Chữa khỏi bệnh tim không cần chẻ xương ức
Bệnh nhân là một người đàn ông và một phụ nữ đều trên 66 tuổi. Họ bị hẹp nặng van động mạch chủ do vôi hoá và phình động mạch chủ ngực lên. Riêng người đàn ông có khiếm khuyết van động mạch chủ hai mảnh bẩm sinh (bình thường van này ba mảnh). Nhiều năm qua họ chung sống với căn bệnh, thể trạng gầy yếu, không thể lao động nặng, có chỉ định mổ thay van.
Van động mạch chủ nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Van có nhiệm vụ đóng mở nhịp nhàng, dẫn máu một chiều từ tim bơm qua động mạch chủ đi nuôi khắp cơ thể. Bệnh lý hẹp van động mạch chủ khiến van không mở trọn vẹn, làm hạn chế lượng máu bơm đi.
Phó Giáo sư, bác sĩ Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong 50 năm qua, phẫu thuật tim là bước tiến đột phá, đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý tim mạch. Các kỹ thuật này được cải tiến và hoàn thiện dần qua từng năm. Trong đó, mục tiêu an toàn và khỏi bệnh triệt để luôn được các bác sĩ đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, có bốn kỹ thuật phẫu thuật tim chính. Kinh điển và phổ biến nhất là mổ hở chẻ đôi toàn bộ xương ức (dài khoảng 20 cm), thứ hai là chẻ một phần trên xương ức, thứ ba là mổ hở đường nhỏ giữa xương sườn, kết hợp với nội soi, và cuối cùng là mổ nội soi (kỹ thuật bậc cao, chưa có nhiều nước triển khai được).
Các bệnh nhân trên được mổ theo cách thứ ba, được xem là mới, phức tạp và khó khăn nhất đối với phẫu thuật viên tim mạch tại Việt Nam. Mặc dù vậy, đổi lại, bệnh nhân được hưởng nhiều lợi ích hơn, như ít xâm lấn, ít đau, ít chảy máu, khả năng lành vết thương nhanh, hạn chế tối đa những biến chứng của hai phương pháp đầu tiên mang lại.
Cụ thể, ở khoang liên sườn phải, giữa hai xương sườn, phẫu thuật viên rạch một đường mổ hở dài khoảng 5-6cm qua lớp cơ. Cùng với hỗ trợ của camera nội soi, các bác sĩ quan sát được phẫu trường và thao tác cắt bỏ phần van đã hỏng, thay thế bằng van sinh học phù hợp với từng bệnh nhân. Đồng thời, bệnh nhân nam được thay đoạn lên và một phần quai động mạch chỉ bằng ống ghép nhân tạo. Bệnh nhân nữ thay động mạch chủ ngực vằng ống ghép nhân tạo. Mọi hỏng hóc của trái tim được sửa chữa triệt để.
Một tháng sau phẫu thuật, sức khỏe hai bệnh nhân hoàn toàn ổn định, sinh hoạt gần như bình thường và không có bất kỳ biến chứng nào, đã được xuất viện hôm nay, 15/12, bác sĩ Tiến cho biết.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim so sánh, nếu mổ kinh điển, phẫu thuật viên sẽ chẻ xương ức (toàn phần hoặc bán phần), dùng dụng cụ banh trọn lồng ngực. Phẫu trường hiện rõ, thuận tiện cho bác sĩ quan sát, thao tác.
Tuy nhiên, lồng ngực bị xé ra, xương bị cắt sau mổ nên bệnh nhân cần rất nhiều thời gian để hồi phục. Đơn cử, trong những tháng đầu, bệnh nhân không được nghiêng người lệch sang một bên, hay vung hai tay lên cao, tránh làm tổn thương phần xương ức mới lành. Mất ít nhất 6 tháng người bệnh mới có thể thực hiện được các động tác đơn giản. Cấu trúc, độ bền vững của lồng ngực và xương cũng kém đi. Xương đã bị gẫy, dù được chăm sóc tốt đến đâu, lành lại cũng không thể bằng xương nguyên bản. Nguy hiểm nhất là người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng xương ức, nhiễm trùng vết thương khiến mục tiêu điều trị không đạt. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị một trường hợp bị nhiễm trùng xương ức sau mổ tim trên nền bệnh tiểu đường đã 4,5 tháng nay.
Nhược điểm của mổ đường nhỏ ngực phải là khi rạch cơ, bác sĩ bắt buộc phải loại bỏ một trong hai động mạch sát xương ức. Mặc dù vậy, vẫn còn một động mạch khác đảm nhiệm tốt chức năng cung cấp máu nuôi xương ức. Trường hợp sau này bệnh nhân có bị bệnh mạch vành thì vẫn có nguyên liệu để bắc cầu mạch vành điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Tiến cho hay, điểm tương đồng giữa các kỹ thuật là quá trình phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải chạy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Trái tim được tạm ngưng hoạt động ít nhất cho đến khi kết thúc cuộc mổ. Thời gian này, tim và não được nuôi dưỡng và bảo vệ đặc biệt. Mỗi ca mổ kéo dài khoảng 3,5 giờ, với số lượng thành viên kíp mổ như thông thường.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải thực hành qua rất nhiều ca mổ tim, học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm qua nhiều năm mới dám triển khai kỹ thuật này. Đồng thời, trang thiết bị và dụng cụ phẫu thuật cũng hiện đại, chuyên biệt hơn để phù hợp với phẫu trường sâu. Hai ca phẫu thuật đầu tiên thành công đã "mở ra một cánh cửa mới cho ngành phẫu thuật tim mạch" Việt Nam. Trong tương lai, nó sẽ được mở rộng thay thế kỹ thuật kinh điển. Song không vì thực hành kỹ thuật mới mà bỏ quan mục tiêu quan trọng nhất là an toàn và hiệu quả điều trị của bệnh nhân, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
"Có thể nói, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật thay van động mạch chủ bằng đường mổ nhỏ qua ngực phải", bác sĩ An nói.
Hiện, kỹ thuật mới đang trong tiến trình thực hiện các thủ tục hành chính để được đưa vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả. Các bác sĩ từ chối cho biết chi phí điều trị cụ thể.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?