Thời gian đầu, chuyện gối chăn của hai vợ chồng không có gì trục trặc. Gần đây tôi cảm thấy không hứng thú, đôi khi cảm thấy thấy mệt mỏi, tính tình cáu bẳn dù không phải áp lực từ công việc hay nguyên nhân gì cả. Tôi nghe nói phụ nữ tiền mãn kinh cũng có dấu hiệu tương tự. Lẽ nào tình trạng của tôi là mãn dục? Có cách nào để khắc phục tình trạng này, thưa bác sĩ? (Nguyễn Hùng, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trả lời:
Chào anh!
Trước hết, xin chia sẻ nỗi lo lắng về tình trạng mà anh đang gặp phải. Trên thực tế, dù nam hay nữ thì theo thời gian, tuổi tác càng cao, sức khỏe và sự ham muốn tình dục ở cả hai giới đều giảm dần. Đó là điều hoàn toàn tự nhiên.
Anh 40 tuổi, nếu tình trạng sức khỏe bình thường nhưng lại giảm hứng thú với tình dục có thể là biểu hiện của bệnh mãn dục. Theo nhiều nghiên cứu, từ sau 30 tuổi, lượng testosterone bắt đầu giảm. Từ 50-60 tuổi trở đi, tình trạng mãn dục diễn ra và tăng dần theo tuổi, nhất là từ 50 đến 60 tuổi thì các dấu hiệu mãn dục ở nam giới càng trở nên rõ dần. Người mắc bệnh mãn dục thường có các triệu chứng sau:
Triệu chứng tình dục gồm: Giảm ham muốn tình dục; Giảm số lượng tinh trùng; Rối loạn cương dương.
Triệu chứng toàn thân gồm:
Tinh thần: Mệt mỏi, giảm độ tập trung, bẳn tính, tính tình hay thay đổi thất thường, dễ cáu gắt, hay quên, thích cô độc hay tủi thân.
Béo lên: Béo phì, bụng to ra, ngực vú xệ xuống, lượng mỡ trong cơ thể tăng.
Cơ: Giảm khối lượng cơ, mông teo tóp, cơ bắp nhẽo không còn săn chắc và sức bền của cơ kém.
Xương: Loãng xương, thoái hóa xương, đau xương, đau khớp, tăng nguy cơ gãy xương.
Tim mạch: Rối loạn tim mạch: bệnh lý mạch vành, cao huyết áp.
Da tóc: Tóc bạc, da nhăn nheo mất tính đàn hồi, da đồi mồi.
Rối loạn giấc ngủ: dễ buồn ngủ vào buổi tối nhưng đêm lại mất ngủ, ngủ ngáy, ngủ mơ, ngủ không sâu.
Thần kinh: Mất sự nhạy cảm các phản xạ.
Rối loạn tạo máu: Thiếu máu, hồng cầu giảm, niêm mạc nhợt.
Ngoài các triệu chứng trên, để chẩn đoán mãn dục, các bác sĩ sẽ dựa vào xét nghiệm nội tiết tố hướng sinh dục nam là testosterone. Testosterone trong máu giảm dưới mức bình thường (ngưỡng testosterone sinh lý ở người trưởng thành là 9,7-27,8 nmol/l) cho thấy bệnh nhân mắc bệnh mãn dục.
Ngoài ra, nếu người mắc kèm theo các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, suy giảm chức năng gan, suy giảm chức năng thận, thì mãn dục tiến triển càng nhanh và nặng.
Để biết chính xác tình trạng của mình, anh nên đến các bệnh viện có chuyên khoa nam học để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.
Mãn dục cũng là một trong những nguyên nhân khó nói, gây hiếm muộn. Nhiều người rất ngượng ngùng khi đến thăm khám nhưng tôi muốn nhắn nhủ rằng, đây là trục trặc thường gặp. Hãy cởi mở chia sẻ, nói thật tình trạng của mình để được bác sĩ tư vấn và có hướng điều trị thích hợp.
Bệnh nhân mãn dục có thể được điều trị theo các hướng sau:
Tình trạng mãn dục thường hay đi kèm các bệnh lý toàn thân khác, ví dụ như tim mạch, đái tháo đường, huyết áp... Do đó, bệnh nhân cần đi tầm soát sức khỏe tổng quát để phối hợp điều trị cùng tình trạng mãn dục.
Để điều trị tình trạng mãn dục nam, các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp hormone thay thế - dùng lượng testosterone hàng ngày phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Liệu pháp hormone thay thế giúp duy trì chuyển hóa trong cơ thể cũng như chất lượng tình dục.
Duy trì chế độ ăn uống, tập luyện để giữ gìn và cải thiện tình trạng sức khỏe.
Duy trì các hoạt động tình dục nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của bệnh nhân và đối tác.
Thoải mái tinh thần, duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa phù hợp với độ tuổi. Ngoài ra, việc trò chuyện, tâm tình cùng đối tác cũng rất quan trọng,
Để hạn chế tình trạng mãn dục đến sớm, ngay từ khi còn trẻ, mỗi người cần sống điều độ, cân bằng giữa nhu cầu và khả năng tình dục. Bên cạnh đó, cần duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế rượu, bia, thuốc lá...
Bác sĩ Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học và Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội