Quan tâm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ
Chúng ta thấy có mối liên quan rõ ràng là trẻ bị thấp còi thì khi đến giai đoạn trưởng thành cũng có chiều cao thấp. Hơn nữa, những người bị SDD thấp còi thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc bệnh hơn so với người bình thường. Trẻ em gái bị SDD thấp còi, lớn lên trở thành người phụ nữ thấp còi, khi sinh nở sẽ khó khăn và nguy cơ đẻ con SDD thấp còi cao hơn. Theo số liệu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta là 23,8% và thể nhẹ cân là 13,4%; tỷ lệ trẻ bị SDD thấp còi còn cao và có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, miền khi vẫn còn một số nơi tỷ lệ này ở mức rất cao hơn 30%.
Từ khi còn trong bào thai đến khi là người trưởng thành, người ta có thể chia thành hai hoặc ba giai đoạn quan trọng về phát triển chiều cao gồm: giai đoạn bào thai, nếu trẻ bị SDD bào thai hoặc sinh non tháng, nhẹ cân, chiều dài thấp thì nguy cơ SDD thấp còi cao; giai đoạn trẻ dưới hai tuổi (chiều dài lúc trẻ hai tuổi bằng một phần hai lúc trưởng thành), vì vậy cách nuôi dưỡng trẻ dưới hai tuổi là hết sức quan trọng. Giai đoạn bào thai và giai đoạn trẻ dưới hai tuổi người ta có thể gộp thành một giai đoạn và gọi là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ và giai đoạn tuổi tiền dậy thì, dậy thì. Ðây là giai đoạn phát triển chiều cao rất tốt với trẻ gái từ 10 đến 13 tuổi, 13 đến 17 tuổi ở trẻ trai. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ khó có thể phát triển chiều cao được nhiều nữa.
Vì vậy, khi trẻ bị SDD thấp còi, thì chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cần cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng theo lứa tuổi, theo giới tính, trẻ không thể có chiều cao tốt nếu chế độ ăn thiếu năng lượng. Vì vậy, cần ăn đủ các bữa cháo, bột, cơm hằng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, dầu mỡ trong các bữa ăn. Ưu tiên ăn đủ các thức ăn giàu chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa… ăn thêm đậu, đỗ, vừng, lạc. Chọn các thực phẩm giàu can-xi, sắt, kẽm cũng chính là các thức ăn có nguồn gốc động vật, giàu chất đạm như trứng, sữa, hải thủy sản, thịt… Ðáng chú ý là tăng cường các thức ăn có chứa nhiều kẽm như thịt gà, thịt ếch, hàu… vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao của trẻ. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng và tiếp tục cho bú đến hai tuổi. Nếu mẹ bị thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức cho trẻ theo tháng tuổi, khi trẻ lớn vẫn tiếp tục duy trì uống sữa và các chế phẩm của sữa hằng ngày, vì sữa là nguồn cung cấp can-xi chính trong bữa ăn của trẻ; nên cho trẻ ăn nhiều tôm, cua, cá là những thực phẩm thông dụng và là nguồn can-xi dồi dào. Ăn nhiều rau xanh, quả chín giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi-ta-min, khoáng chất, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt can-xi và các vi chất như sắt, kẽm… Bên cạnh chế độ ăn, cũng cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc như vi-ta-min D, vi-ta-min A, can-xi, kẽm, sắt,… theo hướng dẫn của bác sĩ. Ðiều trị kịp thời các bệnh còi xương, rối loạn tiêu hóa khi trẻ mắc phải. Chế độ luyện tập cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao của trẻ, các môn thể thao giúp phát triển chiều cao như bơi, đạp xe, cầu lông, xà đơn - xà kép, tăng cường thời gian hoạt động ngoài trời ở những nơi không gian thoáng, sạch giúp hấp thu vi-ta-min D.
Ở giai đoạn tiếp theo, nhu cầu dinh dưỡng cho lứa tuổi này cũng khá quan trọng. Nhu cầu năng lượng tùy theo giới tính, độ tuổi, nhưng thường từ 1.900 đến 2.300 kcal/ngày đối với nữ và 2.100 đến 2.800 kcal/ngày đối với nam. Ðể đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn ba bữa một ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng. Các chất cần cho cơ thể là: đạm (protein) để phát triển về chiều cao và cân nặng, vì chất đạm giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, tạo nên các nội tiết tố và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể. Nguồn protein động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua...; nguồn protein thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc. Chất béo: là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vi-ta-min (A, E, D, K) tan trong dầu. Sắt: cũng rất quan trọng, nhưng ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Vì vậy, ngay giai đoạn đầu vị thành niên (đặc biệt với trẻ gái) cần uống bổ sung viên sắt hoặc viên đa vi chất hằng tuần. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà... Vi-ta-min A cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Vi-ta-min A có nhiều trong thức ăn động vật như gan, trứng, sữa... Can-xi rất cần cho lứa tuổi dậy thì vì tốc độ tăng trưởng chiều cao rất nhanh nhu cầu can-xi nhiều. Can-xi cùng với phốt-pho để duy trì và hình thành bộ xương, răng vững chắc… Do vậy cần cho trẻ thường xuyên sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa hoặc sử dụng các thực phẩm giàu can-xi như tôm, cua, cá và hải sản. Ngoài ra, các vi chất dinh dưỡng khác như vi-ta-min D, vi-ta-min C, kẽm… cũng rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ, cho nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu chất kẽm (tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu), nhiều vi-ta-min C (các loại rau xanh, quả chín).
Để giúp trẻ phát triển cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành, các bà mẹ không chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ mà còn phải hết sức quan tâm đến chiều cao, vì chiều cao chỉ có hai, ba giai đoạn tối ưu để trẻ phát triển, nếu bỏ qua các giai đoạn này thì không có cơ hội lấy lại được.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?