Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng
Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam Nguyễn Văn T. (32 tuổi) cấp cứu trong tình trạng sốt cao, lơ mơ.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị kèm suy thận, viêm gan. Bệnh nhân được điều trị 3 ngày tại Khoa Truyền nhiễm không đỡ, vẫn sốt cao, tình trạng khó thở tăng dần, tiểu cầu giảm còn 25, thiếu máu nặng, biểu hiện suy thận cấp tăng nặng dần nên được chuyển đến Khoa Điều trị Tích cực và Chống độc.
Bác sĩ Chu Đức Thành (Khoa Điều trị Tích cực và Chống độc) cho biết, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T. diễn biến xấu nhanh. Khi đến khoa Điều trị tích cực và chống độc, bệnh nhân chỉ nói được vài câu ngắn nhưng sau 30 phút, suy hô hấp nặng nên các bác sĩ phải đặt nội khí quản, cho thở máy. Đồng thời, tiến hành lọc máu liên tục cấp cứu vì suy đa cơ quan cấp, viêm phổi nặng.
Đặc biệt, bệnh nhân bị bệnh thiếu máu do tan máu nên truyền máu không đáp ứng, kết quả chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy lách to độ 4.
Qua 12 tiếng lọc máu, các bác sĩ cũng tiến hành truyền tiểu cầu và làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu, chẩn đoán hình ảnh… Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị sốt xuất huyết mức độ nặng biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy thận cấp, suy gan cấp trên nền viêm gan B, mắc bệnh tan máu bẩm sinh…
Sau 4 ngày điều trị tại ICU, bệnh nhân đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, thở ô-xy. Các kỹ thuật cao như lọc máu liên tục, thở máy xâm nhập đã dừng. Đến ngày thứ 7, bệnh nhân hồi phục đáng kể, nhất là tình trạng suy hô hấp, tuần hoàn, suy gan, tình trạng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu cũng được cải thiện hơn.
"Đây là một ca bệnh có sự hồi phục kỳ diệu. Vì chỉ trước đó 1-2 ngày bệnh nhân luôn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao", bác sĩ Chu Đức Thành chia sẻ.
Sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao. Điều này rất nguy hiểm cho người nhiễm, đặc biệt là những người có bệnh nền bởi diễn biến bệnh khó lường. Thậm chí dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng, tử vong…
Do vậy khi có biểu hiện của sốt xuất huyết, người dân cần làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Với những người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền cần tới thăm khám tại cơ sở y tế để được chỉ định điều trị.
Theo bác sĩ Chu Đức Thành, bệnh nhân sốt xuất huyết thường biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi trong 3 ngày đầu.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Hồng Văn In, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn nguy hiểm diễn ra từ ngày 3-7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Người bệnh có thể giảm hoặc còn sốt, lúc đó sẽ xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát có biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu.
Các biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Người bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm có thể đối mặt với những triệu chứng nặng như: Các triệu chứng của thoát huyết tương do bị tăng tính thấm thành mạch; người bệnh có thể bị tràn dịch phổi và có các triệu chứng như: Đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực và khó thở.
Triệu chứng nặng khi bị tràn dịch màng bụng như: Chướng bụng, bụng to nhanh; đau tức vùng dưới sườn hoặc vùng thượng vị do gan phình to, vật vã, li bì, lạnh chân tay, da lạnh ẩm toàn thân, tiểu ít.
Người bệnh có thể mắc xuất huyết dưới da: Xuất hiện các nốt xuất huyết hoặc các mảng xuất huyết, thường sẽ có ở mặt trước 2 chân, và mặt trong 2 cánh tay, đùi, mạng sườn, bụng.
Tình trạng nguy hiểm hơn khi xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não với các triệu chứng như: Nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh...
Các biến chứng nặng mà người bệnh sốt xuất huyết có thể phải đối mặt ở giai đoạn nguy hiểm như: Viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não, suy thận.
Những biến chứng nặng có thể xảy ra ở một số người bệnh không có các dấu hiệu thoát huyết tương hoặc không bị sốc. Trong giai đoạn này, người bệnh cần được chăm sóc tốt, quan sát kỹ các triệu chứng của bệnh; nếu có các triệu chứng trở nặng như trên cần đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo các biểu hiện bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng có thể gặp như: Đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi và chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt mỏi bồn chồn. Khi có các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết tính đến ngày 5/9, thành phố ghi nhận gần 7.700 ca mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn; đã có ca bệnh tử vong.
Hơn 2 tuần gần đây, số ca mắc mỗi tuần gấp đôi các tuần liền trước đó. Hiện mỗi tuần Hà Nội ghi nhận khoảng hơn 1.000 ca. Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội chiếm 10% tổng số mắc trên cả nước từ đầu năm 2023 đến nay. Bộ Y tế cho biết toàn quốc đã ghi nhận ít nhất 18 trường hợp tử vong.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Y tế 24h - 23/12/2024
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố 100 ca mổ não, tủy sống thành công bằng robot AI
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?