Bệnh viện Hồng Ngọc bị tố không phát hiện ung thư: Bệnh nhân có thể khiếu nại, khởi kiện

Theo đại diện Bộ Y tế, trong trường hợp chưa hài lòng với kết quả khám chữa bệnh, thấy chuyên môn sai, người bệnh nên làm việc lại với bệnh viện hoặc có thể khởi kiện.

Chuyên gia y tế: Siêu âm vú phát hiện hầu hết bất thường

Mang băn khoăn về việc , PV Báo Giao thông tìm đến các chuyên gia y tế. PV đã cung cấp thông tin về hành trình khám, điều trị cũng như chia sẻ của cả hai phía là bệnh nhân L.T.T và BV Đa khoa Hồng Ngọc để có góc nhìn đầy đủ, khoa học, khách quan, đa chiều.

Suy sụp khi nhận chẩn đoán ung thư vú di căn, chị L.T.T (Hà Nội) càng bức xúc khi vừa bỏ tiền khám chuyên sâu "vú và tử cung" tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc với kết quả "bình thường" khiến chị mất cơ hội điều trị sớm.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia y tế, người có nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị ung thư chia sẻ, Trong phạm vi trao đổi với Báo Giao thông, vị TS.BS này chỉ phân tích trên khía cạnh chuyên môn y tế thuần túy.

Bệnh viện Hồng Ngọc bị tố không phát hiện ung thư: Bệnh nhân có thể khiếu nại, khởi kiện

Theo chuyên gia y tế, qua siêu âm tuyến vú có thể phát hiện được hầu hết những bất thường. (Ảnh minh họa).

Cụ thể, theo vị chuyên gia, trong sàng lọc ung thư vú, cần xác định các đối tượng nguy cơ: Phụ nữ trên 35 tuổi, trong gia đình có người bị ung thư vú, phụ nữ có đột biến gen BRCA1, BRCA2, phụ nữ có bất thường về nội tiết: hành kinh sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), phụ nữ mang thai muộn, không mang thai, không cho con bú... 

Để phát hiện các bất thường (nếu có), người bệnh cũng có thể đến các cơ sở y tế có chuyên khoa thăm khám lâm sàng và được chỉ định các xét nghiệm cần thiết như: siêu âm tuyến vú, X-quang tuyến vú, chọc tế bào tuyến vú... Mỗi phương pháp có vai trò khác nhau. Qua siêu âm tuyến vú có thể phát hiện được hầu hết bất thường, với tỷ lệ trên 80% nếu có u vú. Tuy nhiên, để chẩn đoán ung thư vú thì cần kết hợp các phương pháp khác như: khám lâm sàng, X-quang tuyến vú, chọc tế bào tuyến vú...

Chỉ số CA 15-3 là 1 xét nghiệm chất chỉ điểm khối u chỉ mang giá trị tham khảo, độ nhạy và độ đặc hiệu không cao nên phải kết hợp với các phương pháp khác. Chỉ số này cũng có thể tăng trong các bệnh khác. Thậm chí nhiều trường hợp ung thư vú nhưng chất này lại không tăng cao. Tuy nhiên khi xét nghiệm thấy chỉ số tăng cao hơn bình thường thì đó cũng là một gợi ý cho bác sĩ định hướng làm thêm các phương pháp khác nữa.

Theo vị BS, độ chính xác kết quả siêu âm phụ thuộc vào 2 yếu tố: kinh nghiệm, trình độ chuyên môn của bác sĩ đọc và thiết bị siêu âm. Trường hợp "tháng trước đi khám cho kết quả bình thường nhưng chỉ hơn 1 tháng sau đã ra ung thư vú và di căn hạch nách" là rất hiếm, chỉ rơi vào tình huống ví dụ không may người bệnh đến cơ sở y tế nào đó không chuyên về ung bướu và lại có thiết bị siêu âm không tốt và nhân viên y tế chưa có kinh nghiệm.

Vú là cơ quan ở phía ngoài cơ thể nên các phương pháp thông thường có thể phát hiện ra được phần lớn các trường hợp ung thư, nhất là ở giai đoạn muộn. Do vậy, khả năng bỏ sót chẩn đoán không nhiều dù vẫn có. Đặc biệt là các tổn thương quá nhỏ, không điển hình, hoặc nằm quá sâu với bệnh nhân có cấu tạo tuyến vú quá to, dày hoặc thiết bị siêu âm không chuẩn… cũng có thể sẽ bỏ sót, tuy nhiên tỷ lệ này sẽ rất ít. "Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về ung bướu, bác sĩ có kinh nghiệm, cùng với phối hợp các phương pháp chẩn đoán khác nhau, sẽ giúp tăng độ tin cậy chẩn đoán", chuyên gia này nói.

Vị TS. BS cũng nhấn mạnh, tỉ lệ khỏi của ung thư vú nếu phát hiện sớm có thể đạt hơn 90%, thậm chí có thể lên tới 98%. Trong khi đó, với nhóm bệnh nhân phát hiện giai đoạn muộn thì tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt dưới 20%. "Để tầm soát ung thư vú, chúng ta chỉ cần làm những xét nghiệm đơn giản như siêu âm bên cạnh tự thăm khám vú cho bản thân, nếu thấy u, cục bất thường, cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và phát hiện sớm. Với bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn thì chi phí điều trị sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Trong khi đó hiệu quả điều trị sẽ không cao, rất khó để khỏi được bệnh mà chỉ giúp kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh", BS lưu ý.

Bệnh nhân có thể khiếu nại, khởi kiện

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vụ việc, ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Đây là trách nhiệm dân sự giữa người bệnh và bệnh viện. Trong trường hợp người bệnh chưa hài lòng với kết quả khám chữa bệnh, thấy chuyên môn sai, người bệnh nên làm việc lại với bệnh viện và người bệnh có thể khởi kiện. Nếu hai bên không làm việc được với nhau, xảy ra khi khiếu kiện, cần hội đồng chuyên môn, giám định thì đó là nhiệm vụ của chúng tôi".

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho biết: Việc khám bệnh thực hiện theo quy trình khám chữa bệnh, theo Luật Khám chữa bệnh. Trong tình huống này, nếu cho rằng việc khám bệnh của bác sĩ có sai sót thì người bệnh có thể gửi văn bản khiếu nại hành vi khám chữa bệnh của bác sĩ đó tới các cơ quan chức năng như Giám đốc bệnh viện, Thanh tra của Sở Y tế, Bộ Y tế để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 100 của Luật Khám chữa bệnh quy định "Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn quy định tại điều 101 của Luật này, xác định có ít nhất 1 trong các hành vi sau: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc, điều trị người bệnh; vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật".

Còn theo Điều 101 của Luật Khám chữa bệnh, "khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp cần giải quyết, theo đề nghị của người bệnh, người đại diện của người bệnh hoặc của người hành nghề thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định người hành nghề có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật"; 

Còn căn cứ vào điều 102, "trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật".

Tại Điều 52, Thông tư 32/2023/TT-BYT cũng quy định rõ, khi xảy ra tai biến y khoa mà có tranh chấp tại bệnh viện thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế thì thủ tục giải quyết tranh chấp thực hiện theo trình tự sau:

Theo đề nghị của người bệnh, người đại diện người bệnh, người hành nghề hoặc cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án thì bệnh viện nơi xảy ra tai biến y khoa thành lập hội đồng chuyên môn cấp cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Khám chữa bệnh 2023 để xác định người hành nghề có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

Các bên có tranh chấp nếu không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn cấp cơ sở thì có văn bản đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để giải quyết và gửi kèm theo hồ sơ liên quan đến tranh chấp. Kết luận của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế là kết luận cuối cùng.

Nếu các bên có tranh chấp khi không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định của Bộ Y tế thì các bên khởi kiện tại tòa án để yêu cầu giải quyết.

Quá trình tầm soát ung thư vú:

Đầu tiên, rất quan trọng là các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, tư vấn giải thích cho người bệnh. Bác sĩ sẽ hỏi thông tin cụ thể như tuổi, tình trạng sức khỏe, chu kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng hiện tại hay bệnh sử cá nhân và gia đình… nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Sau đó sẽ khám lâm sàng phát hiện các biểu hiện, dấu hiệu của bệnh.

Siêu âm vú là phương pháp sử dụng sóng âm năng lượng cao giúp các bác sĩ kiểm tra được các mô và cơ quan trong cơ thể. Siêu âm vú có thể giúp bác sĩ xác định các bất thường trong vú, giúp phát hiện những trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm. Khi sử dụng phối hợp với chụp X-quang tuyến vú, siêu âm làm tăng độ nhạy của việc sàng lọc.

Chụp MRI (cộng hưởng từ): phương pháp này giúp bác sĩ theo dõi một loạt các hình ảnh ở cả hai tuyến vú.

Xét nghiệm máu nhằm xác định các chất trong máu được giải phóng bởi các cơ quan hoặc các mô trong cơ thể. Nồng độ cao hoặc thấp bất thường của một chất nào đó có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh nhất định.

Sinh thiết: quan sát các mô và tế bào dưới kính hiển vi để tìm ra dấu hiệu ung thư. Nếu phát hiện khối u ở vú, các bác sĩ có thể lấy mẫu mô hoặc tế bào của khối u này để thực hiện xét nghiệm. Có nhiều phương pháp sinh thiết khác nhau, tùy vào từng người bệnh cụ thể bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định sinh thiết phù hợp.

(Trích thông tin từ Bệnh viện K)

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/benh-vien-hong-ngoc-bi-to-khong-phat-hien-ung-thu-benh-nhan-co-the-khieu-nai-khoi-kien-192240809091232108.htm 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bộ Y tế chỉ đạo vụ BV K bị tố "vét những đồng tiền cuối cùng trong túi bệnh nhân ung thư"

Bộ Y tế chỉ đạo vụ BV K bị tố "vét những đồng tiền cuối cùng trong túi bệnh nhân ung thư"

Mạng lưới bệnh viện - 22/08/2024

Bộ Y tế chỉ đạo vụ BV K bị tố "vét những đồng tiền cuối cùng trong túi bệnh nhân ung thư"

Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm chất lượng khối bệnh viện công tăng, tư nhân giảm

Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm chất lượng khối bệnh viện công tăng, tư nhân giảm

Mạng lưới bệnh viện - 17/07/2024

Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm chất lượng khối bệnh viện công tăng, tư nhân giảm

Hy hữu nhầm lẫn kết quả chụp X quang ở bệnh viện Lâm Đồng

Hy hữu nhầm lẫn kết quả chụp X quang ở bệnh viện Lâm Đồng

Mạng lưới bệnh viện - 26/02/2024

Hy hữu nhầm lẫn kết quả chụp X quang ở bệnh viện Lâm Đồng

Người đàn ông ngưng tim ngưng thở 90 phút được cứu sống ở bệnh viện tuyến cơ sở

Người đàn ông ngưng tim ngưng thở 90 phút được cứu sống ở bệnh viện tuyến cơ sở

Mạng lưới bệnh viện - 23/02/2024

Người đàn ông ngưng tim ngưng thở 90 phút được cứu sống ở bệnh viện tuyến cơ sở

Bộ Y tế đề nghị xác minh và xử lý sự cố y khoa trả nhầm kết quả chụp X-quang

Bộ Y tế đề nghị xác minh và xử lý sự cố y khoa trả nhầm kết quả chụp X-quang

Mạng lưới bệnh viện - 23/02/2024

Bộ Y tế đề nghị xác minh và xử lý sự cố y khoa trả nhầm kết quả chụp X-quang

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới