Lạm dụng viên uống trắng da nguy cơ bạch biến, ung thư

Các bác sỹ da liễu đã chỉ ra vô vàn tác dụng phụ từ việc sử dụng các hoạt chất có trong viên thuốc trắng da.
Loạn quảng cáo viên trắng da
Loạn quảng cáo viên trắng da

Quảng cáo công dụng “thần thánh”

Chỉ cần vào ứng dụng tìm kiếm Google tra cụm từ “viên uống trắng da”, sẽ cho gợi ý hàng loạt sản phẩm trắng da dạng viên uống đang được chị em mua dùng với giá từ vài trăm nghìn cho đến cả triệu đồng. Tất cả được quảng cáo có công dụng kép, cả trắng da lẫn căng mịn, không có tác dụng phụ...

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện trên thị trường, các sản phẩm trắng da chủ yếu quảng cáo có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số là thảo dược của một số hãng mỹ phẩm trong nước, giá dao động từ 700.000 - 3.000.000 đồng/hộp. Điển hình như: Viên uống trắng da Super white có giá 2,1 triệu đồng/hộp 30 viên; Glutahione complex 1,3 triệu đồng/hộp.

Liên lạc với một cửa hàng bán sản phẩm online, chủ cửa hàng nhiệt tình tư vấn: “Chị đảm bảo loại viên uống trắng da này rất hữu ích cho người da ngăm đen, chắc chắn da lên tông trắng sáng. Để đạt hiệu quả trắng da nhanh, nên uống 2 viên/ngày, trong 15 ngày đầu, sau đó uống duy trì đều đặn 1 viên/ngày. Đảm bảo có làn da trắng sáng không tưởng(?)”.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông về các sản phẩm làm trắng sáng da toàn thân này, TS. BS. Vũ Nguyệt Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu ứng dụng Tế bào gốc, BV Da liễu T.Ư khẳng định: “Hiện các sản phẩm làm trắng sáng tại chỗ cho một số điểm tối màu bất thường như rám, đồi mồi đang bị một số đơn vị lạm dụng. Đáng chỉ để làm trắng sáng các vùng thì người ta chuyển các hoạt chất đó dùng làm trắng sáng toàn thân. Phương pháp làm trắng này hoàn toàn không chính thống, không được ủng hộ của các tổ chức y tế thế giới. Đặc biệt là với các sản phẩm dùng theo đường uống”.

Nguy cơ mắc bạch biến, ung thư da

Theo BS. Nguyệt Minh, trên da có những sắc tố melanin, nó tựa như lớp bảo vệ tia UV tự nhiên của con người. Bản chất của sạm da trong y khoa (thuật ngữ tăng sắc tố da) là sự tập trung của melanin, một chất được ra để hấp thu và bảo vệ cơ thể khỏi tia UV. Số lượng melanin càng nhiều thì màu da càng tối hơn nhưng bảo vệ tia UV tốt hơn, đặc biệt là chống ung thư da.

“Tuy nhiên, do nhu cầu thẩm mỹ, có người da màu thì thích trắng và người da trắng lại thích có làn da sậm màu… Cũng vì thế các hãng dược, hóa mỹ phẩm chế ra các sản phẩm để thích nghi với nhu cầu đó nhằm làm trắng sáng làn da. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là một sự sửa chữa đối với cơ thể tệ hại nhất. Sự sửa chữa đấy khiến làn da dễ gặp biến cố do ánh mặt trời gây nên. Ví như với người da vàng và da đen nếu làm trắng sáng thì dễ đối mặt nguy cơ mắc bạch biến hoặc tăng nguy cơ ung thư cho da. Ngược lại, người châu Âu da trắng chuyển “nhuộm” nâu cũng vậy”, BS. Minh phân tích.

BS. Minh cũng nhấn mạnh, có một số hoạt chất đã bị sử dụng để làm trắng sáng toàn thân, như Glutathione. Bản thân trong chu trình tạo melanin là 1 enzym giúp quá trình tạo ra melanin không màu. Vì vậy, khi hoạt chất Glutathione được tiêm và bôi tại chỗ làm trắng đúng là có hiệu quả. Tuy nhiên, việc dùng Glutathione đường uống và đường truyền bị cấm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Hoa Kỳ (FDA). Bởi thực tế, để tạo sắc tố có màu đen hoặc vàng có chu trình chuyển hóa nhiều bước và Glutathione chỉ là 1 bước trong đó. Vì vậy, việc chỉ sử dụng 1 hoạt chất này thực chất không mang lại hiệu quả cao, bởi còn tùy sự thích nghi cơ địa từng người. Với một số người thậm chí còn mang tác dụng ngược là làm đen đi, hoặc chuyển sang quá trắng thành bạch biến, đó đều là những điều bất thường mà Glutathione mang lại.

Trong y khoa, người ta chỉ dùng Glutathione theo đường uống trong chỉ định điều trị một số bệnh như nhiễm độc thần kinh liên quan đến chất điều trị ung thư và Glutathione có khả năng trung hòa hiện tượng độc tố đó. Việc bán dưới dạng 1 thực phẩm chức năng dù nồng độ thấp hơn cũng không được khuyến cáo để sử dụng làm trắng da vì có thể có độc nếu tự ý dùng.

BS. Minh cũng cho biết: Bên cạnh đó, một số thành phần khác như: Tranexamic, Ascorbic acid hay VitaminC… đều nằm trong hoạt chất được đề cập có tác dụng làm trắng sáng da. Ví như, Tranexamic acid được chứng minh trong một số nghiên cứu nhỏ lẻ về điều trị rám má, bệnh lý sắc tố tại chỗ… nhưng để uống với mục đích toàn thân trắng ra lại là chống chỉ định, không được khuyến cáo sử dụng. Trong y khoa, hoạt chất này cũng được tổ chức y tế chấp thuận sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như rong kinh, nhưng hoàn toàn không được khuyến khích trong làm trắng.

“Do đây là thuốc đông máu nên cần chỉ định của bác sĩ khi dùng điều trị. Nếu người bệnh tự dùng và dùng kéo dài dù nồng độ thấp/viên uống, cũng gây ra tác dụng phụ, có thể liên quan đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…”, BS. Minh chia sẻ.

Tương tự với vitamin C vốn được “thần thánh hóa” là chống lão hóa. Tuy nhiên, theo BS. Minh, khả năng hấp thu qua tiêu hóa, chui qua da là rất thấp. Do vậy, uống vitamin C dạng viên cũng không được khuyến cáo. Hiện, vitamin C đang bán trên thị trường dạng thuốc là vitamin C tổng hợp không giống vitamin C khi ta hấp thu từ các loại hoa quả như cam hay ổi… Vitamin C trong hoa quả tươi là tự nhiên, hấp thu tốt và làm tăng nồng độ vitamin C trong cơ thể, giúp khả năng chống lão hóa tốt hơn. Trong khi đó, việc uống vitamin C tổng hợp dạng thuốc còn chống chỉ định với người mắc các bệnh lý hen phế quản.

Cách làm trắng da khoa học và đơn giản nhất ở vùng hở như mặt, tay chân… đó là dùng kem chống nắng. Đây là cách tăng cường bảo vệ da dưới ánh mặt trời. Thực tế việc dùng đúng, đủ kem chống nắng sau 1 thời gian cũng cho được kết quả da ít chịu sự tác động của ánh nắng mặt trời vì vậy có tông da trắng sáng lên. Đây là phương pháp đầu tay cho tất cả các bác sĩ da liễu khi muốn làm trắng sáng một vùng nào đấy. Tuy nhiên, cần khẳng định, việc chỉ có thể làm trắng sáng vùng da bị tối màu do tác động của ngoại cảnh về với đúng màu da vốn có (màu da vùng bụng), còn việc làm trắng sáng toàn thân là phản khoa học."TS. BS. Vũ Nguyệt Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu ứng dụng Tế bào gốc, BV Da liễu T.Ư
 
Vũ Anh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Vì sao nhiều người tiêm meso trẻ hóa da gặp biến chứng?

Vì sao nhiều người tiêm meso trẻ hóa da gặp biến chứng?

Làm đẹp - 14/03/2024

Vì sao nhiều người tiêm meso trẻ hóa da gặp biến chứng?

Ăn "thâm hụt calo" để giảm cân sau ngày Tết

Ăn "thâm hụt calo" để giảm cân sau ngày Tết

Làm đẹp - 14/02/2024

Ăn "thâm hụt calo" để giảm cân sau ngày Tết

Rước vạ vì ham làm đẹp cấp tốc đón Tết

Rước vạ vì ham làm đẹp cấp tốc đón Tết

Làm đẹp - 25/01/2024

Rước vạ vì ham làm đẹp cấp tốc đón Tết

Dùng cần tây để giảm cân sao cho đúng?

Dùng cần tây để giảm cân sao cho đúng?

Làm đẹp - 18/01/2024

Dùng cần tây để giảm cân sao cho đúng?

Có hết sẹo sau 1 lần trị liệu?

Có hết sẹo sau 1 lần trị liệu?

Làm đẹp - 09/10/2023

Có hết sẹo sau 1 lần trị liệu?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới