4 ca hết cách ly mắc Covid-19, cảnh báo lỗ hổng xét nghiệm
Trong 1 tuần qua, Việt Nam ghi nhận liên tiếp 4 trường hợp mắc Covid-19 sau khi cách ly tập trung đủ 14 ngày với 2-3 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân 2899 ở Hà Nam, cách ly đủ 14 ngày tại Đà Nẵng, về quê ngày 22/4; 2 trường hợp khác là chuyên gia Trung Quốc trong nhóm 5 người, cách ly tại Yên Bái từ ngày 9/4-24/4; ca thứ 4 là bệnh nhân 2986, 37 tuổi, chuyên gia Ấn Độ, cách ly tại Hải Phòng từ 17/4-30/4.
Xem xét lại quy trình lấy mẫu
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính, bao gồm: Lây nhiễm trong khu cách ly, về nhà mới phát bệnh; lây nhiễm từ nước ngoài nhưng ủ bệnh dài hơn 14 ngày; lây nhiễm trong quá trình di chuyển trên các phương tiện; gặp gỡ người khác ngoài cộng đồng.
PGS.TS Trần Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Lao phổi Trung ương cho rằng, lỗ hổng cách ly, tập huấn tại các khách sạn không chuẩn chỉnh, kiểm soát không nghiêm tại một số địa phương thời gian qua là những bài học cần xem xét lại để khắc phục.
Ngoài ra, PGS Nhung đặc biệt nhấn mạnh đến giả thiết khác liên quan đến xét nghiệm, đặc biệt là khâu lấy mẫu. Đây là lỗ hổng đáng lo ngại nhất. Thực tế, cả 4 trường hợp nói trên đều được lấy mẫu khi cách ly tại khách sạn, không phải tại các khu cách ly tập trung.
PGS Nhung cho rằng cần xem xét lại quy trình lấy mẫu, đây là khâu quyết định kết quả xét nghiệm
PGS Nhung phân tích, một mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 thực tế dương tính nhưng cho kết quả âm tính có 3 khả năng: Thứ nhất, chất lượng mẫu không chuẩn; thứ hai, quá trình xử lý mẫu không chuẩn; thứ ba do trục trặc về máy.
Theo PGS Nhung, trục trặc máy hiếm khi xảy ra, nếu có, chỉ cục bộ tại một điểm. Về xử lý mẫu, Bộ Y tế đã có quy trình, nhân viên xét nghiệm đã làm hơn 1 năm nay nên thao tác thuần thục, ít sai sót.
“Do vậy với những trường hợp xét nghiệm 3 lần vẫn âm tính thì khâu lấy mẫu là đáng lo nhất, dễ lơ là nhất”, PGS Nhung nhận định.
Muốn kết quả chính xác, khâu quan trọng nhất cần lấy mẫu chuẩn, người lấy mẫu phải được tập huấn rất kỹ. Mỗi bệnh nhân phải được lấy mẫu ở cả 2 vị trí dịch tỵ hầu và dịch họng. Chỉ cần lấy sai vị trí hoặc chỉ lấy 1 vị trí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm.
PGS Nhung cũng loại trừ nguyên nhân liên quan đến sinh phẩm, kit xét nghiệm do danh mục này đã được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép.
Là người trực tiếp xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lý giải, có ít nhất 4 nguyên nhân khiến kết quả PCR âm tính.
Thứ nhất, liên quan đến quy trình, kĩ thuật cũng như bảo quản mẫu dịch hầu, họng của bệnh nhân. Nếu lấy mẫu không đúng vị trí, bảo quản nhiệt độ không đúng, vận chuyển bệnh phẩm kém thì dù phương pháp hiện đại bao nhiêu cũng không thể cho ra kết quả chuẩn xác.
Thứ hai, xét nghiệm PCR âm tính có thể do lượng virus trong cơ thể bệnh nhân chưa nhân lên đủ lớn để phát hiện ra hoặc bệnh nhân chưa từng mắc hoặc đã mắc Covid-19 nhưng hiện đã khỏi bệnh.
Thứ ba, trường hợp virus bị đột biến ở vùng gene đích chẩn đoán, PCR có thể không phát hiện ra.
Thứ tư, có thể liên quan đến hóa chất và trang thiết bị xét nghiệm.
“Do đó kết quả xét nghiệm PCR âm tính không loại trừ khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, các trường hợp F1 tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh, dù kết quả âm tính cũng phải cách ly 14 ngày kể từ ngày cuối cùng tiếp xúc”, BS Lan nhấn mạnh.
5 lưu ý khi lấy mẫu
Riêng kỹ thuật lấy mẫu, BS Lan cho biết, việc lấy mẫu đúng vị trí, đúng kĩ thuật đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng xét nghiệm.
Khi lấy mẫu, ngoài việc sử dụng đầy đủ bảo hộ theo quy định, cần chú ý không sử dụng găng tay phủ bột TALC vì loại bột này gây ức chế phản ứng PCR, gây âm tính giả.
Tất cả các trường hợp F1 đều phải lấy đủ 2 vị trí dịch tỵ hầu và dịch họng
Theo khuyến cáo, tốt nhất nên lấy được cả mẫu dịch tỵ hầu và dịch hầu họng. Cả 2 que lấy mẫu cần được đặt và vận chuyển trong cùng một ống với môi trường vận chuyển.
Nếu số lượng que lấy mẫu bị hạn chế, ưu tiên lấy ở vị trí tỵ hầu, giữ que lấy mẫu ít nhất 5 giây để thấm dịch, riêng nhóm F1 vẫn cần lấy cả 2 đường.
Khi lấy mẫu, nên sử dụng các loại que có đầu lấy mẫu làm bằng vật liệu tổng hợp như nylon, dacron hoặc polyester, tránh sử dụng bông cotton.
Mẫu lấy xong cần bỏ vào ống đựng bệnh phẩm có chứa môi trường vận chuyển, giữ lạnh 4-8 độ C và gửi đến phòng xét nghiệm để được xử lý trong 24-72 giờ sau khi thu thập.
Nếu không thể gửi mẫu trong khoảng thời gian này, khuyến nghị bảo quản đông lạnh ở -70 độ C hoặc thấp hơn cho đến khi mẫu được vận chuyển (đảm bảo duy trì nhiệt độ lạnh trong khi vận chuyển).
Trường hợp que lấy mẫu được đặt trong nước muối vô trùng thay vì môi trường vận chuyển virus, cần vận chuyển càng nhanh càng tốt.
Hiện PCR được coi là phương pháp xét nghiệm chuẩn để khẳng định một trường hợp mắc Covid-19. Việt Nam đã 123 đơn vị được thực hiện xét nghiệm khẳng định.
Thúy Hạnh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Thời sự xã hội - 18/10/2024
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa
Thời sự xã hội - 17/10/2024
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa