Áp lực 'về đích' đè nặng vaccine Trung Quốc
Các nhà phát triển vaccine Covid-19 Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực trong cuộc đua "về đích".
Hôm 23/11, hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford cho biết vaccine Covid-19 của họ có hiệu quả 62-90%. Trước đó, vaccine Pfizer đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn ba với hiệu quả 95%, vaccine Moderna 94,5%, vaccine Sputnik 95%. Pfizer đã nộp đơn lên cơ quan quản lý Mỹ xin phê duyệt khẩn cấp và sẽ tung ra thị trường hàng chục triệu mũi tiêm vào cuối năm.
Các vaccine Covid-19 của Trung Quốc bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối từ tháng 7, cùng khoảng thời gian với ứng viên Pfizer và Moderna. Chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng nguyên nhân khiến Trung Quốc phải đợi kết quả lâu hơn đến từ việc tìm kiếm người tình nguyện tham gia ở điểm nghiên cứu như các nước Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Brazil. Dịch Covid-19 tại các nước này không lây lan nhanh và mạnh so với Mỹ - quốc gia thực hiện thử nghiệm vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna.
Các nhà nghiên cứu cần đợi đủ số ca nhiễm nhất định trước khi tính toán hiệu quả, so sánh nhóm nhận vaccine và giả dược.
Peter Maybarduk, giám đốc nhóm phi lợi nhuận Public Citizen ở Washington, cho rằng: "Trung Quốc tuyên bố phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu nhưng chúng ta cần biết chi tiết về nó".
Nhà chức trách Trung Quốc đã không chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối. Gần một triệu người Trung Quốc đã được tiêm chủng do công ty Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước thực hiện mà không có bằng chứng chắc chắn về hiệu quả của vaccine, khiến các chuyên gia y tế cộng đồng quốc tế lo ngại.
Tháng 9, UAE tiêm vaccine Covid-19 của Trung Quốc cho các nhân viên y tế.
Ít nhất một chính phủ đang tạm dừng việc phê duyệt vaccine Trung Quốc vì thiếu bằng chứng lâm sàng. Penny Lukito, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM), nói với các nhà lập pháp trong một phiên họp vào tuần trước rằng đơn vị này sẽ trì hoãn việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Sinovac Biotech cho đến cuối tháng 1/2021. Đây là thời điểm kỳ vọng sẽ có kết quả tạm thời từ các thử nghiệm đang diễn ra trong nước.
Chính phủ Indonesia đang xem xét cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19 của Trung Quốc. Tháng trước, quốc gia có kế hoạch mua hơn 100 triệu liều vaccine của hãng Sinovac, cùng với hàng chục triệu liều từ hai loại vaccine Trung Quốc khác cũng chưa công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối. Người phát ngôn của hãng Sinovac cho biết đã cung cấp 120.000 liều vaccine Covid-19 cho Indonesia.
Thử nghiệm giai đoạn cuối của Sinovac đang tiến hành ở Brazil. Hiện 74 người tình nguyện xác nhận nhiễm Covid-19, con số đủ để phân tích tạm thời. Các nhà nghiên cứu sẽ sớm thông báo kết quả vào tháng 12. Người phát ngôn của Sinovac cho biết thời điểm công bố còn phụ thuộc vào đội nghiên cứu ở Brazil và quy trình khoa học.
Bà Lukito cho biết cơ quan BPOM không thể biết dữ liệu nghiên cứu của Brazil. Thử nghiệm vaccine Covid-19 của hãng Sinovac diễn ra ở Indonesia hồi tháng 8, sau Brazil, dự kiến kết quả tạm thời sẽ có vào tháng 1 năm sau.
Các nhà phát triển vaccine Trung Quốc phải đến các nước khác để thực hiện thử nghiệm bởi dịch Covid-19 hầu như đã được Trung Quốc kiểm soát.
Pierre A.Morgon, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh quốc tế của CanSino Biologic, công ty đang hợp tác cùng quân đội Trung Quốc phát triển vaccine cho biết, AstraZeneca và Pfizer có lợi thế hơn bởi có đội ngũ nghiên cứu kinh nghiệm và có kết nối với cơ quan quản lý nước ngoài. CanSino dự kiến có kết quả tạm thời vào đầu năm sau.
Hồi đầu tháng 5, Chủ tịch nước Tập Cận Bình kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch trên thế giới. Một vài chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng việc thiếu dữ liệu có thể ngăn cản tham vọng trở thành nhà cung cấp vaccine cho thế giới.
J. Stephen Morrison, chuyên gia chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Chiến dịch và Nghiên cứu Quốc tế cho biết: "Nếu Trung Quốc muốn dùng vaccine như một công cụ ngoại giao nhắm đến các nước thu nhập thấp thì họ vẫn phải tiếp tục nỗ lực thực hiện nghiên cứu có trách nhiệm theo tiêu chuẩn, cung cấp dữ liệu minh bạch".
Cơ hội cho Trung Quốc
Chương trình phân phối vaccine toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế Giới và các tổ chức quốc tế khác thành lập có thể sẽ không cung cấp nhanh nguồn vaccine cho các nước đang phát triển, và phải chờ cho đến cuối năm sau. Các quốc gia này không thể cạnh tranh cơ hội có được vaccine Covid-19 so với Mỹ và các nước đã phát triển, và đây chính là cơ hội cho Trung Quốc.
Một lợi thế tiềm năng khác đó là nhiệt độ bảo quản vaccine Covid-19. Các ứng viên hàng đầu của Trung Quốc có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thường, trong khi hai vaccine của Pfizer và Moderna cần nhiệt độ âm sâu.
Người đứng đầu PT Bio Farma, nhà sản xuất vaccine của nhà nước Indonesia cho biết việc bảo quản vaccine ở nhiệt độ thấp rất khó khăn khi phân phối. Honesti Basyir, Giám đốc điều hành của Bio Farma, nói rằng: "Chúng tôi sẽ phải sắm hệ thống bảo quản để kiểm soát rủi ro, nếu sử dụng vaccine của Pfizer và Moderna".
Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học người Indonesia tại Đại học Griffith ở Australia, cho rằng ngay cả khi Sinovac mất nhiều thời gian để có được kết quả thử nghiệm, Indonesia vẫn là thị trường tiềm năng, bởi vaccine của Sinovac rẻ và không cần bảo quản ở nhiệt độ khắc nghiệt.
Budiman nói: "Trong thời gian chờ đợi, thách thức lớn nhất lúc này là đối phó với đại dịch".
Nguyễn Ngọc (Theo WSJ)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo