Vaccine Covid-19 Việt Nam thử nghiệm trên khỉ
Ông Vũ Công Long, Trại trưởng Trại chăn nuôi động vật thí nghiệm, thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế, ngày 30/10 cho biết 12 con khỉ vàng Macaca mulatta nuôi dưỡng ở Đảo Rều, Quảng Ninh, được tiêm thử nghiệm vaccine hôm 27/10. Các con khỉ tham gia thử nghiệm đều 3-5 tuổi, cân nặng trên 3 kg, đã trưởng thành và không mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao...
Theo ông Long, đàn khỉ được kiểm tra thân nhiệt, lấy máu, phết dịch họng và nuôi nhốt mỗi con trong một lồng trước khi tiêm vaccine. Sau tiêm, đàn khỉ tiếp tục được theo dõi sức khỏe trong ba tháng, rồi lấy mẫu máu gửi về Hà Nội làm xét nghiệm.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), cho biết đây là một bước của giai đoạn đánh giá tiền lâm sàng vaccine. Đàn khỉ được chia làm hai nhóm, gồm một nhóm tiêm vaccine và một nhóm không tiêm vaccine. Khỉ được tiêm hai liều vaccine, mỗi mũi cách nhau khoảng 18-21 ngày, quy trình thử nghiệm tương tự với trên người. Các chuyên gia sẽ đánh giá đáp ứng miễn dịch của nhóm khỉ khoảng một tháng sau mũi tiêm vaccine thứ hai.
Song song với thử nghiệm trên khỉ, Vabiotech cũng thử nghiệm trên các động vật khác để thu thập đủ dữ liệu về vaccine.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình Sản phẩm Quốc gia Vaccine sử dụng cho người, cho biết thử nghiệm vaccine Covid-19 trên khỉ là một bước trong toàn bộ quy trình nghiên cứu vaccine. Có nhiều loại động vật khác nhau để lựa chọn thử nghiệm, ví dụ chuột, thỏ. Số lượng và loại động vật do từng đơn vị nghiên cứu quyết định.
Bà Vân đánh giá: "Đây là một bước tiến của Vabiotech trong sản xuất vaccine Covid-19 Việt Nam".
Theo tiến sĩ Đạt, kết quả thử nghiệm trên khỉ sẽ được trình Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế trong 4 tháng tới nếu thử nghiệm cho thấy vaccine sinh miễn dịch tốt và có hiệu quả bảo vệ.
Việt Nam có 4 đơn vị đang tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19, gồm Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế Nha Trang (IVAC), Vabiotech, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Ployvac), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen.
Trong đó, Bộ Y tế đánh giá vaccine của IVAC và Nanogen tiềm năng nhất, đang test thử thách, dự kiến hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vào quý 4 năm 2021. Cả hai nhà nghiên cứu này dự kiến tháng 12 sẽ có kết quả test thử thách và tiền lâm sàng khác. Test thử thách là tạo ra một vaccine hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với nCoV để thử thách hiệu quả bảo vệ.
Theo quy trình, Bộ Y tế sau đó cho phép thử nghiệm lâm sàng vaccine ngay trong tháng và một năm sau hoàn thành ba giai đoạn nghiên cứu lâm sàng vaccine.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư