Nhiễm khuẩn tiêu hóa có thể gây ra bệnh lý nguy hiểm
Không chủ quan với nhiễm khuẩn tiêu hóa nhẹ
PGS, TS Nguyễn Thị Vân Hồng, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, viêm ruột là bệnh có tính chất tự miễn, tức là cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn. Khi có nhiễm khuẩn tiêu hóa nhẹ thì cơ thể có thể tự điều chỉnh được hoặc bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh điều trị. Nhưng nếu không điều trị dứt điểm tổn thương thì hệ thống miễn dịch cơ thể khi chống lại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn sẽ chống cả ruột của mình, xuất hiện căn bệnh viêm ruột.
Đây là bệnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong các bệnh về tiêu hóa, với tỷ lệ tại các nước phát triển chỉ khoảng 3-5 người/100 nghìn dân. Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức nhưng ghi nhận gia tăng số ca mắc trong những năm gần đây nhờ sự phát triển của phương pháp nội soi, chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ có kiến thức sâu hơn về bệnh lý này.
“Ngày xưa, hãn hữu chúng tôi mới gặp một ca viêm ruột thì hiện nay, tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi tiếp nhận trung bình 10 ca đến khám trong một tuần và có 2-3 ca phải nhập viện điều trị”, BS Vân cho hay.
Bệnh viêm ruột là tổn thương viêm gồm hai bệnh hay gặp là viêm loét đại trực tràng chảy máu và bệnh crohn. Tổn thương viêm nếu không được xử trí sớm thì với viêm loét đại trực tràng sẽ gặp biến chứng chảy máu gây ra đợt nhiễm trùng nặng, suy giảm miễn dịch, chảy máu dẫn tới suy kiệt. Những viêm loét này ở thể gây tổn thương hầu hết đại tràng thì nguy cơ ung thư cao.
Trong khi đó, bệnh crohn là tổ chức xơ tăng sinh nhiều gây ra hẹp lòng ruột làm cho xuất hiện biến chứng hẹp ruột và phải mổ cấp cứu. Khi tổn thương ăn sâu vào thành ống tiêu hóa gây ra viêm phúc mạc ruột phải mổ cấp cứu. Nếu không điều trị khi xảy ra biến chứng sẽ phải phẫu thuật cắt từng đoạn ruột.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm ruột là phân nhầy máu, tiêu chảy, sút cân, nhiễm trùng, đau bụng có kèm dấu hiệu bán tắc ruột gầy sút cân, đau quanh hậu môn hoặc có chảy mủ.
Bệnh viêm ruột thường khởi phát từ những viêm nhiễm đường tiêu hóa, khiến cho chất lượng cuộc sống người bệnh không cao, thi thoảng phải nhập viện vì đau bụng. Nếu chẩn đoán sớm, bệnh chỉ diễn biến tổn thương phần dưới đại tràng. Tuy nhiên, thường bệnh nhân hay đến viện ở giai đoạn muộn và bắt đầu xuất hiện tổn thương viêm loét đại trực tràng chảy máu.
Nhiều bà mẹ bổ sung lợi khuẩn sai cách
Trong hệ tiêu hóa của người cũng có rất nhiều vi sinh vật, các vi khuẩn, lợi khuẩn. Được gọi chung là microbiota với số lượng lên tới hơn 100 triệu tỷ (1014) nghĩa là lớn hơn rất nhiều so với tổng số lượng các tế bào trong cơ thể. Nếu có một cách nào đó kết nối các vi sinh vật này với nhau thì chiều dài của chúng sẽ vượt quá 2,5 lần chu vi quả đất.
PGS, TS Đào Văn Long, Chủ tịnh Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết hệ vi khuẩn chí đường ruột (microbiome) là những hệ vi sinh vật nằm trong đường tiêu hóa, được chia làm hai loại là lợi khuẩn probiotic và vi khuẩn có hại. Hàng loạt các bệnh lý như nhiễm tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… bắt nguồn từ sự mất cân bằng giữa hai quần thể vi sinh vật.
GS Long cho rằng, probiotic có thể có ích đối với những tình huống gây căng thẳng cho cơ thể, thí dụ như là làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy sau khi tiếp xúc với những vi khuẩn gây bệnh, hoặc bổ sung vi khuẩn bình thường cho ruột sau khi bệnh nhân sử dụng kháng sinh…
Tuy nhiên, trong đời sống ứng dụng nhiều như hiện nay, không ít bà mẹ hay sử dụng lợi khuẩn cho con mình nhưng lại sử dụng sai cách. “Mỗi lợi khuẩn chỉ có tác dụng cho một số bệnh, triệu chứng nhất định. Người táo bón, béo phì, trầm cảm… sẽ dùng lợi khuẩn khác nhau chứ không thể cứ sử dụng lợi khuẩn chung chung được”, PGS Long cho hay.
Các bác sĩ cũng phân tích, nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý viêm đường ruột gia tăng là thói quen ăn uống vệ sinh không bảo đảm, mất cân bằng dinh dưỡng… Việc phòng bệnh đường ruột khó vì cơ chế bệnh không thật sự rõ. Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt nhiễm khuẩn tiêu hóa và có chế độ dinh dưỡng vệ sinh, không xuất hiện bệnh lý tiêu hóa thì nguy cơ bệnh lý viêm ruột ít xuất hiện.
TRẦN NGUYÊN
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?