Nguy cơ bệnh tay chân miệng do không rửa tay sạch
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết việc không rửa tay sạch là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), đặc biệt là bệnh tay chân miệng - một trong những bệnh nguy hiểm đang diễn biến phức tạp gần đây.
Tại TP HCM, mỗi tuần có thêm 400 ca bệnh tay chân miệng mới. Thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, 70% trẻ lây bệnh tay chân miệng tại nhà, 30% lây bệnh tại trường. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, sở dĩ bệnh lây lan nhanh, mạnh một phần xuất phát từ thói quen và ý thức phòng bệnh của cộng đồng còn rất thấp.
Bệnh viện Nhiệt đới khảo sát, có tới 64% bà mẹ không rửa tay trước khi cho trẻ ăn. Các bà mẹ cũng không chú trọng dạy con trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cho bản thân ngay từ nhỏ, kể cả thói quen rất đơn giản như rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi chơi, sau khi vệ sinh và trước khi ăn. Trong khi đó, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần một động tác rửa tay sạch là đã giảm tới 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn...
Theo bác sĩ Khanh, tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Sở dĩ gọi là tay chân miệng vì bệnh có biểu hiện chính là các mụn nước nổi ở vùng tay, chân, miệng. Tác nhân gây bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường tiếp xúc.
Khi trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh sẽ bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Hoặc trẻ lành cầm nắm đồ chơi, sờ chạm vào sàn nhà bị dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh. Bệnh còn lây cho trẻ qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.
Khi xâm nhập vào cơ thể, virus gây bệnh sẽ qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết, từ đó sẽ phát triển rất nhanh, gây ra các tổn thương ở da, niêm mạc. Sau thời gian ủ bệnh từ 3 - 6 ngày, trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ có các biểu hiện sốt, đau họng, chảy nước bọt liên tục, biếng ăn hoặc bỏ ăn, khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường và loét miệng với các bóng nước có đường kính 2-3 mm.
Khi các bóng nước này vỡ, chúng rất nhanh tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt, thấy đau khi ăn. Ngoài ra còn xuất hiện các bóng nước từ 2-10 mm, màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ngoài các dấu hiệu điển hình trên, bệnh có thể biểu hiện không điển hình như bóng nước rất ít xen kẽ với những hồng ban, một số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban, không có biểu hiện bóng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần.
Những biến chứng thường gặp của tay chân miệng là viêm màng não, viêm màng liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như: Viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân. Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, cách phòng chống tay chân miệng hiệu quả là rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. Không để trẻ mút tay, đưa đồ chơi lên miệng. Cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa bát. Người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường hoặc chloraminB.
Để rửa tay bằng xà phòng đúng cách, bạn làm ướt tay bằng nước máy, áp dụng thoa xà bông hoặc nước rửa tay, sau đó bắt đầu chà tất cả các bề mặt của hai bàn tay ít nhất 20 giây. Cuối cùng, rửa sạch lại tay với nước và lau khô bằng khăn sạch (hoặc sử dụng máy sấy không khí).
Thúy Quỳnh
Nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/nguy-co-benh-tay-chan-mieng-do-khong-rua-tay-sach-4026772.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?