Bé gái biến chứng tiểu đường sau uống nhiều nước ngọt
Sau kỳ nghỉ Tết, bé liên tục than mệt, khát nước, tiểu nhiều và càng uống nhiều nước ngọt không kiểm soát mỗi khi mệt. Đỉnh điểm, ngày trở nặng bé uống hết cả một thùng nước ngọt trà xanh, 5 bịch cà phê gói pha, hơn hai trái dừa tươi.
Chiều 14/2, bé nằm vật vã rồi lơ mơ, gia đình đưa vào bệnh viện địa phương xét nghiệm phát hiện toan ceton trong máu rất nhiều. Đây là một biến chứng cấp tính, nghiêm trọng của đái tháo đường do đường huyết tăng cao quá mức, có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đường huyết ghi nhận lúc này hơn 1.500 mg/dl (bình thường khoảng 80-120), mức có thể gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lúc nửa đêm trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô héo và tái nhợt.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi được cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, thuốc insulin tiêm đặc trị đái tháo đường... Bé gái hồi tỉnh sau hai ngày mê man, đang được bác sĩ thiết lập chế độ ăn mới với khẩu phần ăn nhạt, đơn giản, khoa học hơn để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Một số nghiên cứu trên thế giới ghi nhận lượng xâm nhập vào máu khiến tuyến tụy tiết ra nhiều insulin, theo thời gian gây tiểu đường và rối loạn chức năng các cơ quan cơ thể.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, những ngày Tết trẻ em thường được ăn uống thỏa thích, trong đó có nhiều thực phẩm chứa hàm lượng đường rất cao. Một số trẻ có nguy cơ không dung nạp đường, dễ phát sinh bệnh tiểu đường.
Trẻ thường biểu hiện ban đầu với triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hay nôn ói, đau bụng, sau đó thở mệt, rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê... dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác, dẫn đến tử vong nếu không chẩn đoán, xử trí kịp.
Bệnh đái tháo đường ở trẻ em là một bệnh mạn tính do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ chất đường dẫn đến hậu quả nồng độ đường trong máu (glucose) vào buổi sáng chưa ăn, cao hơn mức bình thường từ 126 mg/dl trở lên. Nguyên nhân cơ bản của sự rối loạn này là thiếu chất insulin sản xuất bởi tuyến tụy (tiểu đường type một) hoặc khiếm khuyết tác động của insulin (tiểu đường type hai). Insulin giúp cho cơ thể chuyển hóa, sử dụng chất glucose cung cấp bởi thức ăn giàu đường bột.
Bệnh không lây cho người xung quanh nhưng có tính di truyền trong gia đình. Trong nhóm trẻ mắc bệnh, tần suất bệnh cao nhất ở hai nhóm tuổi, gồm nhóm 5-7 tuổi, tương ứng với thời điểm tăng tiếp xúc với các tác nhân nhiễm trùng khi bắt đầu đi học và nhóm tuổi dậy thì, tương ứng với lúc tăng tiết hormone sinh dục, hormone tăng trưởng và các stress ở lứa tuổi này. Nam, nữ có thể mắc bệnh như nhau.
Biến chứng cấp tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ là hôn mê nhiễm toan ceton. Do không sử dụng được đường, nên cơ thể lấy năng lượng cho hoạt động từ nguồn mỡ dự trữ đưa đến, tạo nhiều thể ceton trong máu thông qua quá trình chuyển hoá acid béo, đưa đến nhiễm toan máu nặng. Trẻ biểu hiện rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê, thở nhanh sâu, mất nước có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Biến chứng lâu dài của bệnh thường là tổn thương mạch máu ở võng mạc (giảm thị lực, hoa mắt, có thể đưa đến mù lòa), thận (gây tiểu đạm, có thể suy thận), chân (gây chân lạnh, tím đỏ, loét), tổn thương thần kinh (tê rần, rát bỏng, đau nhức chân).
Theo bác sĩ Tiến, triệu chứng đặc trưng là ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thường gọi là triệu chứng "bốn nhiều". Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng hiện nay, ít gặp trẻ tiểu đường biểu hiện cả 4 triệu chứng mà chỉ gặp hai, ba triệu chứng. Trẻ thường ăn kém, sụt cân, mệt mỏi, suy kiệt, nôn ói, đau bụng, mất nước, rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê) hoặc biểu hiện qua suy giảm sức đề kháng cơ thể như bị nhọt da, viêm ngứa bộ phận sinh dục, viêm quanh nướu răng hay biểu hiện thần kinh như tê rần như kiến bò ở chân, giảm thị lực, hoa mắt. Khi có các triệu chứng gợi ý trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám tầm soát bệnh tiểu đường.
Điều trị bệnh tiểu đường nhằm đưa mức đường huyết về gần mức bình thường, đồng thời hạn chế biến chứng. Bệnh nhân cần theo dõi lượng đường huyết thường xuyên theo y lệnh của bác sĩ, thường thử đường huyết nhanh bằng que, thử định kỳ HbA1c để biết đường huyết đã được kiểm soát tốt chưa. Dùng thuốc đúng liều, đúng cách theo y lệnh bác sĩ. Tuân thủ chế độ ăn, cách chăm sóc ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng theo hướng dẫn bác sĩ.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ