Đừng “bỏ quên”dinh dưỡng bữa ăn học đường
TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết, hiện nay, chúng ta tranh luận nhiều về sữa học đường, nhưng đó chỉ là một phần trong bữa ăn học đường. Thực chất, bữa ăn học đường lại đang bị chúng ta bỏ qua, trong khi thế giới lại nhấn mạnh điều này ở nhiều nước và rất lâu đời.
BS Sơn dẫn chứng, Nhật từ 100 năm đã làm những bữa ăn trường học; nước Mỹ triển khai từ năm 1941. Một số nước Anh, Trung Quốc, Thái Lan đã triển khai bữa ăn học đường… hàng chục năm. Tại những nước này, họ xây dựng thực đơn theo nguyên tắc: bảo đảm năng lượng, hướng đến mục tiêu tăng trưởng chiều cao bằng việc sử dụng những vi chất quan trọng; tận dụng sự sẵn có của sản phẩm địa phương; sử dụng sản phẩm đa dạng…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay do mức đóng góp thấp, các nhà trường không đủ điều kiện để tính toán bữa ăn đa dạng. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường, đơn vị cung cấp bữa ăn đều hướng tới thực đơn đơn giản, giúp các cháu tránh tiêu chảy hoặc có nguy cơ ngộ độc. Vì thế, việc duy trì thực đơn quay vòng rất nhanh. TS Sơn cho rằng, việc sử dụng thức ăn quay vòng chỉ năm, bảy món thì dễ dẫn tới suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cung cấp bữa ăn và nhà trường lại mong muốn bổ sung món ăn xào, rán vào bữa ăn, càng tạo ra thực đơn không lành mạnh về dinh dưỡng.
“Không có thức ăn siêu thực phẩm, nếu ăn mãi một vài món sẽ bị thiếu vi chất khác. Ăn đơn giản dễ tăng thừa cân béo phì. Chúng tôi nghĩ các cấp chính quyền và ngành giáo dục cần thay đổi nhận thức quan trọng và tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ bữa ăn cho các em”, BS Sơn nói. Đồng thời, chuyên gia dinh dưỡng này cũng nhấn mạnh, các bậc cha mẹ cần có ý thức hơn lo lắng cho bữa ăn con em mình. Vì giai đoạn từ 6 tuổi đến cấp 3 là giai đoạn quan trọng nhất cho sự phát triển của một đứa trẻ, qua giai đoạn đó không thể cải thiện chiều cao cho trẻ em.
Gần đây nhất khi tham gia nghiên cứu vào dinh dưỡng bữa ăn học đường cho trẻ em Hà Nội, BS Sơn cho biết, đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh đến việc giảm lượng đường và giảm lượng muối. Đặc biệt, thực đơn được tính toán bốn tuần mới quay lại món ăn cũ để tạo ra sự đa dạng cho bữa ăn, bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ em. Hiện thực đơn này đang được áp dụng cho khoảng 50 trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, để giúp trẻ phát triển toàn diện, TS Sơn nhấn mạnh, việc vận động cũng rất quan trọng. Trong một số nghiên cứu cho thấy, người Việt không chú ý nhiều đến vận động. "Mọi người nên chú ý nguyên tắc “5+2” tức là 5 ngày tập thể dục và 2 ngày chơi thể thao. Chúng ta nên duy trì thói quen tập luyện hằng ngày đều đặn phù hợp với sức khỏe hơn là cố gắng tập thật nặng, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhiều người mong muốn tập nặng để giảm cân, nhưng thực tế tập nặng không phải để tiêu hóa năng lượng là chính, mà để làm cơ thể săn chắc, lợi cho tiêu hóa, tim mạch”, BS Sơn cho hay.
Về việc sử dụng thuốc tăng trưởng chiều cao đang được quảng cáo bán tràn lan trên mạng, TS Trương Hồng Sơn cho biết, về mặt khoa học, không có loại thuốc nào uống mà tăng lên vài cm nhanh chóng, kể cả việc tiêm hoóc-môn.
Các thành phần canxi, vitamin D giúp tăng chiều cao nhưng những loại vitamin này có trong nhiều sản phẩm khác chứ không chỉ có trong thuốc. Do đó, không chỉ có thuốc mới có tác dụng tăng chiều cao. Cũng như vậy, việc tiêm hoóc-môn cũng đang được quảng cáo rất rầm rộ, nhưng thực tế, nhiều người dân lại không hiểu hết về hoóc-môn. "Hoóc-môn là các protein, khi vào cơ thể gặp men tiêu hóa sẽ bị phân hủy, nên sẽ không phát huy hiệu quả theo đường uống. Việc sử dụng hoóc-môn qua đường tiêm chỉ hiệu quả khi biết chắc bệnh nhân có thiếu hụt hoóc-môn chứ không nên sử dụng bừa bãi sẽ gây rối loạn hoóc-môn, không có lợi cho trẻ em", BS Sơn cho hay.
Các hoóc-môn tăng trưởng sản sinh ra từ tuyến yên và trong cơ thể trẻ tiết ra nhiều hoóc-môn này nhất từ 22 giờ tối đến một giờ sáng. Do đó, việc ngủ say ở thời điểm này sẽ giúp tiết ra hoóc-môn tăng trưởng gấp bốn lần khi trẻ thức.
BS Sơn khuyến cáo, muốn tăng chiều cao cho con, nhiều bố mẹ tin vào các quảng cáo, các thuốc hàng xách tay… nhưng nếu hiểu biết không đúng, không gặp các bác sĩ chuyên khoa thì việc sử dụng hoóc-môn và thuốc vitamin cho trẻ em luôn sẽ như con dao hai lưỡi.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?