Các chuyên gia y tế khuyến cáo, SXH khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi nên khi thai phụ mắc SXH cần phải nhập viện điều trị kịp thời và được theo dõi sát sao.
Thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho thấy, bệnh nhân SXH phải nhập viện điều trị nội trú trong tháng 8/2019 tăng cao, với 66 bệnh nhân nặng, hàng chục trường hợp đến khám mỗi ngày và nhiều trường hợp phải điều trị ngoại trú, theo dõi tại nhà.
Mới đây, thai phụ V.T.L (25 tuổi, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đang mang thai ở tuần thứ 27, thấy cơ thể có triệu chứng sốt, mệt mỏi. Lo ngại ảnh hưởng thai nhi nên thai phụ L. nhập viện ngay trong đêm. Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán SXH, đã cho bù đủ nước, điện giải, theo dõi sát chỉ số trong máu và tình trạng thai.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, khi có bầu, sức đề kháng của phụ nữ giảm xuống nên dễ mắc bệnh, trong đó có SXH. Đặc biệt, biểu hiện SXH trên phụ nữ có thai rất khó lường, ảnh hưởng đến thai. Sốt cao làm tăng nhịp tim của mẹ dẫn tới tăng nhịp tim của con, sẽ có nguy cơ suy thai.
Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị SXH có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như: Chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Những bé sinh ra từ bà mẹ tiểu cầu hạ có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí vài tuần sau sinh.
Trong quá trình điều trị cũng cần thận trọng khi dùng thuốc (truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh…) vì những ảnh hưởng của nó đối với thai. Một số thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, bệnh SXH dễ khiến bệnh nhân chảy máu, cộng với việc chảy máu trong lúc sinh nở sẽ có thể dẫn đến bệnh nhân bị rối loạn đông máu, sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.
TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, nếu nhận thấy các triệu chứng: Chảy máu chân răng, sốt cao, kèm theo run rẩy, mất nước, ăn không ngon miệng, đau đầu dữ dội, khó thở, cảm giác tê nhức khắp cơ thể… thai phụ cần phải nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời. Tại đây, bệnh nhân được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận, tình trạng của thai nhi hàng ngày. Qua đó, bác sĩ đánh giá xem người bệnh có dấu hiệu dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
Cũng theo TS Đỗ Duy Cường, thông thường, bác sĩ không có chỉ định bỏ thai khi mắc SXH. Trên thực tế, các em bé sinh ra từ bà mẹ bị SXH không bị ảnh hưởng gì. Do đó, khi mắc bệnh, thai phụ cần bình tĩnh, không nên quá thấp thỏm lo lắng sẽ làm ảnh hưởng đến em bé. Điều quan trọng nhất là mẹ và thai nhi được theo dõi chặt chẽ, bản thân mẹ không được dùng bất kỳ thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
“Đối với bà bầu mắc SXH ở những ngày đầu và chưa có dấu hiệu cảnh báo chỉ cần theo dõi, bù nước đường uống, tăng cường nước ép trái cây. Nếu chưa sốt quá 38oC, chỉ cần chườm mát, lau người, vùng trán, bẹn, nách, thái dương để hạ nhiệt” - TS Đỗ Duy Cường lưu ý.