Người phụ nữ nặng 115 kg cắt hút hơn 5 kg mỡ bụng
Bệnh nhân tăng cân nhiều từ sau khi sinh con thứ hai rồi mắc đái tháo đường. Các vùng mỡ da thừa ở bụng dưới và nách khiến chị vận động khó, thường xuyên tỏa mùi hôi. Chị thử nhiều cách giảm cân, song thất bại vì bị hạ đường huyết.
Tháng 5, chị đến Bệnh viện E để điều trị béo phì. Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ và hàm mặt, nhận định bệnh nhân bị béo phì độ 3, tức mức cao nhất, chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức 41, nặng 115 kg cao 1,6 m. Chị khám chuyên khoa dinh dưỡng để giảm béo bằng cách không can thiệp, sau 5 tháng giảm được 10 kg. Đầu tháng 10, chị đề nghị bác sĩ phẫu thuật giảm béo.
Bác sĩ Minh tư vấn bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ da thừa, tạo hình thu gọn cơ thành bụng và hút mỡ nhằm làm thành bụng nhỏ hơn, loại bỏ các vùng mỡ thừa tại eo cho vòng hai thon gọn. Ca mổ diễn ra ngày 13/10, bác sĩ cắt bỏ 3,2 kg da mỡ vùng bụng, hút thêm khoảng hai lít mỡ bằng công nghệ vaser lipo để giảm khối lượng mỡ thành bụng và ở các vùng gây cọ xát như nách.
Theo bác sĩ Minh, người bệnh hồi sức sau mổ rất khó khăn như khó ngồi dậy, đi lại, vết mổ liền chậm do đường huyết tăng cao, thể trạng quá béo, lượng mỡ nhiều, lại đang điều trị tiểu đường.
Ngày 17/10, sức khỏe người bệnh đã ổn định, tiếp tục theo dõi cân nặng và điều trị tiểu đường.
Theo bác sĩ Minh, béo phì mức độ nặng có thể gây nhiều hệ lụy như khiến người bệnh trầm cảm, mắc thêm bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu gây đột quỵ, gan nhiễm mỡ, bệnh xương khớp, thoái hóa khớp, nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, rạn da, hăm loét do nếp da thừa...
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân béo phì độ 3 cần được theo dõi liên tục cân nặng và áp dụng chế độ dinh dưỡng, luyện tập giảm cân chậm rãi có lộ trình theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng, tránh nhịn ăn gây tụt đường huyết. Bệnh nhân cũng cần khám nội khoa để theo dõi các chỉ số sinh hóa: đường máu, lipid máu... Nếu tất cả biện pháp trên không hiệu quả, người bệnh cần phẫu thuật đặt đai dạ dày hoặc cắt dạ dày giảm cân. Lượng da mỡ thừa sẽ được các bác sĩ tạo hình thẩm mỹ giải quyết: cắt da thừa, tạo hình thành bụng, lấy mỡ thừa...
Theo bác sĩ Minh, phương pháp phẫu thuật can thiệp chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình giảm cân. Bệnh nhân có thể béo trở lại nếu không có chế độ ăn uống và tập luyện tích cực sau mổ. Vì vậy, người béo phì nên thực hiện giảm cân một cách khoa học sao cho năng lượng vào cơ thể không nhiều hơn năng lượng được tiêu thụ. Chế độ ăn ít năng lượng gồm nhiều rau xanh, tăng tập luyện như đi bộ, bơi lội, gym...
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trả giá đắt sau tiêm giảm béo
Làm đẹp - 15/08/2024
Trả giá đắt sau tiêm giảm béo
Biến chứng vì tiêm meso trẻ hóa ở cơ sở không uy tín
Làm đẹp - 17/07/2024
Biến chứng vì tiêm meso trẻ hóa ở cơ sở không uy tín
Cô gái trẻ nhập viện với cặp môi biến dạng sau thẩm mỹ cắt môi trái tim
Làm đẹp - 25/04/2024
Cô gái trẻ nhập viện với cặp môi biến dạng sau thẩm mỹ cắt môi trái tim
Vì sao nhiều người tiêm meso trẻ hóa da gặp biến chứng?
Làm đẹp - 14/03/2024
Vì sao nhiều người tiêm meso trẻ hóa da gặp biến chứng?
Ăn "thâm hụt calo" để giảm cân sau ngày Tết
Làm đẹp - 14/02/2024
Ăn "thâm hụt calo" để giảm cân sau ngày Tết