Thời tiết mưa nhiều, nắng gay gắt, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các virus, vi khuẩn có cơ hội phát triển mạnh và tác động tới sức khỏe trẻ em, gây ra những bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa.
Gia tăng bệnh nhi nhập viện vì bệnh lý hô hấp
Tại Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai, trong giai đoạn hiện tại, khi thời tiết thay đổi khiến số bệnh nhân nhập viện do hô hấp gia tăng đáng kể, đặc biệt tỷ lệ tăng cao ở trẻ bị viêm tiểu phế quản, hen phế quản.
Theo TS, BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, khi có sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm, số lượng bệnh nhi nhập viện ở Trung tâm Nhi khoa tăng gấp 100-200% so với bình thường. Đặc biệt, trong các nhóm bệnh nhân nhập viện vì nguyên nhân hô hấp thì tỷ lệ mắc Covid-19 chiếm từ 70-80%.
Trong khi đó, tại bệnh viện tuyến đầu - Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Khám bệnh những ngày gần đây trung bình tiếp nhận khoảng 200 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp.
Theo PGS, TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện nhi Trung ương, Trung tâm tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi/ngày do mắc các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…
Với sự thay đổi thời tiết thất thường mưa nhiều, độ ẩm cao, oi bức suốt từ cuối tháng 5 đến nay, tình trạng trẻ khám và nhập viện tại nhiều cơ sở y tế như Bệnh viện E, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng gia tăng.
Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số trẻ bị nôn, sốt, tiêu chảy, mắc bệnh hô hấp đến nhập viện có gia tăng nhiều so với trước, tăng khoảng 150 đến 200% so những tháng trước đó.
Trong số gần 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại khoa, có tới 70% bệnh nhi mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu là viêm phổi, viêm phế quản, tiểu phế quản… Đa số trẻ nhập viện sau khi được điều trị đều đáp ứng tốt và hồi phục nhanh.
Các trường hợp nhập viện, các bác sĩ đều khám, xét nghiệm để giám sát và loại trừ bệnh viêm gan bí ẩn theo đúng chỉ đạo của ngành y tế, hiện chưa phát hiện ca bệnh nào từ nhóm trẻ nôn, sốt, tiêu chảy vào nhập viện.
Bác sĩ Sang nhấn mạnh, vấn đề cảnh báo hiện nay chính là qua xét nghiệm, chủ yếu trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV. Đây là loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Tuy nhiên, không ít trường hợp phụ huynh chủ quan hoặc gặp phải một số sai lầm khi chăm sóc trẻ tại nhà khiến trẻ trở nặng hơn.
Bảo vệ con trước thời tiết thay đổi
Nhiều trường hợp gia đình đưa con đến viện cho biết, khi con có biểu hiện ho, sốt, thở rít nhưng gia đình vẫn để con ở nhà theo dõi. Thậm chí có gia đình nghĩ con mình có tiền sử bệnh viêm tiểu phế quản nên tự dùng đơn thuốc cũ, trong khi đó, cân nặng và thể trạng của bé đã thay đổi so với lần đi khám trước.
Anh Triệu Quốc Đ. (Hà Đông, Hà Nội) bế đứa con 1,5 tuổi, cho biết ngay từ khi sinh ra con bị ngạt ối nên đã có bệnh lý về phế quản, phổi. Tuy nhiên, khi thấy con sốt 3 ngày, gia đình chủ quan tự ý điều trị cho con theo đơn thuốc cũ nhưng tình trạng sốt không thuyên giảm, thở khò khè nặng hơn nên vội đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ Sang cho biết, tình trạng bố mẹ chủ quan cho con đến muộn, hoặc tự ý mua kháng sinh điều trị cho con khiến trẻ nhập viện trong tình trạng nặng là nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Trong quá trình tiếp nhận và thăm khám các bệnh nhi, bác sĩ nhận thấy hai sai lầm thường gặp nhất khi phụ huynh chăm sóc trẻ bị ho, sốt tại nhà đó là tự ý mua thuốc trong đó có kháng sinh và chườm lạnh cho trẻ.
Chuyên gia này nhấn mạnh, việc tự ý điều trị vô cùng nguy hiểm, vì trường hợp trẻ bị virus tấn công thì kháng sinh điều trị không có tác dụng, mà còn làm tình trạng nặng hơn, thậm chí có trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết.
Việc chườm lạnh cho con cũng là một sai lầm, vì làm như vậy không những không hạ được sốt cho trẻ mà khiến trẻ bị cảm lạnh nặng hơn, từ đó tình trạng trẻ sốt cao hơn.
Do đó, khi trẻ bị sốt tại nhà, điều quan trọng nhất là theo dõi nhiệt độ của trẻ, nên cặp nhiệt độ cho trẻ từ 20-30 phút/1 lần. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ các mẹ cần dùng hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn, đặc biệt chú ý đến cân nặng của trẻ.
Khi trẻ sốt, nên chườm ấm, không được chườm lạnh. Khi trẻ sốt cao liên tục 2 ngày, ho, khò khè nhiều, ăn kém, li bì thì nên cho trẻ đến viện để kiểm tra nguyên nhân gây ra tình trạng sốt của trẻ.
"Chăm sóc trẻ trong thời gian thay đổi thời tiết như hiện này là cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh nguồn nguy cơ lây nhiễm bệnh như đến nơi đông người. Gia đình cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của trẻ", bác sĩ Sang khuyến cáo.