Cảnh báo nhiều ca viêm não, suy gan, thận sau khi ăn tiết canh, lòng lợn
Sốc nhiễm khuẩn, lọc máu vì tiết canh, lòng lợn
BV Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) vừa thông tin, tại đây mới tiếp nhận, điều trị cho nữ bệnh nhân tên K. (59 tuổi, trú tại Hà Nội) đến viện trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, tổn thương da dạng ban tím toàn thân, hỗ trợ thở oxy.
Được biết, 4 ngày trước, bệnh nhân và gia đình có ăn lòng lợn (không ăn tiết canh). Những người xung quanh không ai mắc triệu chứng tương tự. Cụ thể, sau bữa ăn một ngày, chị K xuất hiện sốt cao, liên tục rét run, kèm đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đau đầu âm ỉ, đau mỏi toàn thân. Sang ngày thứ 2, nhiều mảng tím đen trên da vùng mặt nên chị K được gia đình đưa đến bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm dịch não phát hiện có khuẩn liên cầu lợn (S.suis), chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não do S.suis, suy hô hấp, nên chị K được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực. Hiện tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện.
Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TWQĐ 108), BS. Trương Ngọc Nam, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức cho biết: “Thời gian gần đây, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn nhập viện trong tình trạng rất nặng và nguy kịch, đe dọa tính mạng”.
Gần đây nhất, Khoa đã tiếp nhận bệnh nhân tên M.T (45 tuổi), vào viện ngày thứ 3 của bệnh với biểu hiện đau bụng quanh rốn, buồn nôn và nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần (khoảng 10 lần/ngày) kèm theo sốt cao, có gai rét, có cơn rét run, hoa mắt chóng mặt. Anh T được người nhà đưa đến cấp cứu, được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu nặng.
Các xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, chỉ định điều trị kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, lọc máu liên tục, truyền huyết tương, khối tiểu cầu và các biện pháp điều trị tích cực khác. Khai thác tiền sử trước đó, anh T có ăn tiết canh và thịt lợn.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ động vật cho người. Vi khuẩn gây bệnh có tên là liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis).
Bệnh chủ yếu xảy ra ở loài lợn (lợn nhà, lợn rừng). Người cũng có nguy cơ bị lây nhiễm và mắc bệnh khi tiếp xúc với lợn bị bệnh hoặc ăn các sản phẩm từ lợn bị bệnh.
Bệnh thường diễn biến nhanh và nặng với các bệnh cảnh rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não; trường hợp nguy kịch là sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, xuất huyết toàn thân nặng dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời.
Không chủ quan với nhiễm khuẩn liên cầu lợn
TS.BS Nguyễn Trọng Thế, Phó chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Bệnh do một loại vi khuẩn có tên là liên cầu khuẩn lợn. Nguồn bệnh chủ yếu là lợn bị bệnh và lợn mang vi khuẩn không triệu chứng.
Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn và mắc bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh, lợn mang vi khuẩn gây bệnh, các chất tiết của lợn bị bệnh (phân, nước tiểu) hoặc do ăn các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bị bệnh chưa được nấu chín như tiết canh lợn, ăn thịt sống, thịt tái, nem, thịt nấu chưa chín kỹ.
Như vậy, những người dễ bị mắc bệnh là những người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn, người chế biến thịt lợn sống, người có thói quen ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái, thịt lợn chưa nấu kỹ, nem thịt lợn tái.
Thời gian ủ bệnh thông thường từ vài giờ đến 3 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn, kéo dài đến 7-10 ngày”.
BS Thế cho biết thêm, các biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, có cơn những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội. Trường hợp bệnh nặng, nguy kịch sẽ xuất hiện các rối loạn tâm thần kinh như lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật, điếc, mắt mờ; rối loạn tuần hoàn, rối loạn hô hấp, suy chức năng gan, thận; xuất huyết…
“Đây là bệnh hoàn toàn có thể chữa được, tuy nhiên cần được phát hiện và điều trị sớm. Do vậy, khi phát hiện một trong những triệu chứng trên, nhất là ở những người có tiền sử tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn thì cần khẩn trương đưa người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế”, BS Thế khuyến cáo.
Theo các chuyên gia , để tránh mắc bệnh, tất cả mọi người cần đeo găng tay khi chế biến sản phẩm sống từ lợn, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi chế biến các sản phẩm từ lợn; dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín; luôn ăn thức ăn nấu chín, hợp vệ sinh. Tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?