THUỐC GENERIC VÀ THUỐC BIỆT DƯỢC
Khái niệm
Thuốc generic là thuốc có cùng hoạt chất với thuốc biệt dược gốc đã đăng ký bản quyền phát minh sáng chế (patent). Thuốc generic được phép lưu hành trên thị trường sau khi thuốc gốc hết hạn bảo hộ phát minh sáng chế. Do cùng hoạt chất nên thuốc generic được cho là phải tương đương về hiệu quả điều trị. Dù thuốc generic có cùng thành phần hoạt chất với thuốc gốc, nhưng có thể khác nhau về quy trình sản xuất, công thức bào chế (tá dược, màu sắc, mùi vị) và bao bì nên tại nhiều nước để được công nhận tương đương về hiệu quả điều trị, về sinh khả dụng các nhà sản xuất thuốc generic phải thực hiện các thử nghiệm để chứng minh thuốc generic của họ tương đương về hiệu quả điều trị với thuốc biệt dược gốc.
Danh pháp
Tên thuốc generic có thể không liên quan với công ty sở hữu biệt dược gốc, các thuốc generic thường phải tuân theo các quy định của cơ quan quản lý tại các quốc gia cấp phép lưu hành các thuốc này. Tên thuốc ghi trên nhãn có thể là tên generic hoặc tên biệt dược của nhà sản xuất tự đặt tức tên biệt dược khác với tên gốc (không trùng tên với biệt dược gốc hoặc các biệt dược chứa hoạt chất đã hết bảo hộ của các nhà sản xuất khác; nhiều nước quy định tên này phải có ít nhất hai âm tiết không trùng với tên biệt dược gốc). Tên thuốc generic có thể gọi tên (đặt tên) như sau:
Tên generic quốc tế (International Non-proprietary Name-INN) theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO. WHO (World Health Organization) đã thực hiện dự án khuyến cáo cơ quan quản lý các nước, các tổ chức khu vực đặt tên thuốc theo tên generic quốc tế (INN) cho các thuốc gốc trên 60 năm. Cho đến nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho khoảng 9.300 chất (tính đến năm 2017)[1]. Những tên đã đặt thường sử dụng trong các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, dược điển, sách báo về y dược và danh mục thuế xuất nhập khẩu của hải quan các nước. Phần lớn các trường hợp gồm: Tên hóa học chủ yếu theo danh pháp của Hiệp hội Quốc tế về Hóa học thuần túy và Ứng dụng (The International Union of Pure and Applied Chemistry-IUPAC). Đôi khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tham khảo số đăng ký CAS (Chemical Abstracts Service) là số nhận dạng duy nhất do Chemical Abstracts Service xác định cho mọi chất hóa học mô tả trong các tài liệu khoa học tiếp cận miễn phí (gồm tất cả các chất đã mô tả từ năm 1957 đến nay, cộng với các chất từ những năm đầu thế kỷ XX), như các hợp chất hữu cơ và vô cơ, khoáng chất, đồng vị, hợp kim và vật liệu không thể cấu trúc (không rõ, thành phần biến đổi, hoặc nguồn gốc sinh học khoảng 144 triệu chất hữu cơ, vô cơ đặc biệt và 67 triệu chuỗi protein và DNA đã được xác định). Trên cơ sở đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước đặt tên thuốc generic theo các ngôn ngữ Latin, tiếng Anh BAN: British Approved Name (Anh Anh), tiếng Pháp DCF: Dénomination Commune Française, tiếng Italia DCIT: Denominazione Comune Italiana, JAN: Japanese Accepted Name (tiếng Nhật), USAN: tiếng Anh United States Approved Name (Anh Mỹ). Sau đây chúng ta nghiên cứu một số phiên bản INN phổ biến và sau đó có thể rút ra nguyên tắc chung:
Tên generic được chấp thuận tại Vương quốc Anh (British Approved Name-BAN) là tên chính thức, không theo tên biệt dược gốc hoặc còn gọi là tên generic đặt cho các dược chất, theo Dược điển Anh (BP) cũng như Dược thư Anh (British National Formulary-BNF). Tên theo danh pháp BAN cũng là tên chính thức sử dụng ở một số quốc gia trên thế giới, từ năm 1953. Do các tên mới đề xuất đã được nhóm chuyên gia của WHO kết hợp với ủy ban danh pháp thuộc Hội đồng Dược điển Anh BP đánh giá nhằm đảm bảo tính nhất quán trong việc đặt tên thuốc generic).
Tên generic theo Hội đồng USAN Hoa Kỳ (United States Adopted Name-USAN). Hoạt động của Hội đồng USAN do Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association-AMA), Hội đồng Dược điển Hoa Kỳ (United States Pharmacopeial Convention-USP) và Hiệp hội Dược sỹ Hoa Kỳ (American Pharmacists Association-APhA) đồng tài trợ. Hội đồng USAN phối hợp làm việc với nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhóm chuyên gia danh pháp tại Hoa Kỳ để chuẩn hóa tên thuốc và thiết lập các quy tắc phân loại các dược chất mới (hoạt chất, tá dược và cả các hóa chất dược dụng cũng như hóa chất xét nghiệm... )
Theo nguyên tắc trên, muốn biết tên generic tại một nước có thể tham khảo tên dược điển hoặc dược thư tại quốc gia có dược chất lưu hành ví dụ Dược Điển Việt Nam IV hoặc Dược thư Việt Nam xuất bản lần thứ 2 (2015).
Quy tắc phiên âm tên thuốc tại Việt Nam và lưu ý khi đặt tên thuốc khác với tên gốc
Hầu hết các dược điển đều có phần tên thuốc bằng tiếng Latin theo INN và tên thuốc theo ngôn ngữ nước xuất bản dược điển, một số dược điển ngoài ngôn ngữ chính thức còn có phiên bản tiếng Anh như dược điển Việt Nam, dược điển Nhật, dược điển Nga... Phiên âm tên thuốc sang tiếng Việt hiện nay áp dụng theo hướng dẫn của UBKHKT Nhà nước nay là Bộ Khoa học Công nghệ về phiên âm danh từ khoa học từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: Một số quy tắc chính như sau:
(1) Việt hoá tên gọi thuốc theo thuật ngữ Latin ở mức độ hợp lý và không làm biến dạng mặt chữ quá xa với thuật ngữ quốc tế. (2) Việt hoá tên gọi các hợp chất hữu cơ dùng làm thuốc theo theo danh pháp IUPAC (codein sulfat). (3) Khi gặp phụ âm đôi thì bỏ đi một phụ âm như trong các trường hợp: LL, CC, MM, NN... (penicilin). (4) Các nguyên tố hoá học quen dùng vẫn giữ nguyên như tên cũ: bạc (Ag), chì (Pb), đồng (Cu). (5) Halogenua nay đổi thành halogenid... Tuy nhiên cần lưu ý trên đây là cách viết (phiên âm) nhưng khi đọc (phát âm) có thể khác cách viết (viết ampicilin đọc là ăm-pi-xi-lin /,æmpi‘silin/).
Những điều cần lưu ý khi đặt tên thuốc khác với tên gốc cần tuân thủ các quy định chuẩn mực đạo đức, không trái luật pháp, không kỳ thị tôn giáo, sắc tộc hoặc trái với truyền thống hay thuần phong mỹ tục người Việt Nam. Tên biệt dược khác với tên gốc trên cơ sở cân nhắc các yêu cầu: (1) Đơn giản, dễ nhớ (ngắn) có ý nghĩa, dễ chuyển đổi, dễ thích nghi, dễ bảo hộ; (2) cần loại bỏ các phương án: Tên đa nghĩa; tên khó đọc, khó phát âm (phụ âm rít và phụ âm ghép hay phụ âm kép khó đọc với người Việt); tên gần giống với tên biệt dược gốc hoặc tên đã đăng ký; tên khó đăng ký bảo hộ; tên xung đột với mục tiêu định vị thương hiệu.
Thủ tục chuyển đổi từ thuốc gốc sang thuốc generic
Nói chung thuốc generic có giá rẻ hơn và cộng đồng được hưởng lợi khi thuốc generic thay thế thuốc biệt dược gốc. Tuy nhiên tại nhiều nước như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... các nhà sản xuất thuốc generic muốn xin đăng ký lưu hành buộc phải làm một số thủ tục chứng minh thuốc generic có thể thay thế cho thuốc biệt dược gốc. Quá trình xin đăng ký thuốc generic phụ thuộc vào độ phức tạp của sản phẩm thuốc và mức độ hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý thuốc ở mỗi nước. Quy định của FDA Hoa Kỳ:
Thuốc generic phải “tương đương về bào chế” so với thuốc biệt dược gốc. Thuốc generic phải cùng dạng bào chế (như thuốc viên nén hoặc thuốc tiêm) hoặc công nghệ phóng thích thuốc giống nhau (như phóng thích nhanh, phóng thích biến đổi).
Nhà sản xuất phải có năng lực sản xuất thuốc như quy định (quy trình sản xuất, quy trình thao tác, kiểm soát, kiểm tra trong quá trình sản xuất, ghi chép và lưu trữ hồ sơ lô...) Thông thường khi sản xuất dược phẩm nhiều công ty khác nhau có liên quan với nhau trong chuỗi cung ứng (chẳng hạn như công ty sản xuất nguyên liệu: hoạt chất, hóa chất dược dụng, bao bì dược dụng và công ty khác sản xuất thuốc thành phẩm phải kiểm soát chặt chẽ các giai đoạn sản xuất, đường đi của nguyên phụ liệu, bán thành phẩm và thành phẩm...) Các nhà sản xuất thuốc generic phải sản xuất các lô thuốc họ muốn đưa ra thị trường và cung cấp thông tin về quá trình sản xuất các lô đó để FDA xem xét.
Nhà sản xuất phải có khả năng sản xuất thuốc có chất lượng ổn định. Các nhà sản xuất thuốc generic phải giải thích quy trình sản xuất thuốc và chứng minh mỗi bước trong quy trình sản xuất sẽ tạo ra các bán thành phẩm và thành phẩm giống nhau ở các lô thuốc khác nhau. Các nhà khoa học của FDA xem xét các quy trình đó và các thanh tra của FDA đến cơ sở sản xuất thuốc generic để xác minh nhà sản xuất thuốc generic có khả năng sản xuất thuốc có chất lượng ổn định và thẩm định lại thông tin trong hồ sơ đăng ký đã nộp cho FDA có chính xác không.
Các thành phần hoạt chất phải giống như thuốc biệt dược gốc. Thành phần hoạt chất trong một loại thuốc làm cho dược phẩm có hiệu quả điều trị. Các công ty sản xuất thuốc generic phải chứng minh thành phần hoạt chất giống với thuốc biệt dược gốc họ sao chép và FDA sẽ thẩm định lại yêu cầu này.
Thuốc generic phải tương tự với thuốc gốc về tốc độ và mức độ hấp thu của hoạt chất tại nơi có tác dụng trong cơ thể khi so sánh trong cùng một điều kiện thử nghiệm (tương đương sinh học với thuốc gốc). Hai sản phẩm thuốc có cùng lượng hoạt chất có thể tác dụng khác nhau. Các công ty sản xuất thuốc generic phải thực hiện các nghiên cứu chứng minh cùng một lượng thuốc generic đi vào máu và tới được nơi phát huy tác dụng trong cùng thời gian giống như thuốc gốc. Các nhà khoa học của FDA sẽ phân tích kết quả để chắc chắn thuốc generic cho hiệu quả điều trị tương tự như thuốc biệt dược gốc.
Các thành phần “không hoạt tính” (tá dược) của thuốc phải an toàn. Phải chứng minh những khác biệt về tá dược không ảnh hưởng tới hoạt tính của thuốc, các tá dược được phép thay thế giữa thuốc generic và thuốc biệt dược. Các công ty sản xuất thuốc generic phải chứng minh tất cả các thành phần tá dược sử dụng trong sản phẩm đều an toàn và FDA sẽ thẩm định lại yêu cầu này.
Thuốc không bị hỏng khi chưa hết hạn dùng. Hầu hết các loại thuốc dần dần giảm chất lượng theo thời gian. Các công ty sản xuất thuốc generic phải thực hiện “nghiên cứu độ ổn định” để chứng minh các thuốc generic của họ ổn định theo đúng hạn dùng. FDA sẽ xem xét kết quả của những nghiên cứu này.
Bao bì chứa thuốc phù hợp giúp thuốc ổn định khi vận chuyển và tới tay người tiêu dùng. Chất lượng của thuốc có thể giảm nếu bao bì không phù hợp. Các công ty sản xuất thuốc generic phải gửi thông tin về bao gói tới FDA để đánh giá.
Nội dung ghi nhãn (công dụng, liều dùng, đường dùng, chỉ định... ) giống với thuốc biệt dược gốc. Thông tin ghi nhãn thuốc generic phải giống với thuốc biệt dược gốc. Đôi khi tranh chấp phát sinh liên quan đến những thông tin được bảo hộ sáng chế (sinh khả dụng, hệ mang thuốc... những điều này thường xảy ra với thuốc kéo dài thời gian bảo hộ, điều này chúng ta sẽ đề cập tới trong phần chiến lược marketing).Nhữngthôngtinnhưvậynhàsảnxuấtsẽkhôngghitrênnhãn.Tuynhiênbỏđicácthông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ phải không được mất đi các thông tin cần thiết cho sử dụng an toàn.
Thuốc biệt dược phải hết hạn bằng bảo hộ phát minh sáng chế (expired patent). Do khuyến khích phát triển các loại thuốc mới và để bù đắp chi phí nghiên cứu phát triển loại thuốc này các công ty dược phẩm đã đăng ký bảo hộ sáng chế được độc quyền trong sản xuất và marketing trong thời hạn bảo hộ. FDA sẽ không cấp phép lưu hành cho phép chuyển đổi các thuốc biệt dược còn thời hạn bảo hộ cho sản phẩm thuốc generic.
Lợi ích mang lại khi chuyển đổi từ thuốc gốc sang thuốc generic
Nguồn lực dành cho công tác chăm sóc sức khỏe của tất cả các nước dù nước nghèo hay nước giàu đều không phải là vô tận bởi vậy hầu hết các chính phủ trên toàn cầu đều quan tâm và khuyến khích chuyển đổi thuốc sáng tạo (thuốc biệt dược gốc) thành thuốc generic. Tuy nhiên điều đó đụng chạm tới quyền lợi của các nhóm lợi ích khác nhau đại diện cho hai thế lực lớn trong ngành công nghiệp dược ở các nước là ngành công nghiệp thuốc kê đơn (Ethical Pharmaceutical Industry) và ngành công nghiệp thuốc không kê đơn (Self Medication Industry). Tại các nước công nghiệp phát triển cuộc chiến giữa hai thế lực này diễn ra một mất một còn, không khoan nhượng. Các công ty sản xuất thuốc generic mong muốn dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, nhà sản xuất thuốc biệt dược muốn kéo dài thời hạn bằng phát minh sáng chế, các chính phủ được hứa hẹn chi phí thuốc sẽ thấp hơn kéo theo là các cuộc vận động hành lang tác động (lobby) nhằm tác động tới chính sách, tài trợ bầu cử. Ví dụ: Ở Hoa Kỳ chính trị và thuốc chữa bệnh từ lâu đã song hành với nhau. Cả hai đảng chính trị lớn nhất đều sử dụng các nguồn lực từ ngành công nghiệp dược trong các hoạt động chính trị hơn nửa thế kỷ qua. Ngành công nghiệp dược và các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (bảo hiểm y tế tư nhân) là nhóm tài trợ hào phóng nhất trong 15 ngành công nghiệp ở Hoa Kỳ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 họ đã tài trợ cho các ứng viên số tiền lên tới 9,5 tỷ USD và riêng năm 2009 Pfizer đã chi 273 triệu USD cho các cuộc tranh luận ở hai viện quốc hội Hoa Kỳ về đạo luật (Patient Protection and Affordable Care Act-Obamacare).[2],[3]
Minh họa Thuốc generic làm giảm đáng kể giá thuốc khi xuất hiện trên thị trường
Thuốc generic bán trên thị trường ở mức giá thấp hơn nhiều so với thuốc biệt dược gốc. Thuốc generic thay thế biệt dược gốc làm cho giá thuốc liên tục giảm trong những năm tiếp theo. Thuốc generic đã và sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh, nhà chi trả và hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung. Tại thị trường Hoa Kỳ khảo sát cho thấy như sau:
Trong giai đoạn 2002 tới 2014 thuốc generic vào thị trường đã làm giảm 51 % giá trong năm đầu tiên và 57 % năm thứ hai sau khi các thuốc biệt dược gốc tương ứng hết hạn bằng sáng chế. Trong vòng năm năm, giá các loại thuốc uống thông thường giảm xuống 80 % so với giá thuốc biệt dược gốc trước khi hết hạn patent.
Trong 10 năm (2000-2010) các loại thuốc generic dùng đường uống cùng loại đã giảm giá nhanh hơn và sâu hơn. Các loại thuốc uống generic vào thị trường trong hai năm 2011-2013 đã giảm giá 74 % so với giá thuốc biệt dược gốc đã hết hạn trong vòng 8 tháng kể từ khi xuất hiện, so với mức giảm giá chỉ còn 36 % từ năm 2002 đến năm 2004. Giá thấp hơn 90 % trong vòng 30 tháng đối với thuốc uống trong nhóm thuốc hết hạn gần nhất. Khoản tiết kiệm trong tháng đầu tiên có thuốc generic cũng tăng lên tới mức 46 % thấp hơn trong tháng đầu tiên so với chỉ giảm 36 % đối với các loại thuốc uống đã xuất hiện trên thị trường.
Nguồn: <http://bit.ly/2z6JQg2> truy cập 18/08/2018
Những vấn đề liên quan tới marketing thuốc generic
Trong marketing hiện đại người ta hay nhắc tới khái niệm marketing mix hay marketing 4P hoặc marketing hỗn hợp. Trụ cột của marketing 4P gồm các chiến lược: sản phẩm (Product), giá (Price), phân phối (Place) và truyền thông tích hợp (Promotion). Áp dụng các chiến lược, các khái niệm nghiên cứu thị trường, phân đoạn thị trường... trong thị trường dược phẩm thường được giới kinh doanh thuốc gọi là marketing dược phẩm. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả muốn đề cập đến chiến lược sản phẩm cho thuốc generic. Có thể nói thuốc generic là sản phẩm bắt chước (không theo nghĩa xấu) nhưng chiến lược bắt chước sản phẩm theo kiểu nhái thường bị lên án.
Chiến lược bắt chước sản phẩm kiểu hàng nhái hay gặp ở các thị trường dược phẩm mới nổi hoặc ở các nước đang phát triển như Ấn độ, Pakistan, Trung Quốc... Chiến lược này thậm chí còn được một số nhà nước khuyến khích như yêu cầu các công ty đa quốc gia sau khi đầu tư làm ăn một vài năm bị “sập bẫy rào cản rút lui” phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp sở tại. Có thể nói đây là một chiến lược cạnh tranh không lành mạnh làm thiệt hại các hãng dược phẩm lớn đã đầu tư rất nhiều trong quá trình nghiên cứu phát triển. Tìm ra thuốc mới là một quá trình nghiên cứu kéo dài, tỷ lệ thành công thấp, yêu cầu vốn đầu tư cao và thị trường không chắc chắn. Quá trình này qua các giai đoạn: sàng lọc hoạt chất, đăng ký bảo hộ phát minh sáng chế, nghiên cứu tiền lâm sàng: độc tính, dược động học, dược lực học trên động vật thí nghiệm, nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng đặc biệt tốn kém rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp: Chi phí trên dưới 1 tỷ USD cho một nghiên cứu tỷ lệ thành công chỉ 5 %, đăng ký lưu hành thuốc... thông thường mất từ 5 tới10 năm. Hành động này làm cho thị trường bị xáo trộn và cạnh tranh diễn ra khốc liệt, bất bình đẳng.
Các hãng dược phẩm đa quốc gia thường phải chi tiêu những khoản đầu tư rất lớn có tỷ lệ thành công không chắc chắn để đưa sản phẩm ra lưu hành, chưa kể đến chi phí nghiên cứu triển khai sản phẩm (nghiên cứu thị trường; nghiên cứu các chiến lược marketing: giá, phân phối, truyền thông tích hợp: quảng bá sản phẩm; nghiên cứu sản xuất thử; thử nghiệm trong điều kiện thị trường). Các công ty dược phẩm nhỏ ở các thị trường mới nổi hoặc đang phát triển sử dụng chiến lược bắt chước hay nhái hàng khi áp dụng chiêu thức này thường tung ra sản phẩm có cùng hoạt chất, cùng mẫu mã, tên gọi na ná sản phẩm chính hãng, bán với giá rẻ hơn, dùng lợi ích vật chất để lôi kéo bác sỹ điều trị và nhà thuốc (hoa hồng và khuyến mãi cao). Để hỗ trợ cho chiến lược hàng nhái các doanh nghiệp này còn áp dụng chiến lược định giá “xâm nhập” (penetration pricing strategy) giúp sản phẩm nhanh chóng xâm nhập thị trường, giành giật thị phần hay chiến lược giá “ăn theo”. Hậu quả là các hãng dược phẩm lớn bị thiệt hại và tạo ra một thị trường cạnh tranh méo mó, giảm sút lòng tin của nhà đầu tư quốc tế cũng như các doanh nghiệp muốn làm ăn đúng đắn cạnh tranh lành mạnh.
Sản xuất các thuốc generic sau khi hết hạn phát minh sáng chế cũng thuộc chiến lược bắt chước sản phẩm tuy nhiên quá trình đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc generic phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt chặt chẽ trong đó không thể thiếu thủ tục thẩm định kết quả thử nghiệm sinh khả dụng và tương đương sinh học.[4]
Ngoài ra còn tồn tại hình thức tự bắt chước. Các công ty muốn kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế họ cũng có thể tạo ra sản phẩm bắt chước chính mình như tạo ra các dạng thuốc phóng thích biến đổi. Tuy nhiên lúc này cơ quan quản lý thuốc yêu cầu sản phẩm mới này phải có hiệu quả điều trị vượt trội và có bí quyết công nghệ thực sự để dạng thuốc mới được chấp nhận.
Chiến lược bắt chước cũng có thể áp dụng để duy trì lâu hơn thời gian bảo hộ sáng chế có chủ đích ngay từ đầu. Khi tin chắc về vị trí của sản phẩm trên thị trường. Một số công ty có thể không nghiên cứu sâu về sinh khả dụng và chỉ đăng ký các thuốc có sinh khả dụng hạn chế. Khi sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường họ quay lại các nghiên cứu này để có cơ sở cải tiến hiệu quả điều trị theo hướng có sinh khả dụng hoặc các tác dụng điều trị vượt trội hơn (thuốc đổi mới công nghệ-thuốc sáng tạo: phóng thích biến đổi; hướng đích; áp dụng công nghệ thông tin...) để kéo dài thời hạn bảo hộ. Như vậy một lần nữa cho thấy có sản phẩm do chính hãng tự bắt chước.
Dẫn nguồn:
[1] <http://bit.ly/2VgJLzt> truy cập 18/02/2018
[2] <https://tinyurl.com/ybzc4jxj> truy cập ngày 19/02/2019
[3] Trần Minh Đạo, Vũ Trí Dũng, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Quang Việt, MARKETING DƯỢC PHẨM, Nhà xuất bản Giáo dục 2018
DS. Hải Đăng (dịch và biên soạn)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Thuốc biệt dược - 16/08/2024
TP.HCM gặp vướng trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Thuốc biệt dược - 22/07/2024
Bổ sung 15 chất mới vào danh mục chất ma túy
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Thuốc biệt dược - 17/07/2024
Triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành
Thuốc biệt dược - 20/06/2024
Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để đồng bộ các quy định hiện hành