Những sai lầm khiến trẻ mắc bệnh hô hấp trở nặng

Theo NhanDan 15/06/2022 - Mẹ và bé
Thời tiết thất thường khiến tỷ lệ trẻ nhập viện do bệnh hô hấp tăng cao. Tuy nhiên, có nhiều bậc phụ huynh mắc những sai lầm trong chăm sóc, theo dõi dẫn tới trẻ bị biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim, viêm cầu thận...
PGS, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương khám cho bệnh nhi.
PGS, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương khám cho bệnh nhi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có hơn 10 triệu ca tử vong trên thế giới vì các bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó có tới 4 triệu ca ở trẻ em. Bệnh hô hấp cũng thuộc top 5 bệnh gây tử vong nhiều nhất ở trẻ.

Đáng chú ý, trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp 4 - 6 lần trong một năm, khiến trẻ suy giảm sức khỏe, còi cọc, chậm phát triển. Bệnh hô hấp là nỗi lo thường trực của hầu hết các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, trong thời tiết giao mùa, trẻ thường dễ mắc các bệnh hô hấp như cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi... Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng khi thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường, nhiệt độ tăng, giảm đột ngột.

Các bệnh về hô hấp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh viêm phế quản thường gia tăng vào thời điểm giao mùa bởi thời tiết thay đổi thất thường chính là yếu tố thuận lợi cho các loại virus phát triển và gây bệnh.

Trẻ em có hệ miễn dịch còn non nớt nên là đối tượng dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp như ô nhiễm môi trường, khói bụi, bụi mịn, virus, vi khuẩn phát tán trong không khí... 

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, số bệnh nhi khám và điều trị bệnh lý hô hấp tại bệnh viện gần đây tăng mạnh, tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với tháng trước, trong đó 80% là bệnh hô hấp. Nhiều trường hợp cả gia đình cùng bị bệnh lý hô hấp.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đến viện muộn vì những sai lầm trong chăm sóc con tại gia đình như tự mua thuốc điều trị, dùng các phương pháp dân gian truyền miệng, “mượn” toa thuốc của người khác, dùng lại toa thuốc cũ…

Vừa qua, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé gái 2 tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở do viêm phế quản cấp. Tuy nhiên, người thân lại tưởng con chỉ bị ho do cảm lạnh thông thường nên tự ý đi mua kháng sinh điều trị cho con. Sau khi nhập viện, được điều trị kịp thời và hiệu quả nên sức khỏe của bé đã dần được hồi phục.

BSCKI Phạm Ngọc Tường Vy, Phó Trưởng Khoa Nhi cho biết, những trường hợp như bệnh nhi nói trên không phải cá biệt. Không ít bố mẹ nhầm lẫn các triệu chứng bệnh của con, thấy con ho cứ nghĩ bị cảm cúm thông thường nên chủ quan tự điều trị tại nhà, cho trẻ uống kháng sinh theo đơn cũ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Khi được đưa đến bệnh viện, có bé đã biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, viêm đường hô hấp có thể làm suy giảm chức năng hô hấp. Nếu chăm sóc trẻ không đúng cách, không đến thăm khám sớm, không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, ngừng thuốc, mua thuốc theo đơn cũ... đều có thể khiến bệnh tiến triển nặng và gây ra những biến chứng khó lường. Do đó, việc theo dõi những triệu chứng ban đầu dù là nhỏ nhất sẽ giúp bố mẹ phát hiện sớm bệnh hô hấp ở trẻ.

Nhiều trường hợp vì không được điều trị kịp thời, bệnh tiến triển từ viêm đường hô hấp trên thành viêm đường hô hấp dưới với những triệu chứng như: khó thở, thở nhanh, thở rít, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

"Ở trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, bệnh sẽ trở nặng với các biến chứng trầm trọng hơn đó là tình trạng bội nhiễm kéo theo các bệnh lý khác và có thể dẫn đến tử vong như: viêm màng não, viêm cơ tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp…", bác sĩ Hương nói. 

Theo chuyên gia này, dấu hiệu của viêm hô hấp dưới khác nhau tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng.

Trường hợp nhiễm trùng nhẹ, các triệu chứng có thể giống với bệnh cảm lạnh thông thường như: nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi; sốt nhẹ; ho khan; đau họng; đau đầu, chóng mặt.

Trong các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp ở mức độ nặng, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng gồm: ho dữ dội, ho có đờm; sốt cao; nhịp tim nhanh; thở khò khè hoặc khó thở; cảm thấy nặng hoặc đau ở ngực.

Theo bác sĩ Hương, việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn, khả năng tiên lượng bệnh và kinh nghiệm thực tế của từng bác sĩ. Bên cạnh chuyên môn của bác sĩ, để chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả bệnh lý ở trẻ nhỏ cần có sự hỗ trợ đắc lực từ hệ thống trang thiết bị hiện đại, phòng khám tiên tiến và đạt chuẩn.

Do đó, bác sĩ Hương nhấn mạnh, phụ huynh nên chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp: Giữ ấm đường thở của bé; vệ sinh thân thể và tạo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ; bổ sung dinh dưỡng cho bé và tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là các mũi tiêm nhắc lại.

Ngoài các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia, bé cần được tiêm thêm các vaccine dịch vụ phòng bệnh hô hấp như: vaccine phòng cúm mỗi năm tiêm 1 lần; vaccine phòng bệnh bạch hầu; vaccine phế cầu phòng bệnh viêm phổi, viêm tai giữa... do phế cầu khuẩn gây ra.

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Mẹ và bé - 20/03/2024

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Mẹ và bé - 07/03/2024

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Mẹ và bé - 08/12/2023

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Mẹ và bé - 06/09/2022

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Mẹ và bé - 20/07/2022

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới