5 tháng chống dịch tại Hà Nội
Khi đợt dịch Covid thứ tư xảy ra cuối tháng 4 năm nay, Hà Nội là nơi có nguy cơ bùng phát rất lớn, vì trong thành phố đã phát sinh một số ổ dịch phức tạp, tám tỉnh tiếp giáp Hà Nội cũng đều có dịch, chưa kể mỗi ngày tiếp nhận hàng chục nghìn phương tiện và người dân từ khắp nơi đổ về…, nhưng Hà Nội quyết tâm bảo vệ an toàn, không để dịch lây lan mất kiểm soát.
Ngày 23/7, cả nước ghi nhận hơn 7.300 ca mắc mới. Một số tỉnh, thành phố có số ca mắc tăng lên “chóng mặt”. Thời điểm đó, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 50 ca mắc, nhiều ca không rõ nguồn lây. Đứng trước nguy cơ bùng phát dịch mạnh, chiều cùng ngày, bên trong phòng họp Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo thành phố đứng trước câu hỏi: “Có giãn cách toàn thành phố hay không?”, bởi số người trong độ tuổi tại Hà Nội được tiêm vaccine phòng Covid-19 mới đạt 26,5%, lại chủ yếu là mũi 1. Nhưng để quyết đáp một việc ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phải rất thận trọng.
Chủ trì hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy biểu quyết để phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể cho tình huống này.
Hội nghị đã thống nhất giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 24/7. Nhờ chuẩn bị tốt và ủng hộ của người dân, Hà Nội thực hiện biện pháp “đóng băng” rất thành công, không bị sốc, bằng chứng là không xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất và cũng gây thiệt hại lớn nhất cho kinh tế Thủ đô. Nhưng đổi lại, Hà Nội đã tận dụng có hiệu quả “thời gian vàng” này để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm phủ vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Thành phố đã chặn đà tăng của dịch Covid-19, số ca mắc mới và số ca mắc ngoài cộng đồng giảm dần qua mỗi đợt giãn cách.
Đến trước khi kết thúc đợt giãn cách thứ tư, có những ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Trong hơn 150 ngày của đợt dịch thứ tư, Hà Nội chỉ ghi nhận tổng số 4.273 ca dương tính.
Cùng với đó, công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Tính đến cuối tháng 9, gần 3,22 triệu lượt người dân trên địa bàn đã được thụ hưởng các khoản hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 1.375 tỷ đồng.
Từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động, để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng lãnh đạo thành phố xác định, rủi ro còn rất lớn vì tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm hai mũi vaccine còn thấp (đến ngày 3/10 đạt 23% dân số trên 18 tuổi và 16,6% tổng dân số). Trong khi nguy cơ dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ khi nào, mà trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là thí dụ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố sẽ tập trung chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo. Trong đó, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp để hai chủ thể này thật sự là trung tâm trong phòng, chống dịch. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...
Hà Nội đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần giảm mức độ ảnh hưởng của đại dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Thành ủy cũng đã ban hành nghị quyết chỉ đạo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của thành phố Hà Nội; nghị quyết về chủ trương triển khai đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4.
Bên cạnh đó, Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ với quyết tâm vừa chỉnh trang diện mạo đô thị, vừa bảo vệ an toàn, nâng cao điều kiện sống cho người dân.
Đến nay, vướng mắc về cơ chế đã được giải quyết, thành phố sẽ cố gắng để khởi công một số dự án ngay trong năm 2022. Đây là những quyết sách chiến lược, lâu dài nhằm tạo động lực phát triển cho Thủ đô.
QUỐC TOẢN
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Thời sự xã hội - 30/10/2024
Tạm đình chỉ nữ giáo viên đánh học sinh trong lớp
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Thời sự xã hội - 28/10/2024
Nữ du khách bị sóng cuốn trôi trên đảo Phú Quý thoát chết nhờ mặc áo phao
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Thời sự xã hội - 24/10/2024
Phát hiện thi thể 2 học sinh trên bờ biển Hà Tĩnh
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Thời sự xã hội - 18/10/2024
Vụ cô giáo đánh học sinh lớp 1 bầm tím: Chuyển hồ sơ sang công an xử lý
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa
Thời sự xã hội - 17/10/2024
Hà Nội: Người dân lao vào khu xưởng cháy trong đêm để cứu tài sản, hàng hóa