Sinh linh nhỏ chào đời giữa đại dịch
Phổi sản phụ bị ảnh hưởng nặng nề do nCoV. Sinh con ngay lập tức có thể làm giảm áp lực lên cơ thể, khiến bệnh tình chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên còn hai tháng nữa chị mới đến ngày dự sinh. Thai nhi đẻ non dễ bị khó thở, biếng ăn, rối loạn thân nhiệt và gặp các vấn đề về sức khỏe lâu dài. Ca phẫu thuật giữa đại dịch cũng sẽ gây căng thẳng cho người mẹ.
Dù vậy, bác sĩ cho rằng cả em bé và sản phụ đang thở máy đều không có đủ oxy. Cách tốt nhất có thể cứu lấy họ là để em bé chào đời.
"Chúng tôi cần lầm điều gì đó", bác sĩ Erroll Byer Jr., trưởng khoa sản Bệnh viện Brooklyn, giải thích.
Khoa sản, nơi có khoảng 2.600 em bé chào đời mỗi năm, thường là khu vực tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Nhưng giữa đại dịch, không khí thay đổi hoàn toàn.
Từ đầu tháng 3 đến nay, các bác sĩ đã đỡ đẻ cho gần 200 người. Trong số đó, 29 sản phụ nghi nhiễm hoặc dương tính nCoV. Họ sinh con trong khu cách ly, tách biệt với những người khác, có nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ chăm sóc. Vì lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều bác sĩ và y tá đã ngã bệnh.
Ngay cả những người không mắc Covid-19 cũng tỏ ra lo lắng.
"Họ không cảm nhận được niềm vui làm mẹ ở thời điểm này", bác sĩ Byer nói. Một số thậm chí không muốn đến bệnh viện vì sợ nhiễm virus.
Số ca mắc Covid-19 có chiều hướng giảm trong một tuần vừa qua, các cơ sở y tế New York trút bỏ được phần nào gánh nặng. Song khu chăm sóc tích cực (ICU) Bệnh viện Brooklyn phải mở rộng gần gấp ba so với quy mô ban đầu. Số người nhập viện vẫn ở mức cao. Gần 90 bệnh nhân, 5 nhân viên y tế tử vong kể từ ngày 1/3. Bác sĩ Byer và các đồng nghiệp cảnh báo cuộc khủng hoảng chưa đến hồi kết.
Anderson, bệnh nhân quen thuộc của bác sĩ Byer, là một trong ba ca sinh cực kỳ rủi ro ở bệnh viện. Cô từng sảy thai và được ông động viên cố gắng có con lần nữa.
Ngày 26/3, sau khi phát hiện những triệu chứng Covid-19 đầu tiên, Anderson đã gọi cho ông Byer. Song cô cho biết rất lo sợ nếu phải đến bệnh viện, tự trấn an bản thân và cả bác sĩ rằng đây chỉ là cơn hen suyễn. Hôm sau, tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu, Anderson ho khan dữ dội, khó thở đến nỗi không thể nói trọn vẹn một câu và phải nhập viện.
Cô được chuyển đến khu chăm sóc tích cực bởi thiếu oxy nghiêm trọng và phải thở máy. Bác sĩ Byer thường xuyên đi lại giữa tầng thai sản và ICU để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cô.
"Cô ấy đã cố gắng có con trong nhiều năm liền, cuối cùng cũng thành công và mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp. Thật tệ là điều này xảy ra đúng đợt đại dịch. Đây là thứ nằm ngoài tầm kiểm soát", bác sĩ Byer thở dài.
Nhiều ngày điều trị ở ICU, sức khỏe của Anderson vẫn chưa ổn định dù đã được đặt nội khí quản và thở máy. Các bác sĩ quyết định mổ đẻ cho cô. Ca phẫu thuật diễn ra đầu tháng 4. Bé trai nặng 1,6 kg ra đời, có vấn đề về hô hấp và được đưa vào thở máy ở lồng ấp.
Trong khi đó, các bác sĩ đưa Anderson trở lại ICU. Cô không hề biết rằng mình đã được làm mẹ. Vì tình trạng sức khỏe chưa cải thiện, bệnh viện quyết định để cô thử nghiệm thuốc kháng virus remdesivir. Đây là loại thốc tiềm năng trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Nghiên cứu trên 58 ca dương tính nặng được công bố bởi Tạp chí Y khoa New England cho thấy các tình nguyện viên đã có sự cải thiện đáng kể.
Chiều 6/4, sau thời gian dùng thuốc, Anderson được tháo máy thở, sức khỏe chuyển biến rõ rệt. Đứng bên ngoài phòng chăm sóc tích cực, bác sĩ Byer vẫy chào bệnh nhân của mình. Cô mỉm cười đáp lại và đưa tay xoa bụng.
Sau hai ngày nằm lồng ấp, con trai Anderson ổn định hơn nhiều. Bé đã có thể bú bình, theo bác sĩ Mary Maryinineaux, giám đốc dinh dưỡng về sức khỏe bà mẹ của bệnh viện.
Bác sĩ Byer cũng bày tỏ niềm hy vọng của mình giữa bối cảnh rối ren và áp lực. Đến nay, tại Bệnh viện Brooklyn, chưa sản phụ hay thai nhi nào qua đời, không có trường hợp dương tính là trẻ sơ sinh.
Nhìn con đầu lòng, người mẹ 31 tuổi bật khóc trong hạnh phúc. "Xin chào. Con đây rồi", cô nói với bé trai vừa mở mắt.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?