Vaccine Covid-19 của Pfizer được nghiên cứu như thế nào?
Trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV tại Mỹ và châu Âu tăng mạnh, hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) ngày 9/11 công bố kết quả sơ bộ vaccine BNT162b2 hiệu quả bảo vệ lên tới 90%, được đánh giá là bước đột phá trong cuộc chạy đua tìm phương pháp đẩy lùi đại dịch. Tin tức này tạo niềm hy vọng cho cả thế giới.
Tuy nhiên, các dữ liệu lúc này chỉ là sơ bộ, còn nhiều điều chưa chắc chắn về cách hoạt động của vaccine BNT162b2. Giới khoa học cũng nhấn mạnh vaccine không phải "liều thuốc tiên" giải cứu thế giới trong vài tháng tới. Covid-19 sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng nhiều người nếu công chúng không chủ động thực hiện những biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt.
Vaccine được nghiên cứu thế nào?
BNT162b2 được điều chế dựa trên phân tử di truyền RNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Tháng 7, Pfizer và BioNTech bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine BNT162b2 giai đoạn cuối. Một nửa trong số tình nguyện viên được tiêm vaccine, còn lại dùng giả dược là nước muối. Sau đó, họ trở về sinh sống trong cộng đồng nơi dịch bệnh đang lây lan. Các nhà khoa học tính toán số lượng người mắc bệnh để xác định liệu vaccine có hiệu quả hay không.
Đến nay, ghi nhận 94 trong số gần 44.000 tình nguyện viên đã mắc Covid-19, thuộc hai nhóm tiêm vaccine và dùng giả dược. Hội đồng chuyên gia độc lập tiến hành xem xét có bao nhiêu người trong số đó tiêm vaccine, bao nhiêu người dùng giả dược. Phân tích ban đầu cho thấy BNT162b2 có tác dụng 90%.
Thử nghiệm được thực hiện theo phương pháp "mù đôi", có nghĩa các tình nguyện viên và cả nhân viên y tế đều không biết mình đã tiêm, phát vaccine hay giả dược. Đây là tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu khoa học.
Kết quả Pfizer và BioNTech công bố vượt xa kỳ vọng của công chúng và cả ngưỡng an toàn 50% mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đặt ra đối với một vaccine mới. Nếu dữ liệu sơ bộ phản ánh chính xác tác dụng sản phẩm, mức độ bảo vệ của nó đối với mầm bệnh còn cao hơn. Thông thường, vaccine cúm hiệu quả khoảng 40-60%, bởi virus tiếp tục biến chủng theo từng năm. Hai liều vaccine sởi mang lại hiệu quả phòng bệnh khoảng 97%.
Vaccine an toàn không?
Đến nay, Pfizer và BioNTech báo cáo vaccine BNT162b2 không gặp vấn đề về an toàn. Trước khi tiến hành nghiên cứu quy mô lớn như hiện tại, các công ty đã thực hiện các thử nghiệm lâm sàng nhỏ hơn kể từ tháng 5, nhằm phát hiện phản ứng phụ tiềm ẩn. Các nhà khoa học thử nghiệm ít nhất 4 phiên bản vaccine, chọn ra loại có tác dụng phụ nhẹ và trung bình như sốt, mệt mỏi.
Nếu vaccine được chấp thuận và phân phối, Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và FDA sẽ tiến hành giám sát, đảm bảo vaccine không gây ra bất cứ biến chứng nào về lâu dài.
Đối tượng được ưu tiên chủng ngừa
Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer cho biết hãng có khả năng sản xuất từ 30 đến 40 triệu liều vaccine trước cuối năm nay, đủ cho 15 đến 20 triệu người. Giới chức vẫn chưa quyết định nhóm ưu tiên sử dụng vaccine. Song những người nguy cơ truyền bệnh cao hoặc dễ nhiễm virus, như y bác sĩ và người già, người mắc bệnh nền béo phì, tiểu đường, có thể được chủng ngừa trước.
Pfizer và BioNTech cho biết đủ năng lực tăng sản lượng lên 1,3 tỷ liều tiêm mỗi năm. Song như vậy vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới. Nếu các loại vaccine khác được chấp thuận, công ty có thể hỗ trợ sản xuất.
Pfizer đã nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp vaccine vào tuần thứ ba của tháng 11, sau khi thu thập dữ liệu an toàn trong hai tháng. Sau đó, FDA sẽ tham khảo ý kiến của một ủy ban cố vấn độc lập, gồm có các chuyên gia, để đánh giá vaccine. Quá trình này có thể mất vài tuần. Mục tiêu là xem xét dữ liệu an toàn, độ hiệu quả và khả năng sản xuất hàng triệu liều tiêm.
Vaccine sẽ được cấp phép giới hạn trong thời gian đầu, dành cho nhóm nguy cơ cao nhiễm bệnh trước cuối năm. Song điều này chỉ khả thi nếu tất cả diễn ra đúng kế hoạch, không có vấn đề phát sinh.
Những công đoạn còn lại
Thử nghiệm vaccine sẽ tiếp tục tiến hành cho đến khi số tình nguyện viên nhiễm nCoV đạt 164. Dù kết quả sơ bộ cung cấp bằng chứng thuyết phục, các nhà khoa học chưa thể khẳng định chắc chắn về hiệu quả của sản phẩm. Các thử nghiệm lâm sàng chỉ cho phép họ đưa ra ước tính. Tác dụng của vaccine được xác nhận sau khi đã có hàng triệu người sử dụng, song các chuyên gia cho biết kết quả có thể rất khả quan.
Tuyên bố mới nhất của Pfizer chưa cho biết hiệu quả của vacicne trên người lớn tuổi. Thử nghiệm của hãng có nhóm tình nguyện viên trên 65 tuổi tham gia. Vì vậy trong thời gian tới, các nhà sản xuất sẽ cung cấp thông tin quan trọng này. Nghiên cứu ban đầu cho thấy người cao tuổi tạo miễn dịch yếu hơn với nCoV, song vẫn được bảo vệ khỏi mầm bệnh.
Ban đầu, Pfizer chỉ thử nghiệm vaccine trên người từ 18 tuổi trở lên. Vào tháng 9, họ bắt đầu đăng tuyển cả tình nguyện viên 16 tuổi.
Ý nghĩa của BNT162b2 với cuộc đua vaccine
Ngoài BNT162b2, thế giới còn 10 loại vaccine Covid-19 đang thử nghiệm giai đoạn cuối trên toàn cầu. Việc Pfizer và BioNTech thu được những kết quả đáng khích lệ khiến các chuyên gia lạc quan về toàn bộ vận mệnh của cuộc đua.
Akiko Iwasaki, giáo sư Khoa Sinh học Phân tử, Tế bào và Phát triển tại Đại học Yale, cho biết: "Nó cho chúng tôi thêm hy vọng rằng các loại vaccine khác cũng có hiệu quả".
Hãng dược Moderna cũng sử dụng công nghệ di truyền, tương tự với Pfizer và BioNTech, để điều chế vaccine. Thử nghiệm tiến hành tại Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Tin tức về độ hiệu quả của BNT162b2 cũng làm nức lòng các nhà phát triển khác. Vaccine kích thích cơ thể người tạo ra các gai protein virus. Một số sản phẩm cũng dựa trên nguyên lý này, tạo ra một đoạn protein nCoV đưa vào cơ thể, giúp hệ miễn dịch làm quen và tiêu diệt mầm bệnh.
Sự thành công nói chung của vaccine Covid-19 sẽ là lợi ích to lớn đối với sức khỏe toàn cầu, bởi Pfizer và BioNTech không thể đáp ứng đủ nhu cầu thế giới.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo