Hóa chất diệt chuột thế hệ mới có độc tính đặc biệt, biểu hiện ngộ độc kín đáo. Người bị ngộ độc thuốc diệt chuột dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn với những bệnh lý khác.
BS Phan Thị Lan Hương cho biết, gần đây, trung tâm tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Có những bệnh nhân nhập viện sớm được điều trị kịp thời. Có nhiều bệnh nhân giấu việc mình uống thuốc diệt chuột tự tử nên các bác sĩ chưa xác định được nguồn ngộ độc dù kết quả xét nghiệm máu cho thấy có hóa chất diệt chuột.
Hiện tại, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 2-3 ca ngộ độc thuốc chuột thế hệ mới.
Bệnh nhân nam 59 tuổi, vào viện ngày thứ 3 ngộ độc. Bệnh nhân đã được điều trị ở tuyến dưới ba ngày nhưng tình trạng rối loạn đông máu rất nặng. Bệnh nhân đang được các bác sĩ tại trung tâm sử dụng thuốc giải độc.
Một ca bệnh khác còn rất trẻ là nam giới, 39 tuổi. Bệnh nhân được đưa vào viện từ rất sớm nên may mắn chưa bị rối loạn đông máu. Bệnh nhân đã được điều trị thuốc diệt chuột kháng vitamin k và đáp ứng điều trị tốt.
Theo ThS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, 20 năm trước đây, chúng ta chủ yếu sử dụng thuốc diệt chuột của Trung Quốc có độc tính cao, gây co giật, loạn nhịp tim làm bệnh nhân nhanh chóng tử vong.
Gần đây, Việt Nam đã sử dụng loại hóa chất diệt chuột thế hệ mới. Đây là loại hóa chất có biểu hiện ngộ độc rất kín đáo, gây chảy máu, rối loạn đông máu, dễ bị bỏ sót.
Ba ngày đầu ngộ độc, bệnh nhân không có biểu hiện gì. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện chảy máu ngoài da, mũi, răng lợi, tiêu hóa hoặc đi tiểu ra máu.
Khi được đưa tới các cơ sở y tế, các bác sĩ cũng có thể chẩn đoán nhầm những triệu chứng của bệnh nhân với bệnh lý khác như sỏi thận, xuất huyết tiêu hóa, bệnh về máu. Chỉ khi kiểm tra tại cơ sở chuyên sâu có thể loại trừ các bệnh không phải bệnh huyết học, tiết niệu… mà là ngộ độc thuốc diệt chuột.
“Có bệnh nhân sau khi uống tự tử được gia đình phát hiện sớm đến chữa kịp thời theo đúng phác đồ. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân ngại không nói mình đã uống thuốc chuột tự tử dẫn đến việc xử trí rất khó khăn cho cơ sở y tế khi tiếp nhận. Nhiều gia đình khi tích trữ loại thuốc này cũng bất cẩn cất thuốc ở những chỗ không an toàn, có thể lẫn đồ ăn thức uống… gây nhiễm độc”, BS Nguyên cảnh báo.
Hiện nay, chúng ta có thuốc giải độc kháng vitamin k điều trị hiệu quả ngộ độc loại hóa chất này, cải thiện nhanh tình trạng ngộ độc. Tuy nhiên, hóa chất này có độc tính dài, không thể thải trừ ngay. Có những người phải điều trị dài tới cả năm mới hết được chất độc trong cơ thể.
“Có nhiều người sau khi được điều trị cho ra viện nhưng không quay lại tái khám định kỳ. Đến khi bệnh tái phát, chảy máu ồ ạt thì mới nhớ quay trở lại cấp cứu, rất nguy hiểm”, BS Nguyên cho hay.
Những năm gần đây, tại các trung tâm chống độc và huyết học trên cả nước ghi nhận tới vài trăm ca ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới. Loại hóa chất này có độc tính cao, chỉ một ít thuốc cũng có thể gây ra ngộ độc.
Do đó, BS Nguyên cảnh báo, người dân sử dụng thuốc diệt chuột phải bảo đảm an toàn, tuân thủ nguyên tắc sử dụng hóa chất gồm: để tránh xa tầm tay của trẻ em, khóa hoặc cất kỹ tại một nơi; không để lẫn gần khu vực chế biến thức ăn…
Vì biểu hiện bệnh diễn biến khoảng ba ngày sau ngộ độc, nên khi không may có những biểu hiện chảy máu, cần phải đi khám. Các cơ sở y tế cũng cần chủ động cảnh giác phát hiện các trường hợp rối loạn đông máu, giảm yếu tố phụ thuộc vitamin k có thể hội chẩn chuyên gia chống độc, huyết học… để dùng thuốc giải độc ngay.