Những điều cần lưu ý trong phòng tránh ngộ độc ở trẻ

Ngộ độc ở trẻ gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe cho sự phát triển của bé sau này. Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý những điều quan trọng trong phòng tránh ngộ độc ở trẻ.

TS, BS Lê Ngọc Duy, Phụ trách trung tâm cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngộ độc thuốc và ngộ độc thực phẩm đều có biểu hiện giống nhau. Về tiêu hóa, trẻ đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy. Về hô hấp, trẻ có thể ho sặc, thở nhanh, tím môi, khó thở. Thần kinh trẻ có thể bị hôn mê hoặc co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có liệt hô hấp, rối loạn nhịp tim. Trẻ cũng thể có dấu hiệu tăng tiết như đàm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.

TS Duy cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn tới ngộ độc trong đó, vai trò người lớn là quan trọng nhất. Trong số các ca nhập viện vì ngộ độc, chủ yếu trẻ ngộ độc do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn như việc tự đi mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của mình khi trẻ bị bệnh hoặc nghe theo lời mách bảo của những người xung quanh… đã dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc hoặc dùng không đúng thuốc, không đúng liều hoặc đúng thuốc nhưng dùng quá liều mà không biết rằng thuốc có thể gây hại cho trẻ.

Hơn nữa, tình trạng các bà mẹ tự ý bỏ hay tăng liều thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí có người còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống… dẫn đến nguy cơ ngộ độc thuốc.

Một số trường hợp bị ngộ độc có thể do chỉ định sử dụng thuốc, liều lượng, đường dùng, phối hợp thuốc… chưa hợp lý. Tuy vậy, cũng có những trường hợp ngộ độc xảy ra ngay cả khi dùng đúng liều, đúng chỉ định do cơ thể quá nhạy cảm đối với thuốc. Một số thuốc có thể gây ngộ độc nguy hiểm như: Digoxin….

Bệnh viện cũng ghi nhận nhiều ca ngộ độc xảy ra do trẻ tự ăn, uống thuốc, thực phẩm do cha mẹ để không cẩn thận, thường xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ chập chững biết đi (tuổi trung bình là 2,5 tuổi).

Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải quan sát kỹ chung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc và liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây độc.

Cần kích thích cho trẻ càng nôn nhiều càng tốt để tống hết thức ăn, thuốc ngộ độc ra ngoài, và có thể kích thích bằng cách ngoáy nhẹ họng, hoặc cho uống nước muối loãng, nước muối loãng pha hai muỗng canh muối trong một cái ly. Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý không áp dụng gây nôn trong ngộ độc axít, kiềm, xăng dầu. Để cho trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để bảo đảm bù nước cho đầy đủ. Cho trẻ uống dung dich Oresol theo nhu cầu để bảo đảm cân bằng nước và điện giải.

BS Duy khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc thuốc, các bậc phụ huynh không tự ý mua thuốc cho con uống. Phải dùng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cho mỗi lần khám. Không dùng đơn thuốc trong lần khám trước hay đơn thuốc của trẻ khác hay của người lớn cho trẻ. Thuốc nên được bảo quản cẩn thận trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng. Để thuốc ngoài tầm nhìn và tầm tay với của trẻ, tốt nhất là để thuốc trong tủ có khóa an toàn… “Đặc biệt, không nên cho trẻ uống thuốc mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, BS Duy nói.

Đối với ngộ độc thực phẩm, BS Duy lưu ý mọi người cần rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống. Nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch. Không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn. Không sử dụng lại đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng. Kiểm tra kĩ thời hạn sử dụng của các thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.

                                                                                                             TRẦN NGUYÊN

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Mẹ và bé - 20/03/2024

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Mẹ và bé - 07/03/2024

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Mẹ và bé - 08/12/2023

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Mẹ và bé - 06/09/2022

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Mẹ và bé - 20/07/2022

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới