Lợi ích sức khỏe của siêu thực phẩm

Theo VnExpress 09:35 26/03/2021 - Sống lành mạnh
Siêu thực phẩm như rau, trái cây, các loại hạt giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ giảm cân và nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Theo Trường Y tế Công cộng T.H Chan thuộc Đại học Harvard, một siêu thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, có khả năng phòng chống bệnh tật hoặc mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cùng một lúc.

Chuyên gia Sangamithra Vidyasa Gararaju từ Hiệp hội Dinh dưỡng và Ăn kiêng Singapore mô tả siêu thực phẩm là đồ ăn nguyên chất, chưa qua chế biến, chứa nhiều chất bổ. Chúng chủ yếu là thực vật, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.

Trái cây, rau tươi, các loại hạt (óc chó, hạt điều, hạnh nhân, macca, hạt dẻ...) là những siêu thực phẩm bạn dễ dàng đưa vào chế độ ăn hàng ngày. "Hạt chia là một ví dụ, nguồn cung cấp omega-3 tuyệt vời. Một cách để thưởng thức là kết hợp chúng với bánh pudding", Gararaju chia sẻ.

Ngoài ra, Gararaju khuyến cáo nên tiêu thụ đồ uống có chiết xuất từ nghệ để tăng cường hệ miễn dịch, một miếng sô cô la đen để bổ sung chất chống oxy hóa.

Nandita Iyer, bác sĩ kiêm đầu bếp và blogger nổi tiếng tại Bangalore, Ấn Độ, thừa nhận siêu thực phẩm là thuật ngữ không rõ ràng và được nhiều nhãn hàng sử dụng như một chiêu trò tiếp thị. "Nếu phải định nghĩa, tôi cho rằng những thực phẩm đó phải chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Nhờ những thành phần đó, nhóm thức ăn này sẽ giúp nâng cao thể trạng, miễn dịch, tuổi thọ và một số tác dụng nhất định khác", bác sĩ Iyer cho hay.

Các chuyên gia nhận định siêu thực phẩm mang lại ba lợi ích sau:

T­­ăng cường miễn dịch

Một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Khoa học Dinh dưỡng và Thực phẩm cho thấy tiêu thụ siêu thực phẩm mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, chuyển hóa, thần kinh, bệnh tiểu đường, béo phì và ung thư. Tuy nhiên, các loại thức ăn này không mang lại hiệu quả ngay lập tức, theo Gararaju. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng chỉ ăn thôi là không đủ, mỗi người cần đảm bảo lối sống lành mạnh để thực phẩm phát huy tác dụng.

"Đặt toàn bộ kỳ vọng vào đồ ăn là điều không thực tế. Thay vào đó, bạn cần tập trung xây dựng chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng, tùy theo tình trạng sức khỏe và lối sống của bản thân. Siêu thực phẩm không phải là thuốc chữa bách bệnh", bà Gararaju cảnh báo.

Hỗ trợ giảm cân

Theo bác sĩ Iyer, một số thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có lượng tinh bột và calo thấp, vì vậy chúng là lựa chọn phù hợp cho người cần giảm cân. "Hãy ăn các loại rau có hàm lượng calo thấp như súp lơ, ớt chuông, nấm, giá đỗ, bắp cải, cà tím và các loại rau lá xanh khác", Iyer đề xuất. Ngoài ra, các loại đậu và trái cây với nhiều chất xơ có thể giúp ổn định đường huyết và duy trì cân nặng trong tầm kiểm soát.

Bác sĩ Iyer chia sẻ một số bí quyết ăn uống hỗ trợ việc giảm cân. Đầu tiên, các loại thực phẩm như chuối xanh, đậu, gạo và khoai tây có thể để trong tủ lạnh qua đêm sau khi nấu để tăng hàm lượng tinh bột kháng. Loại tinh bột này đi qua dạ dày và ruột non của bạn nhưng không bị tiêu hóa. Khi đến ruột già, nó được lên men và nuôi dưỡng các lợi khuẩn đường ruột. Những thực phẩm này giúp giảm cảm giác thèm ăn và khiến người ta cảm thấy no lâu hơn.

Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung thực phẩm chứa vitamin B, vì chúng cần thiết cho quá trình chuyển hóa tinh bột, protein và chất béo. Thực phẩm giàu chất sắt giúp tăng sức bền và cải thiện khả năng tập luyện. Thực phẩm giàu magie như các loại hạt và rau xanh có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucose trong máu.

Nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi

Iyer cho biết vi khuẩn đường ruột không chỉ giúp tiêu hóa thức ăn, hấp thụ và tổng hợp các chất dinh dưỡng, chúng còn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và não bộ của chúng ta. Các loại siêu thực phẩm dễ kiếm, chẳng hạn như bắp cải, súp lơ, tỏi và hành tây, chứa prebiotic – một loại chất xơ mà cơ thể không tiêu hóa được, nhưng lại là thức ăn của các lợi khuẩn đường ruột.

Lựa chọn thực phẩm là một chuyện, ăn như thế nào cho tốt là chuyện khác. Ăn uống thận trọng và biết cách chăm sóc bản thân là chìa khóa để cân bằng thể chất và tinh thần, đặc biệt là khi bạn bị căng thẳng. Để làm được điều này, bác sĩ Iyer có một số lời khuyên như sau:

- Trước khi ăn, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thực sự đói hay do thèm ăn hoặc chán nản.

- Bày biện thức ăn sao cho hấp dẫn. Khi bắt đầu ăn, hãy lấy một khẩu phần nhỏ. Bạn luôn có thể ăn thêm nếu vẫn đói.

- Ngồi xuống khi ăn dù là bữa chính hay bữa phụ. Hãy dành sự biết ơn đối với đồ ăn bạn có.

- Ăn từng miếng nhỏ và nhai kỹ. Chờ một vài giây trước khi bạn ăn miếng tiếp theo để tạo thói quen ăn uống từ tốn.

Mai Dung (Theo SCMP)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Sống lành mạnh - 07/11/2024

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Sống lành mạnh - 08/10/2024

Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Sống lành mạnh - 01/10/2024

Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới