Những nguy cơ nhiễm độc tố botulinum

NDO - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cho tới nay chúng ta mới chú ý tới trường hợp nhiễm độc tố botulinum do ngộ độc thực phẩm, tuy nhiên tổng cộng có 4 trường hợp nhiễm phải độc tố botulinum mà chúng ta đều cần phải chú ý.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Nhiễm độc tố botulinum từ thực phẩm:

Do con người ăn uống phải các thực phẩm có chứa sẵn trong thực phẩm. Độc tố vào đường tiêu hóa sẽ được hấp thu vào cơ thể gây ngộ độc.

Các loại thực phẩm nguy cơ là các thực phẩm với nguyên liệu ban đầu không được rửa sạch, tẩy sạch và đặc biệt không khử bào tử vi khuẩn, hoặc bị lẫn thêm bào tử trong các khâu trung gian (bụi, dính bẩn), đồng thời được để trong điều kiện thiếu không khí (tất cả các dạng bao gói, đóng kín, gói kín hoặc các phần thực phẩm ở vị trí sâu kín của một khối thực phẩm lớn), kéo dài nhiều ngày và không có các điều kiện ngăn vi khuẩn phát triển (thí dụ pH không đạt dưới 4,5, độ mặn với hàm lượng muối ăn không đạt trên 5%).

Bào tử vi khuẩn trong các điều kiện trên sẽ chuyển thành vi khuẩn dạng hoạt động, sinh sôi và tiết ra độc tố gây ngộ độc.

Biểu hiện nhiễm độc thường sau ăn 18-36 giờ (từ 4 giờ đến 8 ngày, một số trường hợp 14 ngày).

Đây là các trường hợp dễ phát hiện nhất do thường có nhiều người cùng ăn và cùng bị, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm được bán cho nhiều người hoặc ở các bữa ăn chung với nhiều người ăn (các bữa tiệc, các đám, lễ hội) hoặc ở một khu vực có tập quán, thói quen là nguyên nhân gây ngộ độc.

Nhiễm độc tố botulinum từ chính đường tiêu hóa của mình

Những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm độc trong trường hợp này:

- Người có tình trạng tiết a-xít dịch vị rất yếu hoặc mất (có phẫu thuật cắt dạ dày, trẻ em dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt những tháng đầu, một số trường hợp bệnh dạ dày).

- Người suy giảm miễn dịch của cơ thể (thường trẻ nhỏ)

- Người có hệ thống vi khuẩn có lợi ở ruột chưa đầy đủ hoặc suy giảm (trẻ tuổi dưới 12 tháng tuổi, người bị loạn khuẩn ruột do dùng nhiều kháng sinh, tiền sử phẫu thuật ruột) hoặc dịch mật không đủ (phẫu thuật hoặc bệnh lý về mật). Các vi khuẩn có lợi ở ruột có tác dụng cạnh tranh, ngăn cản các bào tử trên chuyển thành dạng vi khuẩn hoạt động phát triển.

Bào tử các vi khuẩn Clostridium nêu trên vào đường tiêu hóa trong các điều kiện thuận lợi này sẽ dễ chuyển thành vi khuẩn hoạt động, phát triển và tiết là độc tố.

Với nhóm nguyên nhân này, gặp phổ biến nhất là các trẻ dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt khi các cháu được ăn uống thêm với các đồ ăn thức uống từ ngoài bị lẫn các bào tử vi khuẩn (do bụi, do dính bẩn chứa bào tử vi khuẩn, thường hay gặp trong môi trường bụi, sửa nhà, xây dựng,…), thói quen cho các cháu độ tuổi này nếm mật ong, nước cam thảo,….

Biểu hiện bệnh của các cháu là táo bón kết hợp với bỏ bú, khóc yếu, ăn uống kém, sức cơ yếu, sau đó các biểu hiện suy hô hấp hoặc ngừng thở, rất dễ nhầm nhiều bệnh khác gây suy hô hấp hoặc ngừng thở.

Việc chẩn đoán phát hiện dạng ngộ độc này rất khó khăn do bệnh nhân là các trẻ còn nhỏ, hoàn cảnh khác thường.

"Ngay sau vụ pate Minh Chay, ở Việt Nam đã phát hiện được một ca nhiễm độc tố botulinum đầu tiên ở trẻ tuổi sữa mẹ. Chắc chắn còn các trẻ khác chưa được phát hiện", bác sĩ Nguyên cho hay.

Nhiễm độc tố botulinum từ vết thương

Khi cơ thể có vết thương, do tai nạn, chấn thương, do tiêm chích trong điều kiện không bảo đảm an toàn (tiêm chích ma túy, xăm, các kỹ thuật thẩm mỹ trong điều kiện “chui” như lăn kim, tiêm, bơm, chọc, rạch da,…).

Đặc biệt khi không bảo đảm rửa sạch và sát trùng tốt vết thương, không bảo đảm đúng kỹ thuật vô trùng và có một số bào tử từ bên ngoài xâm nhập, không chữa nhiễm trùng vết thương tốt. Bào tử ở vết thương sẽ chuyển thành vi khuẩn hoạt động, phát triển, và tiết ra độc tố ngấm vào máu gây nhiễm độc.

Nhiễm độc botulinum dạng này có thể xảy ra khi vết thương trông khá nhẹ, nhiễm trùng nhẹ, không sốt và biểu hiện liệt sau khi có vết thương nhiều ngày.

"Chắc chắn ở Việt Nam đã, đang và sẽ có các bệnh nhân nhiễm độc botulinum từ vết thương, có điều chưa được phát hiện. Nhiều người có thể đã bị nhầm lẫn là do tai biến mạch não, chấn thương sọ não, tổn thương não do thiếu ô-xy,…được xin về nhà để tử vong", bác sĩ Nguyên cho hay.

Bác sỹ Nguyên nhấn mạnh, thực tế uốn ván và nhiễm độc tố botulinum từ vết thương đều do các vi khuẩn cùng họ hàng và cách thức gây bệnh giống nhau. Vậy, có thể ước tính thô, có bao nhiêu ca bệnh uốn ván được phát hiện thì có khoảng ít nhất chừng ấy số ca nhiễm độc tố botulinum từ vết thương.

Nhiễm độc botulinum do quá liều thuốc chữa bệnh

Do tác dụng gây liệt cơ kéo dài, độc tố botulinum được dùng làm thuốc trong lĩnh vực thẩm mỹ (như tiêm vào vùng mặt để làm bớt các nếp nhăn), hoặc chữa co cứng cơ (trong lĩnh vực phục hồi chức năng để tiêm vào các nhóm cơ co cứng quá mức do di chứng tổn thương não).

Đặc biệt trong lĩnh vực thẩm mỹ chưa được kiểm soát tốt, nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui” vì lợi nhuận đã tùy tiện sử dụng không an toàn.

Biểu hiện nhiễm độc ở các bệnh nhân nhóm này là liệt quá mức các cơ được tiêm hoặc các cơ không cần tiêm cũng bị liệt (ví dụ liệt mặt rõ gây méo lệch, xệ hoặc lan sang các cơ vùng cổ, họng).

Thực tế, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã gặp một số bệnh nhân bị liệt cơ sau khi tự đi làm thẩm mỹ ở các cơ sở không được cấp phép.

Nhiễm độc tố botulinum qua đường hô hấp

Chủ yếu do các vũ khí sinh học (thường do khủng bố, chiến tranh).

"Nhiễm độc botulinum là các trường hợp rất khó chẩn đoán, phát hiện, trong điều kiện ở Việt Nam, với sự phát triển của ngành y khi được quan tâm và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, các bác sĩ chắc chắn sẽ phát hiện thêm, phát hiện sớm các ca nhiễm độc tố botulinum và ngày càng hoàn thiện. Thực tế này cũng sẽ đúng với rất nhiều căn bệnh khác", bác sĩ Nguyên cho hay.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Y học thường thức - 06/08/2024

Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Y học thường thức - 16/07/2024

Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Y học thường thức - 03/07/2024

Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Y học thường thức - 28/05/2024

Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Y học thường thức - 02/05/2024

Chớ chủ quan với bệnh giời leo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới