Ảnh hưởng cả tâm lý và thể chất

Theo BS Vũ Xuân Thọ, việc phải mang một cơ thể giống người lớn, khác với bạn bè khi còn trong tuổi ăn, tuổi chơi dễ khiến các bé bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý. Điều đó còn khiến các bé dễ thành nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục, nhất là bé gái bởi các bé còn quá non nớt, thiếu khả năng phòng vệ.

Các bé dậy thì sớm cũng bị ảnh hưởng trong việc phát triển chiều cao. Thông thường trong giai đoạn tiền dậy thì, các bé sẽ có tình trạng "trổ giò", trẻ gái có thể cao lên đến 25 cm/năm, trẻ trai có thể 28 cm/năm. Khi các bé dậy thì quá sớm, các hormone sinh dục sẽ thúc đẩy quá trình hàn sụn tiếp hợp, dẫn đến việc các bé chưa kịp cao lên bao nhiêu đã ngừng cao.

Một số yếu tố từ cuộc sống hiện đại cũng có thể là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm như: thực phẩm chứa nhiều hóa chất, chất tăng trưởng, tăng trọng; các nội dung "người lớn" mà trẻ vô tình tiếp xúc; các nguồn ánh sáng nhân tạo từ máy tính, điện thoại... (gây kích thích hệ thần kinh trung ương). "Hiện tượng dậy thì thật chủ yếu do các nguyên nhân từ cuộc sống gây ra, trong khi dậy thì giả, như đã phân tích, là do bệnh lý" - BS Vũ Xuân Thọ cho hay.

BSCKII Hoàng Ngọc Quý giải thích thêm dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Không phải tất cả trường hợp dậy thì sớm đều có chỉ định điều trị với thuốc Triptoreline. Việc dùng thuốc Triptoreline còn phải tùy vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng. Vì đa số nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái là từ nguyên nhân vô căn nên không ít trường hợp chính gia đình quyết định không can thiệp điều trị (sau khi được bác sĩ tư vấn đầy đủ), muốn để trẻ phát triển tự nhiên mà không can thiệp bằng thuốc từ bên ngoài đưa vào cơ thể.

Cũng theo BS Hoàng Ngọc Quý, điều trị dậy thì sớm trung ương thực chất là muốn làm chậm lại quá trình dậy thì, chờ cho "đủ tuổi" để dậy thì "đúng quy trình". Thực tế cho thấy không ít trường hợp các bậc cha mẹ chỉ muốn biết rõ cơ thể con họ có bị bệnh bất thường gì không mà thôi và không có nhu cầu làm chậm quá trình dậy thì sớm đó. Đã có trường hợp chính bản thân trẻ và phụ huynh sau một thời gian được tư vấn đã không còn lo lắng về triệu chứng dậy thì sớm, nên xin ngưng điều trị và được sự đồng ý của bác sĩ.

Cũng cần nói rõ thêm là trong quá trình điều trị vì lý do nào đó mà không thể chích thuốc đúng ngày (lễ, Tết, thi học kỳ, gia đình có việc quan trọng, hết thuốc…) thì việc chích chậm trễ 1 vài tuần, người nhà không nên quá lo lắng, vì sự gián đoạn này hoàn toàn không ảnh hưởng quá trình điều trị trước đó và tiếp theo về sau.

Tuổi dậy thì của trẻ sớm thêm 4 năm

Dậy thì sớm dường như có xu hướng phổ biến hơn, nghiên cứu công bố mới đây trên Lancet Child & Adolescent Health cho biết trong vòng 150 năm qua, tuổi dậy thì trung bình của trẻ em đã sớm thêm 4 năm, từ 14 xuống còn 10. GS Susan Sawye (Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne - Úc), cho rằng điều này đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần định nghĩa lại về tuổi dậy thì.

                                                                                                           NGUYỄN THẠNH - ANH THƯ