Đã đến lúc coi Covid-19 như bệnh cúm mùa?
Mới đây, chia sẻ với báo giới, PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện trong nước đã tiêm bao phủ rộng vaccine Covid-19; sự xuất hiện của chủng Omicron đã không còn gây bệnh tăng nặng như chủng Delta và đặc biệt là hệ thống y tế bắt đầu thích ứng với dịch bệnh...
Đó là các yếu tố, điều kiện để đến thời điểm cần coi Covid-19 như bệnh lý chuyên khoa khác.
Quan điểm này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn:
Đánh giá lại để giảm cấp độ dịch khi cần
Chúng tôi đã suy nghĩ về việc chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B bệnh truyền nhiễm nhưng hiện chưa áp dụng được.
Bởi, hiện diễn biến Covid-19 đang rất phức tạp, một số nước như Nhật, số ca tử vong tăng rất cao, mặc dù hiện giờ biến thể Omicron đang phổ biến.
Với Việt Nam, việc quyết định cũng cần cân nhắc, thận trọng dựa trên tình hình dịch trong nước và dựa trên các tình hình đã mở cửa như việc đưa trẻ đến trường...
Nếu đưa Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B thì việc ứng phó với dịch vẫn không thay đổi, tuy nhiên sẽ có thay đổi về phản ứng của các cấp có thẩm quyền.
Hiện, Nhà nước đang lo toàn bộ cho việc điều trị Covid-19, nếu chuyển thì người dân phải tự lo hoặc với sự đóng góp xã hội hóa…
Hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu, đánh giá lại tình hình để có thể giảm cấp độ khi cần thiết nhằm phục vụ tinh thần của Nghị quyết 128 cũng như đáp ứng mở cửa cho các hoạt động học sinh trở lại trường hay du lịch, đón các chuyến bay quốc tế… Việc chuyển đổi sẽ do Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch quyết định.
PGS.TS. Phạm Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương:
Còn sớm để coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu
Thời điểm này, có lẽ hơi sớm để coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu, bởi 2 yếu tố: Sau Tết là rủi ro, bởi giao lưu đi lại trong dịp Tết và việc quyết định cho học sinh quay trở lại trường học.
Vừa rồi, người già và gia đình bị nhiễm Covid-19 từ trẻ em đi học chiếm tỷ lệ rất cao.
Kết hợp 2 yếu tố trên khiến số lượng ca mắc mới tăng rất nhanh. Theo quan sát, với tiêu chí 3 không “không nhiễm, nhiễm mà không nặng, nặng mà không chết” thì hiện nay chúng ta còn đảm bảo tiêu chí ca trở nặng và tử vong không tăng, như vậy tình hình dịch vẫn được kiểm soát.
Tuy nhiên, theo tôi, cần phải quan sát thêm một thời gian nữa. Nếu ca mắc mới kiềm chế được, hệ thống y tế có thể chịu đựng được, có thể tính đến việc chuyển Covid-19 từ nhóm truyền nhiễm A sang nhóm B.
Nếu là bệnh truyền nhiễm nhóm A, phải kiểm dịch ngặt nghèo và cách ly chặt chẽ, phong tỏa khu vực có dịch; còn nếu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, sẽ là bệnh truyền nhiễm thông thường, không áp dụng kiểm dịch ngặt nghèo và cách ly y tế, tương tự với các bệnh như: HIV, sởi, sốt xuất huyết; khi có bệnh chỉ là cách ly cá nhân như sởi, thủy đậu, bạch hầu…
Ngoài ra, về phương thức chi trả, với bệnh truyền nhiễm nhóm A, kinh phí do Nhà nước chi; nhưng khi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, việc điều trị không phải do Nhà nước mà theo phương thức hiện hành, người có BHYT thì do Quỹ BHYT chi trả.
TS.BS. Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Nhi Trung ương:
Tạo được miễn dịch cộng đồng mới coi Covid-19 như bệnh thông thường
Cho tới nay, Covid-19 là bệnh mới, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Thời điểm này mặc dù một số nước đưa ra chính sách coi Covid-19 là bệnh cúm thông thường nhưng Việt Nam cần phải thận trọng, cần phải nghiên cứu và tham khảo các nước đã triển khai để lựa chọn thời điểm, quyết định phù hợp không.
Với những quốc gia như Việt Nam, chúng ta nên dựa vào các ý kiến của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO để quyết định.
Tại thời điểm hiện tại, nếu coi Covid-19 như bệnh thông thường, phải tạo được miễn dịch cộng đồng. Dựa vào các báo cáo, hơn 98% dân từ 18 tuổi ở Việt Nam đã tiêm được 2 mũi cơ bản và từ 12 - 17 tuổi đã thực hiện hơn 95% nhưng trẻ dưới 11 tuổi chưa được tiêm.
Khi nào đạt miễn dịch cộng đồng thì mới nên đặt vấn đề coi Covid-19 là bệnh thông thường.
BS. Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM:
Chưa miễn dịch cộng đồng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Hiện theo thống kê của Bộ Y tế số ca mắc tăng cao nhưng tỷ lệ ca trở nặng và tử vong giảm. Như vậy, cho thấy tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhưng không ảnh hưởng tới khối điều trị, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu.
Bởi, khi coi nó là bệnh đặc hữu đồng nghĩa với việc không làm gì hết, không cần khẩu trang, không cần xét nghiệm, chỉ khi bệnh nặng mới cần đến xét nghiệm…; Tuy nhiên thực tế, chúng ta vẫn phải có biện pháp phòng dịch cho những khu vực chưa đủ chích ngừa.
Muốn coi là bệnh thông thường cần 2 yếu tố, thứ nhất là miễn dịch cộng đồng; thứ hai là có thuốc điều trị đặc hiệu. Cả 2 yếu tố này, Việt Nam vẫn chưa thực sự làm chủ, trong khi chúng ta chưa có chủng Omicron quét qua tạo đỉnh dịch.
Chính vì vậy, cần có thời gian cho độ phủ vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng, làm chủ thuốc đặc trị để có thể coi Covid-19 là bệnh lý thông thường.
Với tình hình hiện này, theo tôi các địa phương đang có ca mắc tăng cao sẽ giảm đỉnh dịch sau khoảng 2 tuần nữa.
PGS.TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng,ĐH Y Dược TP.HCM:
Nhiều hệ lụy không lường trước được
Không chỉ các chuyên gia trong nước mà các chuyên gia nước ngoài cũng có nhận định hiện chưa phải thời điểm coi Covid-19 như bệnh lý thông thường, bởi những lý do sau: Thứ nhất là chúng ta chưa thể chắc chắn rằng, việc kiểm soát đã thật sự ổn định về tỷ lệ mắc mới. Thứ hai là ngay cả thời điểm hiện nay, khi tỷ lệ bệnh dịch giảm hơn trước, nhưng vẫn còn cao với một bệnh truyền nhiễm.
Dù hiện tỷ lệ ca Covid-19 trở nặng và tử vong có giảm đi, nhưng vẫn đặt ra câu hỏi liệu có tăng lên nữa không? Chưa thể có câu trả lời chắc chắn cho điều này.
Nếu so sánh với các nước Tây Âu có quan điểm coi Covid-19 như bệnh đặc hữu, sẽ thấy dù Việt Nam tỷ lệ tiêm chủng tốt, nhưng vẫn chưa cao bằng họ.
Hơn nữa, các quốc gia kia ngoài việc tiêm chủng, họ đã trải qua 3-4 đợt dịch Covid-19 lớn, như vậy tỷ lệ dân số mắc cũng đã rất cao. Trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này còn thấp, nghĩa là miễn dịch cộng đồng chưa cao.
Hơn nữa ở các quốc gia khác, chủng Omicron đã trải qua rồi và hiện đang theo chiều hướng đi xuống, còn Việt Nam chưa đạt được điều đó.
Như vậy, vẫn có khả năng 1 chủng Omicron hay 1 chủng nào khác xâm nhập… Bên cạnh đó, hệ thống y tế của Việt Nam đáp ứng vẫn chưa đủ tốt như các nước Tây Âu. Ví như Anh, Pháp dù ca mắc lên cả triệu ca nhưng vẫn xử trí được. Còn Việt Nam khó đáp ứng với số ca mắc lớn.
Chính vì vậy, nếu coi Covid-19 là bệnh lý thông thường sẽ có nhiều hệ quả không tốt. Thứ nhất, người dân sẽ chủ quan, xem thường; Thứ hai, khi đã rút Covid-19 ra khỏi nhóm A truyền nhiễm, nếu xuất hiện chủng mới thì rất khó áp dụng các biện pháp kiểm soát từ Nhà nước, ví như yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người nơi công cộng. Thứ ba, nếu coi Covid-19 là bệnh thông thường thì chi phí điều trị sẽ do người bệnh chi trả. Trong tình huống này có người chi trả được nhưng 1 bộ phận đáng kể sẽ gặp khó khăn, nhất là khi lây nhiễm dịch ngoài mong muốn nhưng phải chi trả khoản chi phí y tế không nhỏ.
Do vậy, theo tôi, việc chắc chắn có thể tuyên bố Covid-19 là bệnh thông thường có thể là sau 6 tháng hay 1 năm nữa, không phải ngay bây giờ.
Những quốc gia coi Covid-19 là bệnh thông thường
Về lý thuyết, đại dịch có thể coi là đã qua đi khi các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn được xếp vào mức khẩn cấp toàn cầu. Song đến nay, các tiêu chí để đưa ra quyết định này chưa được xác định chính xác.
Do đó, việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu sẽ dựa trên điều kiện của từng nước. Hầu hết các quốc gia đưa ra quyết định dựa trên mức độ virus lây lan trong đất nước, tỉ lệ ca nhiễm trở nặng và tử vong cũng như nguy cơ ca nhiễm mới bùng phát thành đại dịch lớn.
Đa phần các quốc gia đã hoặc rục rịch chuẩn bị tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, đều luôn sẵn vaccine, thuốc và các biện pháp khác phòng, chống Covid-19 nên họ có thể kiểm soát đại dịch sớm hơn rất nhiều so với toàn cầu.
Tính đến thời điểm này, một số quốc gia tại châu Âu bỏ phần lớn quy định phòng Covid-19 như: Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy giữa lúc số ca nhiễm mới tại khu vực này tăng cao. Lý do các nước này đưa ra là dù số ca dương tính với Covid-19 (chủ yếu liên quan tới Omicron) tăng cao, nhưng tình hình tại bệnh viện không còn căng thẳng so với các đợt bùng phát trước.
Một số quốc gia khác trên thế giới đang rục rịch như: Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Đức, Áo, Thụy Sĩ… Đơn cử, tại Hàn Quốc, đầu tháng 2/2022, cơ quan phòng dịch Hàn Quốc cho biết, họ đang theo dõi xu hướng các ca nhiễm nặng và tử vong giảm mạnh tại nước này. Nếu tiếp tục ổn định sẽ xem xét nới lỏng biện pháp phòng dịch. Khi ấy, nước này sẽ coi dịch Covid-19 tương tự như bệnh cúm mùa. Hàn Quốc khẳng định, điều này chỉ có thể được thực hiện với điều kiện năng lực y tế vẫn đảm bảo, không quá tải ngay cả khi số ca dương tính tăng.
Trang Trần
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phòng bệnh - 22/10/2024
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Phòng bệnh - 11/10/2024
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Cách nào phòng bệnh gút?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Cách nào phòng bệnh gút?