Kháng thể chống virus ở người nhiễm Covid-19 biến mất sau vài tháng
Một số nghiên cứu mới đây cho thấy những bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh mất khả năng miễn dịch với virus nCoV chỉ trong vòng vài tháng.
Thông tin này “dội gáo nước lạnh” vào sự lạc quan của các nhà sản xuất vắc xin đang tích cực đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin đại trà để sản sinh kháng thể chống lại virus nCoV.
Theo khảo sát trên 90 bệnh nhân Covid-19 của Đại học King London (Anh), lượng kháng thể của bệnh nhân đạt mức cao nhất sau 3 tuần có triệu chứng rồi giảm nhanh chóng.
Chỉ có gần 17% số người bệnh tăng lượng kháng thể sau 3 tháng. Ở Tây Ban Nha cũng ghi nhận được những tỷ lệ tương tự.
“Bệnh nhân không triệu chứng có lượng kháng thể thấp và người bệnh nhẹ có lượng kháng thể không tồn tại lâu”, bác sĩ Tetsuo Nakayama, Viện Khoa học Cuộc sống Kitasato (Nhật), cho hay.
Theo Giáo sư Barry Bloom, Đại học Y tế Công cộng Harvard (Mỹ), dữ liệu từ nhiều quốc gia cho thấy, kháng thể chống nCoV ở bệnh nhân có xu hướng giảm nhanh hơn kháng thể các loại virus khác. “Chúng chỉ tồn tại vài tháng trong khi các loại khác kéo dài lâu hơn”.
Vị giáo sư này nói, một số bệnh nhân SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng) vẫn còn kháng thể sau khi nhiễm bệnh 18 năm.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn không biết chắc lượng kháng thể bao nhiêu là đủ để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, một lượng kháng thể dù nhỏ cũng cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, tình hình dường như không quá bi quan nhờ hệ thống miễn dịch mạnh mẽ của con người. Trong máu tồn tại tế bào T giúp cơ thể chống lại sự viêm nhiễm cùng với sự trợ giúp của tế bào B sản sinh kháng thể dựa trên ghi nhớ về các viêm nhiễm trước đây.
Vẫn còn nhiều câu hỏi về hiệu quả của các loại vắc xin chống lại virus nCoV. Dù vậy, theo một nhóm các nhà khoa học ở Đại học Oxford (Anh), vắc xin của Anh đã kích thích tế bào T hoạt động sau khi tiêm 14 ngày còn kháng thể phản ứng sau 28 ngày.
“Chúng tôi nhận thấy phản ứng miễn dịch cao nhất ở 10 người tham gia tiêm 2 liều vắc xin. Điều đó là một tín hiệu mừng cho việc nghiên cứu vắc xin”, Giáo sư Andrew Pollard, Đại học Oxford, nói.
Vắc xin được kỳ vọng sẽ mở đường cho nền kinh tế thế giới phục hồi. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng không dễ dàng để có loại vắc xin hiệu quả và an toàn. Ngoài ra, cần có thêm các nghiên cứu dài hạn để biết người được tiêm ngừa có thể chống lại Covid-19 trong bao lâu.
“Mọi người kỳ vọng đại dịch sẽ được kiểm soát vào mùa hè 2021 tuy nhiên, không có gì chắc chắn cho điều này cả”, Giáo sư Pollard chia sẻ.
Một tia hy vọng lớn là Nga thông qua loại vắc xin đầu tiên chống nCoV, thúc đẩy quá trình phát triển vắc xin trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít nghi ngại về độ an toàn của loại vắc xin này khi quá trình thử nghiệm quá gấp rút.
An Yên (Theo Japan Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo