Phụ nữ độ tuổi 20-30 có thể trì hoãn sinh con trong bao lâu?
Tuổi có thai ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới ngày càng muộn, trong đó có Việt Nam. Báo cáo của Việt Nam cho thấy tuổi có con lần đầu của phụ nữ tăng trung bình thêm 2 tuổi sau mỗi 10 năm. Ở các thành phố lớn tại Việt Nam, tuổi có con lần đầu của phụ nữ còn tăng nhanh hơn.
Có nhiều lí do giải thích tại sao tuổi có thai ở phụ nữ ngày càng tăng: Kết hôn trễ, trì hoãn sinh con để có thời gian tận hưởng cuộc sống hôn nhân sau khi cưới, hoặc vài phụ nữ muốn dành thời gian xây dựng sự nghiệp, nền tảng tài chính ổn định trước khi lên kế hoạch sinh con.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, khả năng sinh sản thay đổi theo độ tuổi. Phụ nữ càng lớn tuổi thì khả năng sinh sản cũng sẽ giảm và có nguy cơ vô sinh cũng như bị các biến chứng trong suốt thai kỳ và trong quá trình sinh tăng lên.
Nên sinh con trước tuổi 30?
Lúc mới sinh, phụ nữ có khoảng 1 triệu trứng trong buồng trứng. Đó là toàn bộ nguồn trứng dùng cho độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, theo thời gian, chất lượng và số lượng trứng suy giảm và tỉ lệ noãn bất thường tăng dần theo độ tuổi. Kết quả là gây giảm khả năng thụ thai, tăng khả năng sẩy thai và tăng các bệnh lý ở trẻ sinh ra sau này.
Độ tuổi sinh sản của phụ nữ được tính từ 15 - 49 tuổi. Nhưng theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, độ tuổi thích hợp nhất ở phụ nữ để mang thai lần đầu là từ 20 - 30 vì chất lượng trứng ở độ tuổi này có chất lượng tốt nhất, dẫn đến khả năng mang thai tự nhiên và cơ hội mang song thai hay đa thai cao. Bên cạnh đó, phụ nữ ở độ tuổi này ít có nguy cơ bị các biến chứng trong thai kỳ và trong khi sinh.
Khi sinh con ở độ tuổi 25, em bé sinh ra có nguy cơ bị down và các hiện tượng đột biến gen chỉ nằm trong khoảng là 1/1.250. Tỷ lệ này tăng lên 1/400 với phụ nữ sinh con ở độ tuổi 35 và tăng lên mức 1/109 với phụ nữ sinh con tuổi 40. Khi ở tuổi 45, nguy cơ này là 1/32. (3)
Nghiên cứu này cũng cho biết khả năng sinh sản bắt đầu giảm dần khi phụ nữ qua 30 tuổi và giảm nhanh hơn sau 35 tuổi. Đặc biệt, phụ nữ khó mang thai một cách tự nhiên khi phụ nữ ở độ tuổi 45 - 50 tuổi. Do đó, nếu mang thai sau 35 tuổi, phụ nữ nên đi khám thai thường xuyên và đều đặn để có thể phát hiện những bất thường trong thai kỳ kịp thời. Phụ nữ có dự trữ buồng trứng giảm so với tuổi nên được tư vấn để có kế hoạch có con sớm hơn.
Xét nghiệm máu giúp đánh giá khả năng sinh sản
Theo Hội Nội Tiết Sinh Sản và Vô Sinh TP.HCM, cứ 10 cặp vợ chồng trên toàn cầu thì có 1 cặp gặp các vấn đề về khả năng sinh sản. Nam và nữ có vai trò như nhau trong các vấn đề về sinh sản. Vì vậy, các cặp vợ chồng cần hiểu rõ ngoài việc cố gắng có thai tự nhiên, hiện tại có nhiều phương pháp và kỹ thuật hỗ trợ giúp các cặp vợ chồng lập kế hoạch sinh sản thành công.
Khả năng có thai phụ thuộc một phần vào dự trữ buồng trứng. Hiện nay, xét nghiệm AMH (Anti-Mullerian Hormone) là một xét nghiệm máu đơn giản và được dùng để đánh giá dự trữ buồng trứng. Xét nghiệm AMH, cùng với độ tuổi là những yếu tố để đánh giá nhằm tiên đoán khả năng thụ thai và sinh sản ở các bà mẹ tương lai.
Ngoài đánh giá dự trữ buồng trứng và khả năng sinh sản trong tương lai, xét nghiệm AMH còn tiên lượng độ tuổi mãn kinh, tiên đoán tổn thương buồng trứng sau phẫu thuật và sau điều trị ung thư… Với nhiều giá trị ứng dụng hữu ích trên, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh sản nên tiến hành xét nghiệm AMH để có kế hoạch sinh con phù hợp với những kế hoạch cá nhân khác như học tập, công việc, thăng tiến.
Doãn Phong
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/phu-nu-do-tuoi-20-30-co-the-tri-hoan-sinh-con-trong-bao-lau-594391.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?