Dòng phụ của Omicron có thể gây bệnh nặng hơn Delta
Nghiên cứu do ĐH Tokyo, Nhật Bản thực hiện, chưa được giới chuyên gia độc lập đánh giá, đăng tải trên bioRxiv, ngày 16/2.
Theo nhóm nghiên cứu, giống với Omicron, BA.2 có khả năng trốn tránh miễn dịch do vaccine tạo ra. Tuy nhiên, tiêm liều tăng cường có thể phục hồi lượng kháng thể, làm giảm 74% nguy cơ chuyển nặng sau nhiễm BA.2.
Ngoài ra, BA.2 cũng kháng một số phương pháp điều trị, bao gồm thuốc sotrovimab, kháng thể đơn dòng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu mới cho thấy BA.2 có thể tự sao chép trong tế bào nhanh hơn BA.1. Nó cũng liên kết tế bào hiệu quả hơn. Điều này cho phép virus tạo ra các khối tế bào lớn (được gọi là hợp bào) hơn BA.1. Các khối hợp bào sau này trở thành "nhà máy" sản xuất các bản sao virus. Đây vốn là điểm đặc trưng của Delta. Các chuyên gia cho rằng đó là lý do vì sao virus tàn phá phổi mạnh mẽ đến vậy.
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã cho chuột đồng nhiễm hai dòng virus, những con nhiễm BA.2 có triệu chứng nặng hơn, chức năng phổi kém hơn. Trong các mẫu mô, phổi của chuột lang nhiễm BA.2 bị tổn thương nhiều hơn so với nhóm nhiễm BA.1.
Tương tự chủng Omicron gốc, BA.2 có khả năng vượt hàng rào kháng thể trong máu người đã tiêm vaccine. Nó cũng chống lại miễn dịch từ người nhiễm biến chủng trước đó là Delta và Alpha. BA.2 gần như kháng hoàn toàn một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Theo Kei Sato, chuyên gia tại Đại học Tokyo, nghiên cứu mới cho thấy BA.2 nên được giám sát chặt chẽ hơn, thay vì coi là một nhánh của Omicron.
"Như bạn đã biết, BA.2 được gọi là ‘Omicron tàng hình'", ông nói. Đó là bởi nó không hiển thị trong các xét nghiệm PCR nhắm đến thay đổi gene S giống với Omicron. Do đó, các phòng thí nghiệm phải thực hiện thêm bước giải trình tự gene virus để phát hiện biến chủng này.
"Điều đầu tiên các quốc gia cần làm là thiết lập phương pháp để xác định BA.2", ông cho hay.
Tiến sĩ Daniel Rhoads, trưởng bộ phận vi sinh tại Phòng khám Cleveland ở Ohio, người không tham gia nghiên cứu, nói từ quan điểm cá nhân, ông nhận thấy BA.2 có thể nguy hiểm hơn BA.1 (phiên bản gốc của Omicron) vì lây truyền tốt hơn, gây bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra một điểm sáng: Các kháng thể trong máu của những người gần đây nhiễm Omicron dường như chống lại được BA.2, đặc biệt nếu họ đã tiêm chủng. Đây là điểm quan trọng, có nghĩa BA.2 dễ lây lan hơn phiên bản Omicron gốc, song không thể tạo ra làn sóng dịch bệnh tàn khốc hơn.
"Khi đánh giá các biến chủng mới nguy hiểm, chúng ta cần hiểu rằng bao giờ vấn đề cũng có hai mặt. Hệ miễn dịch của chúng ta cải thiện theo thời gian và đẩy lùi các biến chủng mới", Deborah Fuller, chuyên gia virus Y khoa Washington, giải thích.
Bà Fuller khuyến cáo biện pháp cần thiết lúc này, ngoài tiêm vaccine Covid-19, vẫn là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang theo dõi chặt chẽ BA.2. Giám đốc CDC, tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết: "Không có bằng chứng cho thấy BA.2 nghiêm trọng hơn BA.1. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi dữ liệu về độc lực của nó trên thực tế. Các nghiên cứu thế này chủ yếu thực hiện trong phòng thí nghiệm".
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BA.2 có khả năng lây lan cao hơn khoảng 30% so với Omicron. Nó đã xuất hiện ở 74 quốc gia và 47 bang của Mỹ. CDC ước tính khoảng 4% dân số nước này nhiễm BA.2. Dòng phụ này đã thống trị ở ít nhất 10 quốc gia khác bao gồm Bangladesh, Brunei, Trung Quốc, Đan Mạch, Guam, Ấn Độ, Montenegro, Nepal, Pakistan và Philippines.
Tuy nhiên, dữ liệu thực tế về mức độ nghiêm trọng của BA.2 có sự khác biệt. Tỷ lệ nhập viện tiếp tục giảm ở các nước nơi biến chủng chiếm ưu thế như Nam Phi hay Anh. Song tại Đan Mạch, BA.2 thành nguyên nhân hàng đầu đẩy cao số ca nhiễm, nhập viện và tử vong.
Thục Linh (Theo CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo