Hành trình “bắt con” kỳ diệu của người mẹ bị ung thư máu
“Tôi phải học cách chấp nhận nó”
Năm 24 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Hồng được chẩn đoán bị ung thư máu mãn tính (bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt). Hồng kể, lúc bấy giờ gia đình giấu nhẹm vì sợ Hồng sẽ suy sụp mà không chống chọi được với bệnh tật. “Nhìn thấy người thân khóc, tôi nói cứng: "Con chưa chết thì mọi người không phải khóc”. Dù vậy, những cơn lo lắng lúc nào cũng tồn tại trong tâm trí tôi. Tôi biết, mình phải học cách chấp nhận nó”, Hồng kể.
Vực dậy tinh thần, Hồng quyết không để số phận quật ngã mình khi còn quá trẻ, vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Thời gian đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có chương trình hỗ trợ sử dụng thuốc điều trị nhắm đích. Đây là một trong những loại thuốc điều trị ung thư máu mãn tính tiên tiến nhất trên thế giới, thuốc sẽ tấn công trực tiếp và sửa chữa các đột biến di truyền nhiễm sắc thể gây bệnh, giúp người bệnh không phải truyền hóa chất và có cuộc sống gần như người bình thường trong một khoảng thời gian dài so với các bệnh ung thư khác.
10 năm qua, nhờ sử dụng thuốc điều trị hiệu quả cùng với sự theo dõi sát sao điều trị của các bác sĩ, Hồng đã có một sức khỏe thật sự như mơ ước. Với Hồng, thế là cuộc đời đã thật sự là “màu hồng” giống như tên gọi của cô. Chị không dám mơ đến việc lập gia đình hay có con.
Nhưng cuộc đời đã mỉm cười với chị lần nữa, khi sáu năm trước, chị gặp anh Bùi Bá Sơn tại Bệnh viện K khi hai người đều có người thân điều trị ung thư ở đó. Cuộc gặp gỡ tình cờ đó đã đưa hai người đến với nhau bằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. “Biết tôi bị bệnh, lại không thể có con nhưng anh Sơn vẫn muốn gắn bó cuộc đời với tôi. Chúng tôi cũng đã tính tới dự định xin con nuôi sau khi kết hôn”, chị Hồng kể.
Bất chấp sức khỏe để giữ lại đứa con
Kết hôn chưa bao lâu, khi những cuộc nói chuyện dài bất tận của hai vợ chồng về xin một đứa con nuôi chưa dứt, thì Hồng thấy cơ thể có một sự thay đổi kỳ diệu. Một sinh linh bé bỏng đang dần hình thành trong cơ thể chị. “Giữ thai hay không giữ thai. Chúng tôi đã có nhiều đêm thức trắng suy nghĩ”, Hồng ngậm ngùi kể lại. Bởi Hồng và chồng đều hiểu, nếu giữ lại cái thai, có thể tính mạng của mẹ và em bé đều không giữ được, có thể chị sẽ chuyển từ ung thư máu mãn tính sang cấp tính… Khi đó, tiên lượng sẽ rất xấu, điều trị khó đáp ứng.
Thế nhưng, tình mẫu tử thiêng liêng đã thúc giục chị phải giữ bằng được đứa con này bằng mọi giá, dù có nguy hiểm đến tính mạng. Hồng dừng uống thuốc điều trị nhắm đích, dồn sức cho đứa con đầu lòng.
Nhưng lúc này, chị bắt đầu phải nhận những cái giá đắt cho cơ thể. Khi ngừng thuốc mới được ba tuần, các chỉ số bạch cầu và tiểu cầu đều tăng vọt, nguy cơ tắc mạch máu cho cả mẹ và con (tắc mạch ối) rất cao.
Hồng nhập viện. Những chuỗi ngày vất vả, gian khó của Hồng kể từ đó. Hồng chờ đợi đếm từng ngày để vượt qua những cơn đau đớn cơ thể. Không thể dùng thuốc, các bác sĩ chỉ có thể điều trị bằng các biện pháp vật lý là gạn tiểu cầu và bạch cầu.
Hồng không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phải vào phòng gạn tách tế bào máu. Số lần gạn tiểu cầu và bạch cầu nhiều đến nỗi tất cả các ven của chị đều vỡ hết. Trong suốt quá trình mang thai, chị hay bị thiếu máu và phải truyền khối hồng cầu. Đến những ngày gần sinh, các điều dưỡng phải lần tìm từng đường ven, khó khăn lắm mới lấy được ven cho chị.
Các bác sĩ và cả Hồng, đều không biết sức chịu đựng của chị được tới đâu. Bác sĩ cố gắng động viên Hồng. Hồng cắn răng chịu đựng những đau đớn cơ thể, chỉ mong con ở lâu trong bụng mẹ được đủ ngày, đủ tháng.
Kể lại câu chuyện kỳ tích này, BS Nguyễn Ngọc Ban, người trực tiếp điều trị cho chị Hồng tại khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, từ sự đồng cảm với khao khát có con của Hồng, các bác sĩ cũng cố gắng hết sức đưa ra phương án điều trị tốt nhất. “Chín tháng đó là quãng thời gian rất dài tất cả chúng tôi cũng nín thở chờ đợi cùng gia đình người bệnh. Nhiều thời điểm bạch cầu, tiểu cầu tăng cao mà không được dùng thuốc, chúng tôi đã dùng tất cả các biện pháp khác với hy vọng bệnh không tiến triển. Khi em bé chào đời, các bác sĩ, điều dưỡng đều rất vui và hạnh phúc cùng gia đình người bệnh”, BS Ban kể.
Tuần thứ 38, Hồng đã hạ sinh một đứa con kháu khỉnh trong sự sung sướng tột độ của gia đình và cả ê kíp bác sĩ. Hồng kể, đứa con như tiếp thêm sức lực cho Hồng, giúp cho Hồng bước sang một trang mới, thấy cuộc sống ý nghĩa và nhiều động lực lớn lao hơn. “Hạnh phúc quá lớn đối với em khi có một công chúa xinh xắn này”, Hồng xúc động nói. Một tuần sau khi sinh con, Hồng uống thuốc trở lại còn em bé được nuôi bằng sữa công thức và xin sữa từ một vài người mẹ khác.
11 năm chống chọi với bệnh tật, tưởng chừng nhiều lần ngã quỵ khi chấp nhận đánh đổi tính mạng để có được đứa con đầu lòng, Hồng đã mang lại niềm hy vọng lớn lao cho nhiều người phụ nữ trẻ không may mắc căn bệnh này, có thêm sự lạc quan về một tương lai tươi sáng giống như bao người phụ nữ khác.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?