Thoáng đau đầu, bé 8 tuổi hôn mê nguy kịch ngay giữa lớp học
BS Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Nhi, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, bệnh nhi Vương Quang Hiếu, 8 tuổi, trú tại huyện Đông Triều được chuyển đến viện trong tình trạng nguy kịch: Hôn mê, co giật toàn thân.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng não cấp nên lập tức chuyển điều trị tích cực, thở máy, sử dụng an thần giãn cơ, điều trị các rối loạn...
Anh Vương Văn Sơn, bố của bệnh nhi cho biết, trước lúc đi học trẻ có kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Do chủ quan nghĩ con lười, muốn trốn học nên bố mẹ vẫn cho trẻ đi học bình thường.
Bệnh nhi được điều trị tích cực tại BV, may mắn hồi phục tốt
Tại lớp, trẻ bất ngờ xuất hiện co giật, hôn mê, gọi hỏi không biết kèm theo nôn, được nhà trường đưa tới Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều cấp cứu. Tại đây, trẻ được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp sau đó chuyển tiếp đến BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Sau 5 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe trẻ đã dần ổn định, tỉnh hơn. Sau 10 ngày, trẻ tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không còn tình trạng đau đầu, buồn nôn, ăn uống bình thường trở lại.
BS Điệp cho biết, viêm não cấp (Hội chứng não cấp) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương, thường ro virus gây ra. Tuỳ loại virus, bệnh có thể lây qua trung gian muỗi đốt (đối với viêm não Nhật Bản), lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hoá.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ với các độ tuổi khác nhau. Bệnh thường khởi phát cấp tính, diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong nhanh hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời.
Ngoài ra đi kèm với biểu hiện lâm sàng như nhức đầu, kích thích, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, ho, chảy nước mũi, phát ban...
Đến giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ rối loạn tri giác, nặng là hôn mê, co giật, thậm chí có thể suy hô hấp hoặc sốc.
Do đó, khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời mới có cơ hội cứu sống trẻ.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ, chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Khi ngủ phải mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi, không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
THÚY HẠNH
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Mẹ và bé - 20/03/2024
Trẻ ngộ độc vì sự bất cẩn của người lớn
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Mẹ và bé - 07/03/2024
Cứu sống cặp song sinh 33 tuần thai, mẹ bị vỡ tử cung
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
Mẹ và bé - 08/12/2023
Người phụ nữ U50 đón con đầu lòng sau 8 lần mang thai không thành
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Mẹ và bé - 06/09/2022
'Trẻ hay ốm, chậm lớn có thể do thiếu sắt và kẽm'
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?
Mẹ và bé - 20/07/2022
Cần làm gì giúp trẻ tập trung hơn sau nhiễm Covid-19?