Sử dụng thuốc nam sai cách có thể làm nguy hiểm tính mạng trẻ

Theo Nhân dân 08:41 09/11/2019 - Mẹ và bé
Một bệnh nhi 14 tháng tuổi, phát hiện cơ thể có lượng chì cao gấp 13 lần; một bệnh nhi bốn tháng tuổi rơi vào tình trạng nguy kịch vì sốc nhiễm khuẩn và ngộ độc thuốc nam… là hai vụ việc điển hình ngộ độc thuốc nam do bố mẹ tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ thời gian gần đây.
Bệnh nhi được các bác sĩ cấp cứu tích cực.
Bệnh nhi được các bác sĩ cấp cứu tích cực.

Chuộng thuốc nam chữa ho, nhiệt miệng

Ba tháng sau khi chào đời, bệnh nhi nam bị tiêu chảy, đỏ xung quanh hậu môn. Gia đình đã cho trẻ uống và đắp thuốc nam. Sau đó, trẻ bị ho, sốt, thở khò khè. Gia đình chưa đi khám khám ở các cơ sở y tế mà đã dùng thuốc nam của thầy lang nấu cho mẹ và con uống, nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng, trẻ khó thở, tím tái toàn thân.

Ngày 5-10, gia đình đưa bệnh nhi vào Trung tâm y tế huyện Tân Sơn và đã được chuyển cấp cứu đến Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. ThS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản Nhi cho biết, các kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhi bị suy hô hấp độ III, viêm phổi nặng, chưa loại trừ ngộ độc thuốc nam.

Chia sẻ về quá trình cấp cứu bệnh nhi nguy kịch tính mạng, BS Hưng cho biết, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hồi sức tích cực nhưng bệnh vẫn nặng lên. Sau sáu giờ hồi sức tích cực, bệnh nhi đi vào tình trạng sốc nhiểm khuẩn, suy đa tạng, vô niệu do nhiễm khuẩn nặng kết hợp với ngộ độc thuốc nam. Sau 24 giờ lọc máu, tình trạng bệnh nhi đã được cải thiện rõ rệt. Sau sáu ngày, bằng các biện pháp hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện, bệnh nhi ổn định.

Cũng tin vào thuốc nam chữa nhiệt miệng, ho khò khè và sốt cao, sáng 31-10, bệnh nhi 14 tháng tuổi (Thạch Khoán, Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng được đưa vào cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản Nhi trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, sốt nhiều cơn, bụng chướng, da vàng, nôn nhiều, gan to ngang rốn và có nhiều vết loét ở niêm mạc miệng.

Gia đình bệnh nhi cho biết, khi trẻ bị sốt, nhiệt miệng, gia đình có dùng kháng sinh nhưng tình trạng trên vẫn kéo dài một tuần nên gia đình cho bé uống thuốc nam và bôi thuốc cam vào miệng để điều trị.

Sau hai ngày sử dụng thuốc nam và bôi thuốc cam, bệnh nhi có dấu hiệu gia tăng mệt mỏi, sốt cao liên tục, da vàng, bú kém, tiếp tục ho, khò khè nhiều. Lúc này gia đình đưa bé đến khám tại trung tâm y tế huyện và được chẩn đoán suy gan cấp nên lập tức chuyển bé xuống Trung tâm Sản nhi.

Qua thăm khám và tổng hợp các kết quả cận lâm sàng, bệnh nhi được xác định có rối loại đông máu, men gan tăng cao, chỉ số bilirubin tăng và thiếu máu nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định do trẻ bị ngộ độc thuốc nam.

Hình ảnh cản quang của chì trên phim X-quang.
Hình ảnh cản quang của chì trên phim X-quang.

Đặc biệt, trên phim chụp X-quang có hình ảnh cản quang của kim loại, nghi là chì nên các bác sĩ đã tiến hành định lượng hàm lượng chì trong máu của bệnh nhi. Kết quả cho thấy chỉ số hàm lượng chì trong máu của trẻ là 129.8 µg/dl, tăng gấp 13 lần so với bình thường, bệnh nhi được xếp vào tình trạng nhiễm độc chì nghiêm trọng.

Bệnh nhi được tiến hành siêu lọc máu liên tục để nhằm loại bỏ các độc tố, các chất trung gian gây viêm, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, cân bằng nước và điện giải, đuy trì các biện hồi sức tuần hoàn và hô hấp.

Sai lầm khi tự ý sử dụng thuốc nam

Theo ThS, BS Cao Việt Hưng, trẻ em bị ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là tình trạng ngộ độc mãn tính bởi việc điều trị rất khó khăn và để lại di chứng rất nặng nề. Khi xảy ra tình trạng ngộ độc, chì không chỉ nhiễm vào máu mà còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể…gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và khiến trẻ chậm phát triển về trí tuệ.

Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn thói quen sử dụng các loại thuốc nam, thuốc cam để điều trị bệnh. Việc sử dụng tràn lan các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề đáng tiếc cho sức khỏe của trẻ.

Thuốc nam được nhiều người dân ưa chuộng nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không rõ nguồn gốc và dùng sai cách.
Thuốc nam được nhiều người dân ưa chuộng nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ
nếu không rõ nguồn gốc và dùng sai cách.

Từ trường hợp điều trị thành công bệnh nhi suy đa tạng sốc nhiễm khuẩn – Viêm phổi nặng ARDS - Ngộ độc thuốc nam tại Trung tâm Sản Nhi tỉnh Phú Thọ bằng phương pháp lọc máu liên tục (CVVH) kết hợp với máy thở cao tần (HFO), các bác sĩ của Trung tâm Sản Nhi khuyến cáo, trẻ em có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện rất dễ mắc bệnh và tiến triển rất nhanh thành tình trạng nặng nề gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Gia đình tuyệt đối không được chủ quan tự ý mua và dùng thuốc, đặc biệt là những loại thuốc nam không rõ thành phần, nguồn gốc và những mẹo dân gian được truyền miệng vì có thể gây suy gan, suy thận cho trẻ và có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.

Khi trẻ có dấu hiệu bất thường nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và những bác sĩ giàu kinh nghiệm để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

                                                                                               LÂM TRẦN

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Mẹ và bé - 20/03/2024

Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Mẹ và bé - 07/03/2024

Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

Mẹ và bé - 08/12/2023

Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Mẹ và bé - 06/09/2022

'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Mẹ và bé - 20/07/2022

Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới