Bộ Y tế đặt mua vaccine Covid-19 của Nga

Theo VnExpress 07:14 15/08/2020 - Y tế 24h
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế, chiều 14/8 cho biết đã đề xuất đặt mua vaccine Covid-19 từ Nga.

Theo ông Cường, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đồng ý đề xuất này. "Bộ đang hoàn tất các văn bản để trình xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ", ông nói.

Tối 14/8, Bộ Y tế thông báo đã đăng ký mua vaccine Covid-19 của Nga và Anh, đồng thời khẳng định đang rất nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để mua và sản xuất vaccine, ví dụ Mỹ. Tuy nhiên, việc cung cấp vaccine phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian. Đây là một trong những thách thức lớn trong việc sớm đưa vaccine tiếp cận với người dân.

"Bộ Y tế sẽ nỗ lực để có được vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất", thông cáo của Bộ Y tế cho biết.

Hiện nay, hoạt động nhập khẩu vaccine và sinh phẩm miễn dịch dùng cho người, thuộc công ty có chức năng được Bộ Y tế cấp phép. Dựa trên đơn hàng, công văn đề nghị xin nhập khẩu vaccine của công ty và nhu cầu thực tế, Bộ Y tế sẽ trả lời trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 cho biết công ty ông chưa dự định đặt mua vaccine Covid-19 của Nga. Theo ông, cần hiểu loại vaccine đó như thế nào rồi mới có thể đưa ra quyết định nhập khẩu hay không.

"Quốc gia nào có vaccine thì chúng tôi đều tiếp cận. Khi nghiên cứu vaccine được công bố rộng rãi trên thế giới, kết quả tốt, chúng tôi mới tính đến các bước tiếp theo trong nhập khẩu và đăng ký lưu hành tại Việt Nam", ông Đạt nói.

Vaccine của Nga do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya, phối hợp Bộ Quốc phòng Nga phát triển, chỉ qua ba tháng thử nghiệm đã được khẳng định sinh miễn dịch cho tất cả người tham gia thử nghiệm. Theo thông báo từ giới chức Nga, những người thuộc nhóm nguy cơ, như nhân viên y tế, có thể được tiêm vaccine mới trong tháng 8, tháng 10 sẽ tiêm chủng hàng loạt.

Mẫu vaccine Covid-19 được Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya, Moskva, phát triển ngày 6/8. Ảnh: Reuters.
Mẫu vaccine Covid-19 được Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya, Moskva, phát triển ngày 6/8. Ảnh: Reuters.

Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đã phát triển thành công vaccine Covid-19, đã "hoạt động khá hiệu quả" và "tạo nên hệ miễn dịch vững vàng". Giá xuất khẩu dự kiến của mỗi liều, theo chuyên gia Nga ước tính trên báo địa phương, ít nhất 10 USD.

Vaccine Covid-19 của Nga được đặt tên là "Sputnik V". Theo tuyên bố của giới chức Nga, hơn 20 quốc gia đã đặt hàng, một tỷ liều được yêu cầu và dự kiến sản xuất tại Brazil, khu vực Mỹ Latin, vào tháng 11. Nga dự tính sẽ sản xuất 500 triệu liều mỗi năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế toàn cầu tỏ ra lo ngại về vaccine Nga. Nhiều người cảnh báo các dữ liệu của nghiên cứu chưa đầy đủ, khó lòng tin tưởng vào loại vaccine này.

Tại Việt Nam, vaccine Covid-19 cũng đang tăng tốc. Bộ Y tế cho biết đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu vaccine Covid-19 trong nước. Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) phối hợp với Trường Đại học Briston của Anh nghiên cứu sản xuất vaccine theo công nghệ vector virus. Viện Vaccine và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) đang phối hợp với tổ chức PATH, Mỹ, để sản xuất vaccine dựa trên quy trình làm vaccine cúm mùa và cúm đại dịch theo chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Serbia.

Các đơn vị khác như Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19. Nhìn chung bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.

Vaccine Covid-19 "made in Việt Nam" có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu trong nước, tự chủ, làm nền tảng để phát triển vaccine đối phó các chủng virus corona khác trong tương lai.

Trong đó, Vabiotech có tiến triển nhanh nhất, đã thử nghiệm dự tuyển vaccine trên chuột và có kết quả sinh miễn dịch tốt ở liều nhắc lại. Ở giai đoạn tiếp theo, vaccine dự tuyển sẽ được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định, đủ tiêu chuẩn thử nghiệm trên người vào năm sau.

Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới