Bé trai bị xoắn hoại tử tinh hoàn

Bệnh nhi 14 tuổi đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng hoại tử tinh hoàn trái tím đen, bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ.

Bé bị đau tinh hoàn, đến một bệnh viện huyện ở Hưng Yên điều trị. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm tinh hoàn và điều trị không kết quả, được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức ngày 7/4.

Các bác sĩ Trung tâm Nam học khám thấy tinh hoàn trái bị xoắn, sưng, đã tím đen hoại tử. Bệnh nhi được phẫu thuật cắt tinh hoàn trái, cố định tinh hoàn phải. Sau 2 ngày phẫu thuật, bé ổn định và đang được điều trị phục hồi.

Phó giáo sư Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa tối cấp thường gặp nếu không được cấp cứu kịp thời có thể phải cắt tinh hoàn và gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Nguyên nhân gây bệnh thường do bất thường của dây chằng bìu tinh hoàn.

Triệu chứng của xoắn tinh hoàn thường làm bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau chói ở bìu. Khi khám lâm sàng tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện. Bệnh thường hay chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, đó là nguyên nhân dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn.

"Đứng trước một trường hợp đau tinh hoàn, cần nghĩ tới bệnh lý xoắn tinh hoàn trước tiên, tránh chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, sỏi niệu quản... phải cắt bỏ tinh hoàn", bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học, khuyến cáo.

Với bệnh xoắn tinh hoàn, thời gian vàng điều trị bệnh là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu đến trước 6 giờ và được xử trí đúng đắn, kịp thời thì tỷ lệ bệnh nhân được cứu tinh hoàn có thể đạt được 100%. Đến viện trong khoảng 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn.

Nhiều trẻ đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Khi lớn, chuyện chỉ còn một tinh hoàn sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý.

Bác sĩ Quang khuyến cáo nam giới cần đi khám ngay khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu.

Covid-19 đang diễn biến phức tạp, song bệnh nhân không nên sợ hãi mà chần chừ đến viện khám. Để đảm bảo an toàn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức phân luồng, sàng lọc Covid-19 cho người bệnh và người nhà người bệnh bằng nhiều phương pháp.   

Bệnh viện tiến hành đo thân nhiệt và khai báo y tế cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế tại tất cả các cổng của bệnh viện. Đeo "barcode" (mã vạch) bắt buộc cho người nhà người bệnh để xác định đó là người được ở lại chăm sóc người bệnh.

Phun khử khuẩn thường xuyên các vị trí trong khuôn viên bệnh viện, trang bị các phương tiện máy móc hiện đại như phòng mổ áp lực âm, máy chụp cắt lớp vi tính 256 dãy, các dàn máy, dụng cụ phẫu thuật nội soi để phòng ngừa dịch bệnh.

Lê Nga

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Mẹ và bé - 20/03/2024

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Mẹ và bé - 07/03/2024

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Mẹ và bé - 08/12/2023

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Mẹ và bé - 06/09/2022

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Mẹ và bé - 20/07/2022

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới