyển màu vì sinh chất độc sẽ hại gan.

– Khi thấy củ Gừng mọc mầm trắng phải cắt bỏ mầm ngay để tránh mất hoạt chất.

Theo DS. Trần Xuân Thuyết

TC Thuốc và Sức khỏe ngày 23/12/2023.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?

Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?

Cây thuốc quanh ta - 07/11/2024

Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?

Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?

Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?

Cây thuốc quanh ta - 03/06/2024

Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?

Cây Hồng xiêm

Cây Hồng xiêm

Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024

Cây Hồng xiêm

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Cây thuốc quanh ta - 19/01/2024

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới