Lưu ý hạn dùng khi ăn bánh trung thu 'nhà làm'
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, cho biết bánh trung thu tự làm (homemade) chủ yếu làm ở quy mô nhỏ, cấp độ gia đình, không sản xuất công nghiệp hàng loạt bằng máy. Bánh thường do một người làm và bán hoặc tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
Trước đây, chỉ có bánh truyền thống là bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm. Hiện nay thị trường có nhiều loại bánh, loại nhân, thường được giới thiệu là dùng nguyên liệu tự nhiên và không chất bảo quản, phẩm màu độc hại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bánh được làm thủ công nên đa dạng về kích thước, mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Người làm bánh có thể cân đo đong đếm lượng đường, chất béo nên có ưu thế về dinh dưỡng, đáp ứng được nhiều đối tượng khách hàng hơn, kể cả người ăn chay, người bệnh tiểu đường, béo phì...
"Tuy nhiên, bánh trung thu nhà làm có nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến nếu không đảm bảo vệ sinh, có thể gây ngộ độc thực phẩm", bác sĩ Tiến nói.
Một số yếu tố khác như khói bụi, dụng cụ và tay người làm bánh, điều kiện vệ sinh khu vực làm bánh cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, bánh nhà làm thường có hạn sử dụng ngắn, thường khoảng một tuần từ ngày sản xuất do không sử dụng các chất bảo quản như bánh sản xuất tại cơ sở quy mô lớn.
Bánh trung thu dễ bị oxy hóa vì trong bánh có nhiều loại chất béo và nguyên liệu tươi. Trong điều kiện không đảm bảo, quá hạn dùng, bánh dễ bị nấm mốc, nhiễm khuẩn gây ngộ độc hệ tiêu hoá.
Ngoài ra, bánh sản xuất công nghiệp phải có gói hút oxy, có tác dụng giữ cho sản phẩm ở môi trường yếm khí duy trì được độ tươi ngon, ngăn ngừa nấm mốc, vi khuẩn phát triển...
"Tuy nhiên, gói hút oxy chỉ sử dụng ở những sản phẩm có độ ẩm và độ dầu thấp, nếu không có thể dẫn đến nhiễm độc botulinum. Do đó, bánh nhà làm thường không sử dụng được", bác sĩ nhận định.
Bên cạnh đó "bánh nhà làm được rao bán rất nhiều trên mạng, không đăng ký với cơ quan chức năng nên rất khó kiểm soát về chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng cũng không thể kiểm soát được tất cả quy trình, nhất là nguồn gốc nguyên, nhiên liệu", Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nói.
"Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc bánh trung thu nhà làm, song vụ ngộ độc pate Minh Chay dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh người tiêu dùng phải sáng suốt lựa chọn thực thẩm", phó giáo sư nhấn mạnh.
Chuyên gia khuyến cáo người làm bánh trung thu quy mô nhỏ cần tìm mua nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua trôi nổi trên thị trường. Nên sử dụng các thành phần từ thiên nhiên để không bị ngộ độc thực phẩm.
Người tiêu dùng cần lựa chọn bánh có tên, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản kín... Khi mua cần đọc kỹ phần nguyên liệu trên bao bì để biết được lượng calo và chất bột, béo, đạm của bánh.
Chỉ mua sản phẩm còn nguyên bao bì, không bị rách, dập nát, biến dạng hay có ẩm mốc, hư hỏng. Đặc biệt, bánh trung thu nhà làm nên ăn sau vài ngày mua do không để được dài hạn.
Thùy An
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ